Hướng dẫn thay dây curoa cho xe tay ga
- 20/04/2016
Hướng dẫn thay dây curoa cho xe tay ga đơn giản dễ thực hiện. Dây curoa là một bộ phân cực kì quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự chuyển động của các dòng xe tay ga.
Dây curoa có cấu tạo từ chất liệu cao su sau khi đã được lắp đặt vào các bánh răng trước và sau, trên và dưới; người ta sẽ khởi động xe. Khi đó các bánh răng lớn chủ đạo sẽ quay, đồng thời kéo theo những chiếc khác quay theo nhờ vào phương tiện kết nối đó. Chính sự thao tác đồng bộ như vậy sẽ tạo ra năng lượng vật lý, giúp xe di chuyển được. Bánh xe chạy được hoàn toàn nhờ vào mọi chi tiết máy luôn trong trạng thái “ khởi động”. Để xe được vận hành tốt, các nhà sản xuất xe máy khuyến cáo nên thay dây curoa khi xe đạt trung bình 15.000 km. Chúng ta cũng có thể tự kiểm tra dây đai để quyết định thời điểm cần thay mới. Nếu cả hai bề mặt tiếp xúc của dây đai có dấu hiệu nứt, thì đến lúc cần thay thế để đảm bảo hiệu quả truyền động và an toàn cho người lái xe.
Các dấu hiệu nhận biết trường hợp dây curoa bị hỏng:
+ Xe vận hành không ổn định, xe vận hành ì ạch tạo cảm giác nặng nề, đôi lúc bị khựng lại
+ Xe tiêu hao nhiên liệu hơn bình thường
+ Xe phát ra những âm thanh khó chịu
Hướng dẫn các bước thay dây cu roa cho xe:
Bước 1: Tháo nắp chụp lốc nồi:
Các dụng cụ cần thiết:
Điếu 19, 22; Cây T 8, 10; vít pake; đầu mở nồi trước, đầu mở nồi sau. Nếu có máy nén hơi, súng bắn hơi và các đầu tương ứng thì sẽ dễ dàng hơn.
Thao tác mở nắp nồi khá đơn giản. Tuy nhiên, tùy theo loại xe và nhãn hiệu xe mà các bạn cần dùng ống điếu chử T có kích thước 8 hoặc 10. Chú ý thêm là đa phần các xe sẽ dùng cùng một loại ốc và có cùng chiều dài cho toàn bộ nắp chụp lốc nồi. Tuy nhiên, một vài loại xe (Yamaha là điển hình) sẽ dùng nhiều kích thước ốc và có độ dài ốc khác nhau cho chụp lốc nồi. Lúc này các bạn nhớ chú ý vị trí ốc và lổ ốc trên nắp nồi để đừng bị nhầm lẫn khi lắp vào. Tiến hành vặn tất cả ốc bắt chụp lốc nồi theo chiều ngược chiều kim đồng hồ để lấy ốc ra. Sau đó dùng búa caosu gõ nhẹ để nắp chụp lốc nồi rơi ra. Chú ý đỡ lấy nắp chụp để nắp chụp không bị rơi xuống đất gây trầy lớp sơn phủ bên ngoài.
Bước 2: Tháo Puli nồi trước, nồi sau và thay dây mới:
Dùng đầu mở nồi trước, đầu mở nồi sau, điếu 19, 22 để tháo lần lượt ốc nồi trước và nồi sau. Chú ý vị trí các long đền để khi lắp vào đảm bảo đúng vị trí. Sau khi tháo nồi trước và sau ra thì bạn có thể dễ dàng lấy dây củ ra bỏ để thay bằng dây mới. Nhớ vệ sinh và xịt bụi cho nồi sạch sẽ luôn nhé!
Bước 3: Kiểm tra puli nồi trước và nhựa đệm nắp chụp puli:
Khi thay dây mới, không đơn thuần chỉ là tháo dây cũ ra lắp dây mới vào mà bạn cần phải kiểm tra má puli nồi trước và 3 miếng nhựa đệm nắp chụp puli. Việc kiểm tra và thay thế (nếu cần) sẽ giúp tránh được tình trạng nồi bị kêu, gõ hay hú khi lắp dây mới vào.
Nhìn hình trên bạn sẽ thấy 3 miếng nhựa đệm nắp chụp nồi trước sau 1 thời gian sử dụng sẽ bị mòn khuyết đi. Điều này làm cho 3 miếng nhựa bị lỏng không bám sát nắp chụp và gây ra tiếng gõ dưới tác dụng của lực li tâm khi nồi hoạt động. Trong trường hợp này, nếu có thể ta nên thay 3 miếng nhựa mới. Nếu vì lí do nào đó không thể thay thì ta tiến hành chêm chặt 3 miếng nhựa này trước khi lắp vào.
Sau khi kiểm tra 3 miếng nhựa đệm, ta tiến hành kiểm tra má puli nồi trước. Sau thời gian dài sử dụng má puli sẽ bị mòn tạo thành các rãnh đồng tâm như hình bên trái. Khi lắp dây mới vào, do bề mặt dây mới phẳng nên sẽ không ôm sát được các rãnh đang có tạo thành các khoảng hở. Những khoảng hở này sẽ tạo tiếng gió rít và hú khi nồi vận hành. Có bạn hỏi vậy tại sao dây cũ không bị hú!? Vì dây cũ bề mặt đã bị mòn thành rãnh tương ứng với má puli nên ôm sát má puli không tạo thành các khoảng hở nên không gây hú. Trong trường hợp này ta cần thay má puli mới như hình bên phải.
Bước 4: Lắp dây curoa mới vào:
Để lắp dây mới vào. Ta có thể làm theo 2 cách. Tùy theo thói quen và sở thích của từng người mà bạn có thể chọn 1 trong 2 cách đều được. Nhưng trước khi hướng dẫn 2 cách lắp dây, mình hướng dẫn các bạn cách ép nồi sau để tạo khoảng trống nhét dây curoa vào.
Cách ép nồi sau như sau: 2 bàn tay đặt lên chuông, lòng bàn tay áp sát vào chuông, 4 ngón tay còn lại luồng nhẹ vào khe hở của puli nồi sau (vị trí lắp dây curoa). Tiến hành đồng thời 2 thao tác là ép kéo theo hướng thẳng đứng lên trên và 4 ngón tay ép xoay theo chiều kim đồng hồ phần puli nơi lắp dây. Tương tự như hình bên dưới. Chú ý cẩn thận kẹt tay vì lò xò nồi khá cứng và sẽ bật ngược trở lại nếu ta kềm không chặt tay.
Sau khi biết cách ép nồi, ta tiến hành lắp dây vào theo 2 cách sau:
Cách 1: Lắp dây vào nồi trước trước:
– Đặt dây vào vị trí giữa trục nồi trước và trục nồi sau như hình. Dây Bando không qui định chiều lắp, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi thì các bạn nên lắp theo chiều chử Bando hướng ra và có thể dễ dàng đọc được.
– Lắp má puli nồi trước vào, lắp tất cả long đền vào đúng vị trí củ, siết chặt ốc puli nồi trước lại. Luồng bộ nồi sau choàng qua dây như hình dưới:
– Tiến hành ép nồi theo hướng dẫn bên trên để ép dây vào sát bên trong đồng thời lắp nồi sau vào cốt nồi. Lắp tất cả long đền vào vị trí củ. Siết chặt ốc bắt nồi sau.
Cách 2: Lắp dây vào nồi sau trước:
– Đặt dây vào rãnh dây nồi sau, tiến hành ép nồi như hướng dẫn bên trên để đưa dây vào sát bên trong. Bóp giữ đầu dây phía gần nồi để tránh việc nồi bung ngược ra là dây chạy trở ra như hình dưới. Chú ý chiều lắp dây theo đúng qui định:
– Đưa nguyên bộ nồi sau đã có dây lắp vào trục nồi sau. Tay vẫn bóp nhẹ giữ dây nhưng dịch ra hướng nồi trước 1 tí để đảm bảo cho dây phía nồi trước chùng nhằm tạo thuận lợi cho việc lắp má puli nồi trước được sát vào trục. Lắp má puli nồi trước vào, chú ý lắp tất cả long đền vào theo đúng vị trí ban đầu. Siết chặt 2 ốc giữ nồi trước và nồi sau.
Bước 5: Đề máy kiểm tra dây:
Một số loại xe cho phép đề máy ngay khi chưa lắp chụp nắp nồi vào (như Honda SH, Dylan, v.v…) nhưng một số xe không cho phép, phải lắp nắp nồi vào mới đề máy được. Với những xe cho phép, bạn có thể đề máy để kiểm tra xem dây mới lắp vào vận hành có trơn tru hay không.
Cách kiểm tra: Đề máy xe, lên ga nhẹ và đều tới mức khoảng 1/4 ống ga thì giữ nguyên tay ga. Nhìn vào dây, nếu dây căng đều và không nhảy là ok. Chú ý không kiểm tra dây lúc để garanti vì khi không tải dây chắc chắn sẽ dao động và cũng không kiểm tra dây lúc thốc ga lên đột ngột rồi bất chợt nhả ga xuống vì việc thốc và nhả ga đột xuất sẽ làm dây bị giũ.
Bước 6: Lắp nắp nồi vào:
Tiến hành lắp nắp nồi vào theo trình tự ngược lại lúc tháo ra, lắp đúng ốc vào các vị trí tương ứng của nó.
Kiểm tra lại lần cuối xem đã lắp đủ ốc và đúng vị trí hết chưa. Đề máy thử xe và hoàn thành.
Với các bước trên, các bạn có thể tự tay thay dây curoa cho chiếc xe của minh. Chúc các bạn thành công!
Webike.vn – Tổng hợp.
-
- [Ý tưởng phục hồi] Cách dễ dàng lắp khung lên trên động cơ
- Hướng dẫn chọn xích xe Non-seal, O-ring hay X-ring cho xe của bạn
- Làm sao để đánh bay các vết rỉ sét trong bình xăng xe máy
- TOP 11 loại lốp xe tốt nhất dành cho bản độ Cafe Racer
- Sự khác biệt giữa hệ thống làm mát bằng dầu, nước, không khí xe máy
-
Bộ sưu tập HONDA 400cc thập niên 70
28/10/2020