Biker với 9 thao tác kiểm tra xe có thể tự thực hiện

  • 29/12/2018
  •  
     
     
0
(0)

Để sử dụng chiếc xe được an toàn, bạn cần thường xuyên đưa xe đến kiểm tra tại các dịch vụ sữa chữa.

Ngoài ra, 9 thao tác kiểm tra sau mà bạn có thể tự thực hiện thường xuyên để đảm bảo chiếc xe luôn trong tình trạng sẵn sàng vận hành.

Trong bài viết này, loại xe được kiểm tra là các loại xe số, hệ truyền động: nhông sên dĩa.

1- Kiểm tra dầu bôi trơn sên và độ căng của sên

Dầu bôi trơn sên giúp kéo dài tuổi thọ của sên và nhông. Đồng thời giúp cho hệ thống truyền động này hoạt động êm ái, ít gây tiếng ồn.

Khi sên quá khô, bạn sẽ cảm nhận được sự vận hành khó khăn của bộ nhông sên truyền động. Có thể dẫn đến đứt sên, làm nhông nhanh chóng bị bào mòn.

Độ căng của cũng ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Sên quá căng gây khó khắn trong chuyển động của nhông sên, làm mài mòn nhanh nhông, có thể ảnh hưởng đến hệ thống giảm xóc và khả năng điều khiển xe. Sên quá lỏng, có thể làm sên chệch khỏi nhông.

Độ căng phù hợp của sên được hãng sản xuất ghi trong hướng dẫn sử dụng xe. Hoặc sẽ được ghi trên một tấm giấy dán lưu ý trên gắp xe, tấm che sên.

Một quy tắc chung bạn có thể sử dụng là: di chuyển lên xuống của điểm giữa sên (giữa 2 nhông) trong khoảng cách 10 mm đến 25mm là phù hợp.

Bạn nên nhớ, trọng lượng của người, đồ vật đặt trên xe cũng ảnh hưởng đến độ căng của sên.

Để kiểm tra dầu bôi trơn và độ căng của sên, bạn sử dụng chống đứng giữa xe. Quay bánh sau và bắt đầu kiểm tra: tiếng ồn, những điểm rít của sên trên nhông sau, khoảng di chuyển lên xuống của điểm giữa sên.

Trong lúc xoay bánh xe, bạn cũng có thể tự tra dầu bôi trơn cho sên. Lưu ý không để dầu văng dính lốp xe, hoặc bộ phận phanh.

2- Kiểm tra bình ắc-quy

Bạn sẽ cảm thấy khó chịu, khi định sử dụng chiếc xe cho một chuyến đi, nhưng khi bật chìa khóa, nhấn nút khởi động máy mà xe chẳng có một phản ứng nào.

Một trong những nguyên nhân chính là chiếc ắc-quy trên xe đã cạn nguồn điện.

Để tránh tình trạng này, bạn cần thường xuyên cho xe vận hành (tải hoặc không tải) dù không sử dụng để di chuyển. Việc này giúp nạp lại điện cho ắc-uy, và cũng giúp duy trì tuổi thọ chiếc ắc quy.

Để kiểm tra mức độ trữ điện của ắc-quy, bạn cần có một chiếc vôn kế đo điệp áp. Hoặc trên những chiếc xe cao cấp ngày nay, thường được trang bị sẵn vôn kế và hiển thị thông tin ngay khi bật công tắc.

3- Kiểm tra dầu bôi trơn động cơ

Bạn có thể kiểm tra dầu bôi trơn động cơ (nhớt máy) để biết lượng dầu còn đủ theo yêu cầu kỹ thuật, hoặc dầu còn đủ chất lượng.

Trên phần thân máy (thường phía dưới, bên phải) có một mặt kính với vạch thể hiện mức dầu cao nhất và thấp nhất. Bạn chỉ cần nhìn vào.

Nếu dầu vẫn còn màu sáng là đảm bảo chất lượng. Nếu dầu chuyển màu quá đục, hoặc đen, thì bạn nên thay dầu mới.

Nếu mức dầu trong khoảng giữa 2 vạch trên kính (khi xe thẳng, bạn nên sử dụng chống đứng) thì lượng dầu đủ. Nếu mức dầu bằng hoặc thấp hơn vạch thấp, bạn nên châm thêm dầu. Nếu mức dầu cao hơn vạch cao, bạn nên xả bớt dầu ra.

Nếu xe bạn sử dụng không có mặt kính này, bạn kiểm tra bằng que thăm dầu tại vị trí nắp đậy châm dầu. Nguyên tắc tương tự như trên, trên que có vạch chỉ mức dầu.

4- Nước / dung dịch làm mát

Nếu xe bạn thuộc các loại đời mới, động cơ được làm mát bằng dung dịch. Bạn cần thường xuyên kiểm tra nước / dung dịch trong két.

Khi động cơ đang hoạt động, hoặc vừa vận hành xe xong, bạn không nên mở nắp két nước. Vì lúc này, nước có nhiệt độ cao, có thể đang sôi.

Thông thường vẫn có vạch chỉ dẫn mức châm nước làm mát trên két. Đồng thời, cũng sẽ có chỉ dẫn về loại dung dịch bạn nên sử dụng, được dán trên nắp đậy.

Khi châm thêm nước làm mát, bạn nên sử dụng một chiếc ống dẫn, hoặc một chiếc phểu.

5- Kiểm tra dầu phanh

Đối với những loại xe sử dụng phanh đĩa dầu. Bạn cần thường xuyên kiểm tra dầu phanh.

Trên bình đựng dầu phanh, sẽ có vạch chỉ dẫn mức dầu.

Để châm thêm dầu phanh, bạn không nên tự thực hiện. Bạn nên đưa xe đến dịch vụ để châm thêm dầu phanh hoặc thay mới. Vì một yếu tố kỹ thuật mà bạn khó có thể xử lý đạt yêu cầu, đó là không được tồn tại không khí trong dầu phanh.

Ngoài ra, bạn nên kiểm tra rò rỉ các phốt che bằng cao su tại các đầu ống dẫn, vị trí đầu xi-lanh dầu. Vì các chi tiết phốt bằng cao su dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện nhiệt độ môi trường và thời gian sử dụng.

Đối với các loại phanh dạng tang trông (Thắng đùm). Bạn nên kiểm tra hệ thống dây cáp kéo đối với thắng trước, đũa kéo đối với thắng sau xem có quá lỏng, hoặc quá cứng khi sử dụng phanh. Việc sửa chữa thường không đem lại hiệu quả cao đối với chi tiết này, bạn nên thay thế mới.

6- Bố phanh

Bố phanh / Má phanh  là một chi tiết rất quan trọng đối với cả hệ thống phanh.

Đối với má phanh của phanh đĩa dầu. Bạn có thể kiểm tra bằng cách tháo chỉ 1 vít treo trên bộ piston dầu (heo dầu). Nếu độ dày của phần bố ma sát nhỏ hơn 3 mm – 4 mm, bạn nên thay mới. Hoặc nếu khi sử dụng phanh, bạn nghe những tiếng kêu như ma sát giữa 2 miếng kim loại, hoặc bạn phanh mà chiếc xe cần khoảng cách khá dài để dừng lại, cũng là lúc nên suy nghĩ về việc thay bố phanh.

Đối phanh tang trống, phần bố phanh được gọi là guốc phanh, nằm trong bộ đùm của bánh xe. Bạn khó có thể tháo rời để kiểm tra hoặc thay thế, bởi thao tác thực hiện cần đúng trình tự kỹ thuật. Bạn có thể kiểm tra bằng cách xem phần tăng cáp dây phanh (phanh trước), đũa phanh (phanh sau) đã tăng hết mức, mà phanh không đạt tác dụng. Đó là lúc nên thay guốc phanh.

7- Lốp xe và áp suất lốp

Việc kiểm tra lốp xe đủ áp suất, giúp bạn vận hành xe an toàn, điều khiển dễ dàng, hạ thấp sự ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ, và ảnh hưởng đến một vấn đề mà đa số đều quan tâm: mức tiêu hao nhiên liệu.

Kiểm tra độ mài mòn của lốp giúp đảm bảo độ an toàn.

Những việc bạn cần lưu ý là: lốp bằng cao su, sẽ ảnh hưởng bởi thời gian. Dù bạn không sử dụng xe, nhưng thời gian lâu, lốp cũng có thể tự hỏng, không đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, van bơm áp suất là bộ phận hư hỏng mà bạn cũng dễ dàng tự nhận biết.

8- Giữ chiếc xe sạch sẽ

Một chiếc sẽ sạch sẽ, giúp bạn cảm thấy thoải mái và tự tin khi sử dụng.

Sau khi sử dụng xe dưới trời mưa, hoặc đi qua khu vực ngập nước, hoặc những khi không khí khá ẩm, bạn nên rửa xe lại bằng nước sạch và lau khô. Việc này giúp hạn chế sự rỉ sét đối với những chi tiết bằng kim loại trên xe.

Việc giữ xe khô và sạch sẽ còn giúp bạn dễ nhận thấy những hỏng hóc của xe.

9- Các thiết bị điện trên xe

Trước khi sử dụng, bạn nên kiểm tra một loạt các thiết bị sử dụng điện trên xe xem còn hoạt động ổn định.

Nổ máy xe, bạn kiểm tra lần lượt: đèn pha (cả chiếu gần và xa), đèn hậu, xi-nhan, đèn phanh (bạn sử dụng phanh, đèn hậu sáng hơn), còi xe, đèn mặt đồng hồ, các đèn chỉ dẫn trên mặt đồng hồ.

Trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam, để đưa xe đến kiểm tra tại các dịch vụ, sẽ tốn rất nhiều thời gian. Với những thông tin trên, mong rằng sẽ giúp bạn tự kiểm tra chiếc xe sắp sử dụng trong những chuyến đi “phượt” cuối năm đã đến gần.

Webike tổng hợp

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 0 / 5. Số bình chọn: 0

Không có bình chọn nào!

Tags:

XU HƯỚNG BIKER

Return Top