Ngày đầu tiên ra quân, nhiều bợm nhậu lái xe bị tóm
- 17/08/2016
Ngày 16/8, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã mở đợt cao điểm xử lý tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
>> CSGT canh chốt tại các quán rượu, nhà hàng để bắt ma men
>> Chú ý dành cho tài xế thường xuyên có hơi men khi tham gia giao thông
>> Từ 1/8 tài xế uống rượu bia tham gia giao thông sẽ bị phạt đến 18 triệu đồng
Ảnh: Thành Long
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù tình trạng vi phạm diễn ra nhiều nhưng số vi phạm bị xử lý lại rất hạn chế.
Hơn 2 triệu đồng một cốc bia
Theo Kế hoạch số 94/KH-PC67-TM ngày 12/8/2016 về cao điểm đảm bảo trật tự, ATGT chào mừng 71 năm Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2/9 và ngày truyền thống Công an Nhân dân, bắt đầu từ 11 giờ, lực lượng CSGT đã tỏa ra các khu vực gần nhà hàng, quán bia rượu để xử lý người vi phạm. Có mặt tại trên đường Tố Hữu nơi tổ công tác của Đội CSGT số 7 làm nhiệm vụ. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông rất nhiều nhưng số trường hợp bị xử lý lại rất ít. Tại đây, trong vòng khoảng 30 phút, lực lượng CSGT chỉ phát hiện và xử lý 1 trường hợp vi phạm. Đây cũng là thực trạng diễn ra trên đường Lê Đức Thọ thuộc địa bàn quản lý của Đội CSGT số 6.
Lý giải về tình trạng này, một chiến sỹ Đội CSGT số 7 cho biết, khi phát hiện lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, nhân viên của các nhà hàng, quán bia, rượu sẽ báo cho khách hàng biết để tránh sự kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Và theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số khu vực, để tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng, nhiều phương tiện sẵn sàng đi ngược chiều gây cản trở, mất ATGT cho bản thân và các phương tiện khác.
Một lái xe không chấp hành việc đo nồng độ cồn của Cảnh sát giao thông trên đường Lê Đức Thọ, trưa ngày 16/8. Ảnh: Phạm Hùng
Điều đáng nói, trong quá trình xử lý, hầu hết các trường hợp khi bị các lực lượng chức năng lập biên bản xử lý đều cho rằng mình vô tội. Thậm chí, có tài xế không chịu chấp hành yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Khi được CSGT đưa vào chốt, tài xế này nhất định không vào, bỏ xe máy rồi đi vòng quanh chốt và liên tục nói “Tôi đâu có say”. Trường hợp của lái xe Nguyễn Văn Tính là một ví dụ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Tính cho biết, “Tôi chỉ uống một cốc bia, chẳng thấy say gì. Nếu say rượu thì làm sao mà lái được xe”. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra nồng độ cồn của lái xe lại là 0,093mg/lít khi thở. Được biết, với hành vi này, lái xe Tính đã bị phạt 2,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước Giấy phép lái xe 2 tháng.
Gian nan xử lý tại những khu vực giáp ranh
Đại úy Lưu Quang Trung – Đội phó Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, từ trước đến nay, việc xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn. Theo lý giải của Đại úy Lưu Quang Trung, nhiều trường hợp khi bị kiểm tra thường có những hành động chống đối, không chấp hành yêu cầu thổi để kiểm tra nồng độ cồn, hoặc thổi theo kiểu đối phó. Tình trạng trên càng trở lên phức tạp khi Nghị định 46 chính thức có hiệu lực.
Cũng theo Đại úy Lưu Quang Trung, ngoài những khó khăn kể trên, hiện nay công tác kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia cũng gặp không ít khó khăn do sự phân cấp trong khu vực quản lý. “Nhiều trường hợp khi bị kiểm tra xử lý đã quay đầu bỏ chạy, lực lượng chức năng đã truy đuổi nhưng khi phương tiện đã đi vào tuyến đường do Công an quận hoặc Đội khác quản lý thì việc xử lý cũng gặp không ít khó khăn” – Đại úy Trung cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài những khó khăn kể trên, hiện công tác xử lý tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông còn vấp phải sự thiếu hợp tác từ phía các nhà hàng, quán bia, rượu. Thậm chí như đã nói, tại một số khu vực, để tránh bị xử lý, nhiều phương tiện sẵn sàng đi ngược chiều gây cản trở, mất ATGT. Do đó, để khẩu hiệu: “Đã sử dụng rượu bia thì không lái xe” sớm đi vào thực tế, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, các lực lượng chức năng cần bố trí thêm các chốt “chặn đầu” người vi phạm. Tránh tình trạng được đầu này mất đầu kia, hoặc làm phát sinh các điểm mất ATGT khác.
Cụ thể, tính đến 15h(16/08), các tổ công tác của Phòng CSGT (PC67 Công an TP Hà Nội) đã xử lý 19 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (xe ô tô: 2 t/h; Xe mô tô: 17 t/h); tạm giữ: 19 phương tiện… Hành vi vi phạm cụ thể: Vi phạm Nồng độ cồn: 19 t/h; Chạy quá tốc độ quy định: 1 t/h; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn: 1 t/h; Không có giấy tờ xe: 1 t/h.
Theo Kinh tế & Đô thị
-
Bộ sưu tập HONDA 400cc thập niên 70
28/10/2020