Sự lựa chọn trục các đăng, xích, dây curoa tối ưu cho mô tô

  • 30/12/2017
  •  
     
     
0
(0)

Khi nhắc đến các dòng xe mô tô chúng ta đều quan tâm đến kiểu dáng thiết kế, sức mạnh động cơ mà hầu như quên đi môt số bộ phận rất quan trọng trong hệ thống truyền động như trục các-đăng, nhông xích và dây curoa.

Khác với ô tô vốn chỉ có một lựa chọn hệ thống truyền động là trục các đăng. Môtô có đến 3 lựa chọn hệ thống truyền động: Nhông xích, trục các đăng và dây curoa. Mỗi loại hệ truyền động đều có ưu và nhuợc điểm riêng, tùy vào nhu cầu sử dụng mà ta có thể chọn cho mình hệ truyền động thích hợp nhất.

Trong ba hệ truyền động nói trên thì nhông xích hiện đang là loại được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất ở mọi hãng xe và dòng xe. Trục các đăng cũng là một lựa chọn, nhưng ít phổ biến hơn. Còn lại là dây curoa vốn chỉ thấy ở một số mẫu xe nhất định.

Vậy tại sao hệ truyền động nhông xích lại được sử dụng rộng rãi nhất? Để trả lời câu hỏi này, ta phải đi sâu vào ưu và nhược điểm của mỗi loại hệ thống.

Hệ thống truyền động nhông xich

Sở dĩ nhông xích đang là lựa chọn hàng đầu cho hệ thống truyền động bởi ưu thế mà nó mang lại là vô cùng lớn.

Ở thời điểm hiện tại, khi mà hầu như các hãng xe đều chạy đua để cắt giảm trọng lượng xe thì nhông xích thực sự có lợi thế rõ rệt với trọng lượng nhẹ. Nói đến đây nhiều người hẳn sẽ thắc mắc tại sao không dùng dây curoa? Dây curoa nhẹ hơn nhông xích rất nhiều. Đúng. Nhưng chưa đủ.

Tuy có trọng lượng nặng hơn dây curoa, nhưng nhông xích lại bền hơn, tuổi thọ cao hơn. Việc bảo trì bảo dưỡng cũng rất đơn giản. Không những thế, dù cần được bảo trì bảo dưỡng đều đặn nhưng nhông xích lại một lợi thế khác nữa là khả năng hấp thủ lực cực tốt. Với những dòng xe thường tăng tốc đột ngột, phanh gấp và chạy ở địa hình xấu nhiều thì nhông xích thực sự là lựa chọn tối ưu.

Cuối cùng, có một điểm ở nhông xích mà hai hệ thống còn lại không có. Đó là khả năng thay đổi tỉ số truyền. Nếu bạn muốn chiếc xe của mình sốc và nhồng ga đầu, không cần nước hậu thì chỉ cần thay nhông sau với số răng nhiều hơn, hoặc nhông trước với số răng thấp hơn. Nếu muốn chiếc xe mình có vận tốc tối đa cao nhất thì chỉ cần thay nhông sau với số răng thấp hơn là được. Nhưng bạn phải đánh đổi việc đề-pa của xe sẽ yếu hơn trước một chút, thậm chí là yếu hơn nhiều tùy vào số răng của nhông mới.

Thay đổi như thế nào là do bạn, chỉ cần nhớ tỉ số xuống 1 răng nhông trước bằng lên 3 răng nhông sau là được. Việc thay nhông trước sẽ lợi hơn so với thay nhông sau do giá thành rẻ hơn và không cần phải nối xích như thay nhông sau.

Cái gì có ưu điểm cũng có nhược điểm. So với trục các đăng thì nhông xích bị mài mòn nhanh hơn, yêu cầu chế độ bảo dưỡng và thay mới. Nếu không được bảo dưỡng đều đặn và kỹ càng, xích có nguy cơ đứt trong khi xe hoạt động.

Với những bạn chưa biết thì việc đứt xích khi xe đang di chuyển là rất nguy hiểm. Khi xích bị đứt, có hai trường hợp sẽ xảy ra. Một là xích theo quán tính quay của nhông trước, văng lên và vả thẳng vào chân, có thể làm gãy chân. Trường hợp thứ hai, chân bạn sẽ thoát nhưng bưởng máy sẽ vỡ do xích vả vào hoặc bị cuộn ở nhông trước.

Xích đứt bị cuộn, dồn vào nhông trước. Trường hợp xấu có thể làm vỡ lốc máy, hỏng nhông và trục số.

Trục các-đăng: Lợi nhiều, hại cũng không ít

Hệ thống trục các-đăng trên BMW R1200GS

Trong ba hệ thống truyền động thì trục các-đăng có thiết kế khỏe khắn nhất và mang đến lợi ích rõ rệt nhất.

Nhờ cơ chế kỹ thuật đặc biệt và khép kín mà hệ truyền động các-đăng tỏ ra rất bền bỉ, tuổi thọ lâu dài và “không ngại vết bản”.

Thiết kế kín kẽ của hệ truyền động các-đăng khiến nó hầu như không cần vệ sinh, bảo dưỡng và thay thay thế như nhông xích hay dây curoa. Bên cạnh đó, hệ thống các-đăng còn giúp gia cố càng sau, nâng cao sự ổn định, cải thiện cảm giác lái và xử lý.

Tuy nhiên, cũng vì thiết kế đặc biệt đó mà các xe trang bị hệ thống truyền động các-đăng gặp phải một số vấn đề. Trong trường hợp về số mà tốc độ quay của bánh thấp hơn vận tốc xe thì tình trạng khóa bánh sau gây trượt bánh sau xe xảy ra. Sự bền bỉ và tuổi thọ cao của trục các-đăng kéo theo chi phí sửa chưa rất cao cao, chưa kể nếu thay thế thì cần phải có phụ tùng từ chính nhà sản xuất xe. Nhìn chung, tuy tuổi thọ cao nhưng nếu có vấn đề xảy ra với truc các-đăng thì chi phí đi kèm là rất lớn.

Hệ thống truyền động dây curoa

Hệ truyền động dây curoa gồm hai bánh đà và dây curoa. bánh đà nhỏ gắn ở động cơ, bánh đà lớn nằm ở bánh sau.

Hệ thốn truyền động dây curoa gồm dây curoa và hai bánh đà. Trên bánh đà có rãng và trên dây curoa có răng tương ứng. Bánh đà bé gắn ở trục truyền hộp số, trong khi đó bánh đà lớn gắn thẳng vào trục bánh sau.

Hệ thống truyền động dây curoa không đòi hỏi phải bảo dưỡng hay bôi trơn như xích. Xét về trọng lượng thì dây curoa dành lợi thế tuyệt đối so với trục các-đăng và nhông xích. Dây curoa thường được làm bằng chất liệu Neoprene, bên trong lõi là dây kim loại dạng xoắn nhằm tăng cường khả năng chịu lực của đai curoa. Bề mặt không có răng của dây curoa được phủ một lớp nylon nhằm giảm thiểu tình trạng nứt vỡ cũa cao su.

Chính vì làm bằng chất liệu này mà dây curoa có độ bền không cao và cần phải thay mới mỗi khi bị nứt hoặc hỏng một răng.

Đâu là lựa chọn tốt nhất?

Thành thực mà nói, lựa chọn hệ truyền động tối ưu chủ yếu dựa vào nhu cầu của người dùng. Với những người ưu tiên hiệu suất, chi phí vừa phải và khả năng tùy biến tốt thì nhông xích là sự lựa chọn hàng đầu. Cũng không nên quá lo lắng về tuổi thọ của nhông xích bởi tất cả những gì hệ thống này cần là việc vệ sinh, bảo dưỡng và bôi trơn định kỳ. Nếu đầu tư một bộ xích tốt thì nó có thể hoạt động từ 10.000 đến 15.000km, thậm chí còn cao hơn tùy vào cách người dùng chạy xe và dòng xe mà họ sử dụng. Nói vui thì xe hỏng xích chưa chắc đã phải thay.

Với những người có tiềm lực tài chính và hướng đến sự bền bỉ thì chắc chắn hệ thống các-đăng chính là câu trả lời. Bên cạnh đó thì hiện này cũng chỉ những mẫu xe phân khối lớn đắt tiền của BMW, Honda, Kawasaki hay Yamaha mới sử dụng loại truyền động này.

Hệ thống truyền động dây curoa sinh ra dành cho những người dùng thích sự nhẹ nhàng pha chút phong cách. Không đòi hỏi quá cao hiệu năng và đồ bền của hệ thống truyền động.

Nguồn: Hiền Nguyễn/Autopro

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 0 / 5. Số bình chọn: 0

Không có bình chọn nào!

XU HƯỚNG BIKER

Return Top