Tại sao phải chọn một mũ bảo hiểm chất lượng?

  • 27/03/2016
  •  
     
     
0
(0)

Mũ bảo hiểm là vật dụng bảo hộ cơ bản và quan trọng nhất khi đi xe máy, đến nỗi nó đã được quy định trong luật pháp tại nhiều đất nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Dù mũ bảo hiểm là trang bị bảo hộ bắt buộc tại Việt Nam

Mũ bảo hiểm xe máy là đồ bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, mũ bảo hiểm đang bị đa phần người sử dụng phổ thông coi như một thứ thừa thãi, chỉ sử dụng vì…luật phải thế.

Trên thực tế, chiếc mũ bảo hiểm có công cụ chính là bảo vệ vỏ não của bạn khỏi va chạm và chấn động khi không may gặp tai nạn. Nhìn bên ngoài, chiếc mũ bảo hiểm có vẻ đơn giản, nhưng điều này chỉ đúng đối với những loại mũ rẻ tiền, kém chất lượng đang bày bán tràn lan ngay cả ở vỉa hè, với mức giá chỉ khoảng 30 ngàn đồng.

 Một chiếc mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn có thể bảo vệ bạn trước những tai nạn khủng khiếp như thế này

Thực tế, bên trong một chiếc mũ bảo hiểm tiêu chuẩn là cả một hệ thống công nghệ đặc biệt, được tạo ra để giành giật lại sự sống cho người sử dụng, đặc biêt là những biker.

Phổ biến nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay là loại mũ 1/2 (nửa đầu), trong khi tại đa số những nước đưa việc sử dụng mũ bảo hiểm thành bắt buộc thì loại mũ cơ bản được quy đinh là mũ 3/4 (bảo vệ 3/4 đầu, không bao gồm khuôn mặt). Ngay cả khi đó, loại mũ 3/4 này cũng chỉ để sử dụng khi lưu thông trong đô thị với tốc độ vừa và thấp.


Mũ bảo hiểm 3/4 đang là xu hướng hiện nay, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là chiếc mũ bảo hiểm được khuyến cáo sử dụng.

Ngoài ra, loại mũ được khuyến cáo sử dụng tối ưu nhất là full-face (mũ trùm cả đầu) hay còn được gọi với cái tên quen thuộc tại Việt Nam là ‘nồi cơm điện’.

Loại mũ này không chỉ có tác dụng bảo vệ toàn bộ phần đầu của bạn khi gặp tai nạn, nó còn hạn chế luồng gió tác động đến mặt người lái xe khi di chuyển với tốc độ cao, cung cấp tầm nhìn tiêu chuẩn khi di chuyển trong mưa.

Một chiếc mũ bảo hiểm tiêu chuẩn được cấu tạo như sau:

Lớp vỏ bảo vệ:


Cấu tạo cơ bản của một chiếc mũ bảo hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế gôm 5 thành phần chính là: lớp vỏ bên ngoài, lớp EPS giảm chấn, lớp lót, mặt kính bảo vệ và hệ thống dây đai, đinh tán, khớp xoay.

Đây là lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài, có tác dụng tương tự như chiếc mai rùa, chịu lực va đập và ma sát từ bên ngoài khi gặp tai nạn, giúp các thành phần bên trong được an toàn. Có một điều đặc biệt là thiết kế đầu tiên của mũ bảo hiểm xe máy chính là chiếc mũ bảo vệ đầu của các binh sĩ khi tham chiến trong thời kì đệ nhất thế chiến, nó có thể chống được… đạn.

Từ vật liệu sắt thép ban đầu, để phù hợp với mục đích mới, các nhà thiết kế đã đưa vào sử dụng vật liệu tiên tiến hơn như sợi thủy tinh và polycarbonate. Ngoài ra, một số thương hiệu sản xuất mũ bảo hiểm chuyên nghiệp còn sử dụng vật liệu sợi carbon gia cố Aramid để tăng sức bền.

Những lớp vật liệu xếp chồng lên nhau sẽ có tác dụng bảo vệ tăng gấp nhiều lần so với một lớp duy nhất bởi sức bền vật liệu thay đổi theo mức độ dày mỏng và sự đồng nhất. Bên cạnh đó, lớp vỏ còn là nơi chứa đựng những ý tưởng thiết kế, hình dáng hoa văn… tùy theo sở thích cá tính mỗi người.

Những loại mũ rẻ tiền bằng composite đều vô dụng đối với tai nạn khi va đập phần đầu, đôi khi còn gây thêm nguy cơ do mảnh vỡ
Nhiều năm trở lại đây, vật liệu composite thường được sử dụng thay cho những vật liệu cao cấp nhờ lợi thế rẻ tiền, bắt mắt, dễ tạo dáng…, vô hình chung trở thành nguyên nhân của các vụ tai nạn thảm khốc cho dù nạn nhân có đội mũ.

Trong khi đó, các nhà sản xuất nổi tiếng thường sử dụng vật liệu nhựa đúc Polycarbonate thay vì Composite kém an toàn. Điều tạo nên chất lượng không đâu khác chính là mật độ các lớp lót của vỏ bảo vệ.

Lớp lót EPS

 Mặt cắt cho thấy lớp lót EPS trên một chiếc mũ tiêu chuẩn.

Đây là lớp vật liệu thứ hai, tiếp xúc với đầu, và là thành phần quan trọng nhất của một chiếc mũ bảo hiểm tiêu chuẩn. Lớp lót này thường được làm từ EPS (Polystyrene) có mật độ vật chất không giống nhau với từng vị trí tiếp xúc với phần đầu của bạn.

 Sơ đồ phân bỏ của mật độ hợp chất cấu tạo lên lớp lót EPS ở từng vị trí theo tiêu chuẩn hiện hành.

Trong khi phần vỏ ngoài có tác dụng hỗ trợ chịu lực va đập và tránh trầy xước, thì phần lót này có tác dụng làm chậm sự chuyển động của lực nén, hấp thụ gần như hoàn toàn lực tác động do va đập, dàn đều ra toàn bộ bề mặt vật liệu, giúp bảo vệ phần đầu của bạn khỏi chấn động khi tai nạn, vốn là nguyên nhân chính của các chấn thương so não khi xảy ra tai nạn.

Một khi bị tai nạn và xảy ra va đập, dù bên ngoài không có biểu hiện nhưng lớp lót EPS bên trong đã thực thi nhiệm vụ hấp thụ va chạm và bị biến dạng. Do đó bạn nên thay mới mũ bảo hiểm sau khi đã xảy ra tai nạn
Lớp lót này không có khả năng phục hồi, nên sau tai nạn, chiếc mũ bảo hiểm của bạn thường không còn tác dụng bảo vệ thực sự, dù bên ngoài chỉ bị trầy xước.

Lớp lót “tiện nghi”

 Lớp lót “tiện nghi” trong chiếc mũ bảo hiểm tiêu chuẩn

Đây là thành phần tạo cảm giác êm ái cho phần đầu của bạn khi sử dụng mũ bảo hiểm. Một chiếc mũ bảo hiểm tốt sẽ có lớp lót đủ mềm mại giúp phần đầu của bạn không quá căng khi sử dụng thời gian dài. Một điểm nữa cần lưu ý, lớp trong cùng này cần phải vừa vặn với đầu giúp bạn không cảm thấy khó chịu mỗi khi sử dụng.

Lớp lót này là thành phần được sử dụng để tạo size (cỡ) cho chiếc mũ bảo hiểm. Một chiếc mũ bảo hiểm phù hợp là khi nó vừa vặn với bạn. Nếu quá nhỏ, chiếc mũ sẽ khiến bạn khó chịu trong suốt thời gian sử dụng, nhưng nếu quá rộng, không ôm khít đầu, lớp bảo vệ bên trong sẽ giảm đáng kể tác dụng hạn chế chấn động cho bạn khi gặp tai nạn.

 Bảng thông số về kích cỡ đầu của người sử dụng quy đổi ra size (cỡ) mũ bảo hiểm

Thông thường, việc xác định cỡ của chiếc mũ bảo hiểm thường được đo đạc bằng đường kính vòng đầu lớn nhất của bạn.

Tấm che mặt

 Tấm che mặt không chỉ bảo vệ bạn trước gió, bụi, mà còn bảo đảm tầm nhìn tốt cho bạn khi trơi mưa hay sương mù

Rõ ràng tấm che mặt là cần thiết và cực kỳ quan trọng, nó giúp bạn vẫn nhìn thấy đường trong khi bụi bặm hay đất đá không thể gây tổn thương cho mắt, trán và da mặt, đặc biệt khi bạn lưu thông với tốc độ cao, thông thường miếng che này được làm từ nhựa Polycarbonate.

 Và đương nhiên đây cũng là thành phần quan trọng bảo vệ mặt bạn khi xảy ra tại nạn

Đa phần các loại mũ full-face với chất lượng tốt còn giúp bạn có tầm nhìn tiêu chuẩn, hiệu quả khi di chuyển trong mưa, sương mù, với đặc tính không đọng hơi nước làm mờ kính nhờ vào vật liệu chế tạo đặc biệt hay các sản phẩm hỗ trợ như miếng dán không đọng nước, khiến nước mưa trôi mất thay vì đọng trên mặt kính gây mất tầm nhìn, hay chất xịt nano với công dụng tương tự.

Các khớp nối, đinh tán và dây quai

Hệ thống quai đeo là thành phần gắn chiếc mũ bảo hiểm vào phần đầu của bạn, là chi tiết tối quan trọng trên một chiếc mũ bảo hiểm tiêu chuẩn
Giới chuyên môn gọi các chi tiết này là “Retention system”. Hệ thống này liên kết các thành phần của chiếc mụ bảo hiểm với nhau, với khả năng vượt qua các giới hạn lực tác động tiêu chuẩn và khả năng chịu đàn hồi.

Trước khi đến tay khách hàng, tất cả các chi tiết này đều phải qua kiểm định đo lường và tuyệt đối an toàn với người sử dụng. Chúng bao gồm các lò xo và bản lề siêu bền được kiểm định chất lượng rất khắt khe.


Cấu tạo thông dụng của dây quai đeo

Dây quai cài mũ và chi tiết giúp cố định chiếc mũ bảo hiểm vào phần đầu của bạn, việc cài dây đúng cách sẽ giúp chiếc mũ luôn gắn trên đầu để bảo vệ bạn trước các tai nạn.

Dây quá chặt sẽ gây ra cảm giác thít cổ, gây khó thở, nhưng nếu quá rộng, sẽ khiến chiếc mũ không ổn định, có thể tuột khỏi đầu bạn trong các tình huống tai nạn, tất cả các hiện tượng này thể hiện rõ ràng hơn khi ở tốc độ càng cao.Dây cài đúng cách là khi bạn có thể đút 2 ngon tay vào giữa dây đai và phần cổ của mình.

***Hãy suy nghĩ trước khi mua một chiếc mủ bảo hiểm

 Hãy là một biker có hiểu biết và quý trọng sinh mạng của chính mình

Tất cả thành phần trên đây cấu tạo nên một chiếc mũ bảo hiểm full-face tiêu chuẩn dành cho người sử dụng. Hiện nay, việc sử dụng mũ bảo hiểm chất lượng ngày càng đươc ủng hộ thay vì sự ‘sĩ diện hão’ đã tồn tại trong cộng đồng từ trước đến nay.

Mũ bảo hiểm là vật dụng bảo hộ cơ bản và cần thiết nhất đối với mọi đối tượng điều khiển xe máy, do đó, hãy là một người tiêu dùng thông thái, có hiểu biết và trân trọng tính mạng của mình.

theo xedoisong

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 0 / 5. Số bình chọn: 0

Không có bình chọn nào!

XU HƯỚNG BIKER

Return Top