Trong trường hợp cho phép nào, CSGT có thể kiểm tra cốp xe, điện thoại của người đi đường?
- 15/10/2020
Câu hỏi: Ngoài việc yêu cầu người đi đường xuất trình các giấy tờ liên quan theo quy định thì CSGT có quyền kiểm tra cốp xe, điện thoại và một số vật dụng cá nhân khác của người tham gia giao thông không?
Ảnh mang tính chất minh họa
Trao đổi với PV về vấn đề trên, luật sư Đào Thị Liên – Giám đốc công ty Luật TNHH Tiền Phong (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phân tích: “Mặc dù Thông tư 65/2020/TT-BCA không quy định cụ thể CSGT được kiểm tra cốp xe, điện thoại, đồ dùng cá nhân khác của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, trường hợp có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính và người tham gia giao thông có cất giấu trong người đồ vật, phương tiện được dùng để vi phạm hành chính thì theo quy định tại Điều 123, Điều 127, Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Trưởng phòng Cảnh sát giao thông được quyền quyết định khám phương tiện, đồ vật và khám người theo thủ tục hành chính nhưng phải có quyết định bằng văn bản.”
Luật sư Đào Thị Liên – Giám đốc công ty Luật TNHH Tiền Phong thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Cũng theo luật sư Đào Thị Liên, trong trường hợp đặc biệt, nếu căn cứ cho rằng không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy, thì ngoài trưởng phòng CSGT ra, chiến sĩ CSGT, cảnh sát cơ động đang thi hành công vụ được khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.
Trong trường hợp khám người: Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến. Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản. Quyết định khám người và biên bản khám người phải được giao cho người bị khám 01 bản.
Tóm tắt một số điểm mấu chốt của những phân tích trên, luật sư Đào Thị Liên khẳng định: Việc khám cốp xe, ví, điện thoại… của người tham gia giao thông chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng trong đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính và việc khám xét phải tuân thủ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như luật sư trích dẫn nêu trên.
Theo Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 thì CSGT được thực hiện các hoạt động tuần tra, kiểm soát sau:
1. Nội dung tuần tra
a) Giám sát, nắm tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ, việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật;
b) Hướng dẫn, điều khiển, giải quyết ùn tắc giao thông hoặc phối hợp giải quyết ùn tắc, sự cố giao thông trên tuyến giao thông đường bộ khi tuần tra, kiểm soát;
c) Thực hiện các nội dung công tác khác được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật;
Nội dung tuần tra phải thể hiện trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy định tại chương III Thông tư 65 thì tuỳ cấp độ, phạm vi và công việc tuần tra, kiểm soát mà chỉ 07 cơ quan sau đây mới có thẩm quyền ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm soát:
Cục cảnh sát giao thông;
Trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ;
Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc
Giám đốc công an tỉnh;
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông;
Trưởng Công an cấp huyện;
Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Đội trưởng Đội Tuần tra, dẫn đoàn, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông.
Kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải được thông báo công khai: niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của các đơn vị trên; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông; Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
2. Nội dung kiểm soát
a) Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng hoặc Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
b) Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông.
Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới;
Kiểm soát hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông theo quy định;
Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng;
c) Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.
Theo Dan Tri
-
- Chọn mũ bảo hiểm phượt tết theo xe, màu đỏ ưu tiên ngày tết!
- Chạy xe đường có tuyết, phượt thủ cần chú ý những gì?
- Đo nồng độ cồn mùa Covid, đếm số từ 1 đến 10
- Hà Nội, TPHCM có thu hồi xe cũ nát như bộ đề nghị?
- Tổ chức mạng lưới phố đi bộ khu trung tâm Sài Gòn, nhiều nổi băn khoăn – Người lái xe cần tìm …
-
Bộ sưu tập HONDA 400cc thập niên 70
28/10/2020