Cách gò bình xăng cho dòng xe Cafe Racer và Bobber

  • 13/09/2018
  •  
     
     
0
(0)

Hiện nay, phong trào chơi xe độ ngày càng phát triển, đặc biệt là những dòng xe độ vintage như: Cafe Racer, Tracker, Bobber, Scramler.

Chơi xe độ là thú chơi rất công phu và tốn kém, các lò độ xe cũng bắt đầu mọc lên chi chít, nhưng đã chơi xe độ thì ai cũng muốn tự tay mình làm nên sản phẩm cho mình, vừa theo ý mình lại vừa tiết kiệm được kinh phí, sẽ hướng dẫn các bạn cách gò bình xăng để các bạn có thể tự tạo cho mình một bình xăng lớn đẹp, cá tính và phong cách cho riêng mình.

Nói tới xe độ thì có lẽ mỗi xe đều có điểm riêng, không có xe nào giống xe nào,bình xăng cũng vậy, nếu gò tay thì mỗi bình sẽ có kích thước và vóc dáng góc cạnh khác nhau,ví dụ như bạn gò bình xăng cho xe độ Bobber thì nó sẽ có dung tích nhỏ, nhiều đường nét tròn và bầu dục, thường được trang trí những họa tiết cầu kì mang đậm cá tính. Còn Cafe Racer thì thường có kích thước dài, thon và có hai ốp hai bên để tựa đầu đối và núp gió….

Những công cụ cần thiết

Công cụ cắt gọt

Để tạo hình khối bình xăng từ tôn phẳng, chúng ta sử dụng phương pháp cắt ghép tạo hình từ các mảnh tôn. Để có thể cắt các bản mã tôn từ mẫu ta cần kéo cắt tôn hoặc máy cắt dây (hoặc plasma), máy mài tay, máy khoan tay. Những công cụ này dễ dàng mua được tại các cửa hàng kim khí tại chợ Trời (Hà Nội), chợ Tân Thành (TP HCM).

Kéo cắt tôn

Máy mài tay đa năng​

Máy hàn TIG cùng thiết bị bảo hộ mũ hàn, gang tay hàn​

Một máy hàn TIG có thể hàn nhiều loại kim loại với các chiều dày khác nhau và đạt thẩm mỹ cao so với các phương pháp hàn hồ quang tay

Công cụ tạo hình, biến dạng

Để tạo hình, biến dạng kim loại, bạn sẽ phải trang bị một số công cụ gia công áp lực như búa gò, đe, đe tay- những công cụ cơ bản nhất.

Búa gò, đe tay là những công cụ cơ bản nhất để tạo hình kim loại​

Với phương pháp gò phương Tây, để tạo hình, biến dạng kim loại trên diện tích lớn và đạt hiệu quả cũng như chất lượng bề mặt cao, những nhà độ xe chuyên nghiệp thường dùng bộ đôi English Wheel và Shrinker.

Shrinker thường được gọi là công cụ “ rút chun”, có tác dụng thu hoặc kéo dãn bề mặt tôn.

English Wheel- công cụ của người Anh phát minh có tác dụng dãn bề mặt kim loại theo diện tích và tạo chất lượng bề mặt cao.

Bắt đầu thực hiện

Lên ý tưởng và tính toán các kích thước cơ bản

Việc lên ý tưởng và triển khai hiện thực hóa ý tưởng là công việc đơn giản nhưng mang tính quyết định, sự phù hợp về tỷ lệ của bình xăng với kích thước khung, máy và các khối hình trên chiếc xe ăn theo kích thước cơ bản của bình xăng.

Với bìa cứng và băng dính, bạn có thể tạo hình bố cục và tính toán sơ bộ cặp kích thước hai chiều cơ bản của bình xăng như chiều dài, chiều cao; chiều rộng trải theo chiều dọc bình xăng cũng như dự tính trước được phương án cố định bình xăng lên khung.

Tạo hình bố cục và tính toán sơ bộ các kích thước cơ bản của bình xăng.​

Nếu bạn là người thạo về thiết kế đồ họa, bằng các phần mềm chỉnh sửa ảnh và thiết kế, từ ảnh nguồn chụp khung chiếc xe, bạn cũng có thể dễ dàng đạt được mục đích như phương pháp thủ công trên.

Nếu rành đồ họa bạn có thể phát thảo trước hình dáng trên chiếc xe của bạn​

Tạo hình và làm khuôn dưỡng

Làm sơ bộ một chiếc đáy bình và đặt lên khung chính, sử dụng đất sét để tạo hình cơ bản, lấy cơ sở để triển khai thành phôi phẳng. Nhược điểm của cách làm này là bạn phải có một chút kỹ năng về tạo hình không gian, kết quả sản phẩm cuối cùng có thể đôi lúc có khác biệt so với nguyên mẫu đất sét, điều này có thể khắc phục bằng việc làm nền trước khi sơn.

Tạo hình bằng đất sét​

Với các nhà độ xe chuyên nghiệp ở châu Âu và nhất là những tay độ xe Chopper, Bobber đến từ Mỹ, họ thường dựng bộ xương trong bình xăng bằng các tấm gỗ trực tiếp từ việc tính toán trên cơ sở hình dáng bình xăng đã thiết kế.

Bộ xương gỗ có tác dụng như phôi dưỡng đồng thời là đồ gá cố định các mảnh của bình xăng. Bộ xương gỗ hay được biết tới với cái tên “ ga-ba-gy” hay có thuật ngữ “wooden gas tanks buck”. Phương pháp này thích hợp cho những bình xăng có bề mặt trơn, đơn giản trên các mẫu bình xăng Bobber và Chopper.

Xương gỗ để chế tác bình xăng

Khai triển ra mặt phẳng tôn gò

Từ phôi mẫu đã tạo hình,sử dụng giấy mỏng và băng dính để lấy mẫu bề mặt, sau đó chọn lựa những đường cắt-xẻ để bề mặt từ dạng 3D có thể trải ra mặt phẳng 2D trên tôn gò. Với các bình xăng đối xứng qua mặt phẳng chiều dọc bình xăng, bạn không nên làm 2 mẫu hai bên bình xăng mà nên sử dụng phương pháp lấy đối xứng khi triển khai ra phôi phẳng.

Việc làm này giống như việc triển khai bề mặt dạng cầu của trái đất thành bản đồ trên giấy. Chính vì sự chuyển đổi tương đối gây nên những sai số mà thành phẩm bình xăng sẽ có đôi chút sai lệch với nguyên mẫu đã tạo hình.

Triển khai bề mặt không gian trên mẫu đất lên bề mặt phẳng của tôn gò​

Với phương pháp sử dụng khung gỗ, bạn chỉ cần dùng giấy bìa áp lên khung gỗ, lấy phôi sơ bộ rồi cắt tôn gò có kích thước và hình dạng tương đương với mẫu bìa. Rõ ràng, với phương pháp sử dụng khung gỗ, kích thước và hình dáng của thành phẩm sẽ không có khác biệt nhiều với nguyên mẫu thiết kế do suốt quá trình làm, bộ khung gỗ có vai trò như một bộ đồ gá kiểm tra kích thước của phôi kim loại.

Đưa phôi kim loại lên khung gỗ để kiểm soát quá trình tạo hình​

Tạo hình kim loại, hàn ghép và hoàn thiện thô bình xăng

Sau khi có được phôi kim loại, sử dụng búa cao su và đe cát để tạo hình sơ bộ các đường cong, mục đích để ghép các đường cắt trên từng phôi trả lại hình dạng 3D của các mẫu phôi. Hàn đính để cố định tạm thời các đường ghép.

Sau khi hoàn thiện việc ghép các cắt trên phôi, chạy đường hàn hoàn chỉnh để ghép nối các mảnh phôi. Luôn kiểm tra chất lượng đường hàn sau khi hoàn thiện để đảm bảo độ kín cũng như độ bền ăn mòn của bình xăng theo thời gian. Tiếp tục ghép các mảnh phôi và hàn kín để hoàn thiện thô bình xăng.

Trong quá trình hàn do có biến dạng do nhiệt, hãy dùng búa, đe tay hoặc English Wheel- Shrinker để điều chỉnh kích thước cũng như hình dạng, độ cong của các phần bình xăng, càng đầu tư tỉ mỉ, bình xăng hoàn thiện càng đạt chất lượng cao về thẩm mỹ.

Cố định các mảnh ghép của bình xăng lên khung gỗ​

Với các bình xăng có dưỡng xương gỗ, với các mảnh phôi kim loại, ta chỉ cần dùng búa cao su và đe cát tạo hình thô sau đó dùng English Wheel và Shrinker để điều chỉnh, đồng thời dùng vít gỗ để cố định các mảnh phôi lên dưỡng gỗ.

Cắt tỉa tỉ mỉ để các mảnh ăn khớp với nhau tạo thành một chiếc bình xăng hoàn chỉnh, việc hàn các đường nối trở nên dễ dàng với các mảnh bình xăng đã được cố định trên đồ gá bằng gỗ. Rõ ràng có thể thấy, phương pháp sử dụng xương gỗ ưu việt và dễ dàng kiểm soát hình dáng, kích thước của bình xăng.

Cuối cùng, dùng khoan tay với mũi phay tạo lỗ để cố định khóa xăng, nắp xăng trên những vị trí thích hợp, tính toán và hàn các tai bắt bình xăng lên khung. Dùng máy mài với giáp mịn hoàn thiện bề mặt bình xăng.

Và bước cuối cùng, hoàn thiện bình xăng với nắp xăng, khóa xăng và tai bắt bình xăng trên khung là bạn đã có một bình xăng ưng ý, đem đi sơn nữa là bạn có thể gắn xe chiếc xe độ yêu quý của mình.

Chúc các bạn thành công.

Theo Motosaigon

 

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 0 / 5. Số bình chọn: 0

Không có bình chọn nào!

XU HƯỚNG BIKER

Return Top