Xe Enduro và xe Motocross khác nhau như thế nào?

  • 30/08/2019
  •  
     
     
5
(2)

Xe Enduro và xe Motocross khác nhau như thế nào? Trong bài viết này, Webike.vn sẽ so sánh xe Enduro và xe Motocross để tìm ra sự khác biệt giữa 2 dòng xe này.

Thường được gọi là “xe cào cào” bởi kiểu dáng cao ráo để chinh phục các địa hình, 2 kiểu dáng xe Enduro – Motocross vừa giống nhau nhưng cũng đồng thời rất khác biệt.

Sự khác biệt về thiết kế

Motocross

Những chiếc Motocross được làm ra với khối lượng nhẹ nhất và gia tốc nhanh nhất có thể. Chúng không có tốc độ tối đa lớn, nhưng lại rất nhanh chóng đạt tốc độ này. Trên thực tế tốc độ tối đa không phải là một yếu tố được quan tâm nhiều trên xe Motocross (hay bất kỳ chiếc “cào cào” nào), và chúng cũng không được thiết kế hướng tới tốc độ. Thông thường, một chiếc Motocross với động cơ 4 thì 450cc sẽ đạt khoảng 120km/h.

Để đạt được gia tốc nhanh nhất, các nhà sản xuất đã tiết giảm trọng lượng ở bất kì bộ phận nào có thể như bình xăng dung tích nhỏ, hệ thống công tắc điện hạn chế nhất và không có nút đề điện. Để tăng tốc càng nhanh càng tốt khỏi vạch xuất phát, thoát những khúc cua và bay qua các mô đất, xe Motocross sẽ có tỉ số truyền giữa các cấp số ngắn.

Bạn có thể điều chỉnh một chút bằng cách thay đổi số răng trên bộ nhông và đĩa, nhưng nhìn chung Motocross có hộp số và nhông sên đĩa không phù hợp với việc chạy đường bằng ở tốc độ cao. Tỷ số truyền ngắn và vòng tua máy lớn cũng khiến người lái sẽ phải kéo ga chuyển số “gắt” liên tục. Điều này đồng nghĩa với tiếng ồn lớn, đặc biệt khi xe Motocross có hệ thống xả tối giản ít lọc âm. Nếu bạn muốn sử dụng một chiếc Motocross để đua Enduro thì ống xả tiêu chuẩn sẽ cần thay thế để đáp ứng các quy định về tiếng ồn.

Xe Motocross được làm ra không nhằm mang đến cảm giác thoải mái hoặc để di chuyển trên những cung đường dài. Chúng có hệ thống treo cứng hơn, mút yên xe cứng hơn và vô lăng mâm lửa nhẹ hơn để “bốc” hơn. Lốp xe là loại gai được thiết dành riêng cho việc đi off-road và không dành cho đường nhựa. Mặc dù cặp lốp rất bám trên đường đất nhưng chúng lại mang đến bề mặt tiếp xúc nhỏ trên đường nhựa.

Enduro

Xe Enduro sẽ luôn có trọng lượng nặng hơn xe Motocross, do có nhiều bộ phận cần thiết được bổ sung để đủ tiêu chuẩn trên đường công cộng như đèn pha, đèn hậu, xi nhan, đèn báo phanh, còi, đồng hồ báo tốc độ, vòng tua máy, cụm công tắc điều khiển và ổ khóa. Về mục đích sử dụng, Enduro linh hoạt hơn Motocross khi chạy được cả trên đường phố cũng nhưng trong những cuộc đua off-road.

Những thứ khác cũng làm tăng trọng lượng của xe như chân chống, mút yên xe dày hơn, bộ phận bảo vệ tay lái và bình xăng dung tích lớn hơn. Một số xe đời cũ cũng sử dụng bình xăng kim loại nặng hơn. Trước đây, bình xăng bằng nhựa không đảm bảo quy định khí thải bay hơi do mật độ các hạt nhựa thấp vẫn có kẽ hở nhất định, khiến hơi xăng bốc ra ngoài dễ dàng. Hiện nay các mẫu xe đời mới sử dụng loại nhựa mới vì vậy vấn đề ở đây chỉ nằm ở những chiếc xe đời cũ.

Xe Enduro đòi hỏi lốp hỗn hợp, sử dụng trên cả đường nhựa lẫn khả năng chạy off-road tốt. Rõ ràng lốp những chiếc xe này không thể so sánh với lốp của xe Motocross trên đường đất nhưng chúng vẫn có độ bám ổn định ở điều kiện này. Hệ thống ống xả tiêu chuẩn trên xe Enduro cũng được yêu cầu để giảm mức độ tiếng ồn và khí thải, đồng nghĩa với việc chúng sẽ nặng hơn một chút so với pô xe Motocross.

Hệ thống phuộc của xe Enduro cũng sẽ có hành trình ngắn hơn, và cả phuộc lẫn yên đều mềm hơn so với Motocross. Điều này khiến lái chiếc xe Enduro thoải mái hơn trong những chặng đường dài. Để chiếc xe phù hợp cho việc sử dụng trên đường phố, các nhà sản xuất cũng lắp loại vô lăng điện nặng hơn cho động cơ. Điều này khiến máy xe dịu hơn mà không làm giảm đi công suất cũng như mô-men xoắn của xe.

So sánh trực tiếp từng đặc tính của Motocross và Enduro

Sức mạnh: xe Motocross và Enduro sẽ thường có cùng thông số về sức mạnh giống nhau. Ví dụ: chiếc Enduro KTM 450 EXC và Motocross KTM 450 SX-F đều đạt công suất 62 mã lực.

Di chuyển trên đường bằng: Những chiếc Enduro sẽ thân thiện hơn khi sử dụng trên đường, Mặc dù những chiếc Motocross có sẵn những bộ kit để hợp thức hóa chúng trên đường, nhưng về phần tiếng ồn của động cơ thì không được giải quyết triệt để.

Sử dụng trong đường đua: Bạn có thể dùng chiếc Enduro chạy trong đường đua, nhưng nó không phù hợp khi chiếc Motocross được sinh ra với mục đích chỉ để làm việc này.

Sử dụng trong trời tối: Nếu bạn mong muốn chiếc Motocross chạy được vào buổi tối thì bạn sẽ phải lắp thêm đèn. Còn xe Enduro đã trang bị đèn sẵn đồng nghĩa với việc bạn có thể chạy thoải mái trong tối.

Sự thoải mái: những chiếc Motocross được làm ra để đua trong khoảng thời gian 45 phút, nên sự thoải mái cho những chuyến đi dài không được tính tới. xe Enduro sẽ êm ái hơn và thoải mái hơn cho những chuyến đi dài.

Cân nặng: Xe Enduro sẽ nặng hơn nhiều. Nếu chúng ta so sánh giữa hai chiếc KTM 450EXC và KTM 450SX-F thì chiếc Enduro sẽ nặng hơn 9kg.

Tăng tốc: Nếu bạn muốn tăng tốc nhanh thì chiếc Motocross sẽ dành chiến thắng ở mọi thời điểm.

Tốc độ tối đa: Bởi tỷ số truyền giữa các cấp số được sắp dài hơn nên những chiếc Enduro sẽ có tốc độ tối đa tốt hơn. Chiếc KTM 450 EXC đạt khoảng 153km/h

Bảo dưỡng: Với hệ thống treo cứng hơn và động cơ hoạt động khắc nghiệt hơn, xe Motocross sẽ cần phải bảo dưỡng thường xuyên hơn.

 Sự khác biệt trong các giải đua:

Motocross

Các giải đua với xe Motocross được tổ chức vào ban ngày trên những đường đua nhân tạo đầy bùn đất. Trong những năm qua, các hình thức khác của bộ môn này đã có xuất hiện như Supercross, Freestyle Motocross và Arenacross – tất cả đều có thể tổ chức trong nhà. Để có thể cạnh tranh ở mỗi thể loại bất kỳ thì bạn cần một chiếc xe được làm ra đúng mục đích sử dụng theo thể lệ cuả từng giải.

Những giải đua Motocross được tổ chức ngoài trời và bao gồm hai phân khúc: phân khúc 250cc (2500cc bốn thì hoặc 125cc 2 thì) và phân khúc 450cc (450cc bốn thì hoặc 250cc hai thì). Các tay đua xếp hàng ngang trước cửa xuất phát, khi cổng sập xuống cuộc đua sẽ bắt đầu. Khi cuộc đua bắt đâu đồng hồ sẽ bấm bấm giờ và mỗi chặng đua sẽ kéo dài 30 phút và thêm hai vòng chạy. Mỗi phân khúc sẽ có hai chặng đua, số điểm của các tay đua dẽ được tổng hợp sau hai chặng để tìm ra người chiến thắng.

Đường đua của Supercross phức tạp hơn nhiều so với Motocross, gồm có những mô đất cao, mô đất lượn sóng liên thục và khúc cua gắt. Cuộc đua diễn ra rất căng thẳng và thường đươc tổ chức ở trong sân vận đồng, cả trong nhà lẫn ngoài trời. Thể thức đua cũng giống với Motocross đều có 2 phân khúc. Nhưng thời gian đua Supercross ngắn hơn, mỗi chặng diễn ra 15 phút thêm một vòng chạy cho phân khúc 250cc và 20 phút thêm một vòng chạy cho phân khúc 450cc. Đua supercross đòi hỏi nhiều kỹ năng và thể lực hơn Motocross và những tay đua thường sẽ đào tạo theo một quy trình gắt gao.

Arenacross giống với Motocross và được coi là bước đệm cho supercross. Các giải đua được tổ chức ở những nơi quy mô nhỏ, nhưng đường đua rất giống với supercross. Cuối cùng, Freestyle Motocross là cuộc thi thực hiện những cú bay trên không trung cả qua những mô đất cao hay những máng trượt dốc. các tay lái phải gây ấn tượng với ban giám khảo bằng việc thể hiện những kỹ năng nhào lộn với chiếc xe trên không chung một cách khéo léo nhất nếu muốn giành điểm cao.

Enduro

Các giải đua Enduro có ít điểm chung với những giải Motocross. Đường đua chủ yếu là địa hình tự nhiên được đánh dấu trong rừng, cộng thêm vài chướng ngại vật nhân tạo để trở nên kịch tính hơn. Chiều dài của đường đua dao động từ một vài kilomet xung quanh một khu vực nhỏ trong rừng đến hàng trăm kilomet xuyên qua các nước.

Ở những chặng đua Enduro ngắn, tay đua có thể sử dụng một chiếc Motocross vì đường chạy hầu như là off-road. Nhưng ở những chặng dài hơn giao cắt với đường quốc lộ, tay đua phải cần một chiếc xe hợp pháp để lưu thông trên đường. Một trong những giải đua Enduro khắc nhiệt nhất thế giới diễn ra ở Áo là Erzberg Rodeo, được tổ chức hằng năm và quy tụ rất nhiều tay đua từ khắp nơi trên thế giới về tranh tài.

Điểm nổi bật của giải đua này là cuộc cạnh tranh khốc liệt ở trong rừng, nơi 500 tay đua thi đấu trong vòng 4 giờ vượt qua 20 điểm dừng với quãng đường là 23km. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất phải kể tới giải ISDE (International Six Days Enduro) – giải đua địa hình lâu đời nhất trong hệ thống của Liên đoàn đua mô tô Quốc tế (FIM), khi đã được tổ chức lần đầu từ năm 1913.

Trên đây là sự khác biệt giữa 2 dòng xe Enduro và xe Motocross mà bạn có thể phân biệt được. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể tham khảo thêm những mẫu xe PKL mới tại chuyên mục cùng tên của Webike.vn nhé.

Webike.vn – Tổng hợp.

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 5 / 5. Số bình chọn: 2

Không có bình chọn nào!

XU HƯỚNG BIKER

Return Top