Từ 15/01/2020, người dân được ghi âm, quay phim CSGT làm việc

  • 16/01/2020
  •  
     
     
5
(1)

Từ ngày 15/01/2020, theo Thông tư 67/2019/TT-BCA bổ sung quy định người dân được quyền giám sát CSGT bằng các thiết bị ghi âm, ghi hình.

Người dân dùng điện thoại quay phim cảnh sát giao thông điều tiết giao thông ở ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từ ngày 15/1/2020, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chính thức có hiệu lực. Cụ thể, Điều 11 trong Thông tư 67/2019 đã nêu rõ 5 hình thức giám sát của nhân dân đối với CSGT như sau:

1. Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);

c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, so với Thông tư 54/2009, Thông tư 67/2019 đã bổ sung thêm hình thức giám sát CSGT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khi Thông tư 67 có hiệu lực, việc giám sát CSGT thực hiện nhiệm vụ trực tiếp bằng mắt hoặc bằng các phương tiện điện tử như ghi âm, ghi hình sẽ giảm bớt những vụ việc gây tranh cãi về những hành vi có tính chất tiêu cực trong hoạt động này và tìm hiểu làm rõ hành vi bảo kê (nếu có).

Tuy nhiên, việc giám sát phải theo quy định của pháp luật, có văn hóa. Người dân không được cầm máy quay, điện thoại dí sát vào CSGT gây cản trở đến hoạt động của lực lượng CSGT.

Việc ghi âm, ghi hình sau đó sử dụng đưa lên mạng xã hội trái phép hoặc thêm bớt, chỉnh sửa cắt ghép nhằm bôi nhọ, xúc phạm người khác cũng sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự về tội vu khống, làm nhục người khác.

Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lại cho rằng, việc người dân được ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT xử lý vi phạm giao thông thể hiện sự dân chủ, để người dân thực hiện quyền giám sát của mình về các hoạt động của cơ quan chức năng, cũng như hạn chế những tiêu cực xảy ra trong quá trình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

“Quy định này cũng thể hiện sự cầu thị của Bộ Công an trước những ý kiến của người dân và để thực hiện quyền của người dân theo Hiến pháp và pháp luật”, luật sư Thơm cho hay.

Webike.vn – Tổng hợp

Theo tinnhanhonline.vn

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 5 / 5. Số bình chọn: 1

Không có bình chọn nào!

XU HƯỚNG BIKER

Return Top