Tại sao đèn giao thông lại có 3 màu xanh, đỏ và vàng ?

  • 23/11/2016
  •  
     
     
0
(0)

Có đến 7 màu quang phổ cơ bản mắt người nhìn thấy được. Nhưng vì sao là xanh, đỏ, vàng mà không là những màu khác sử dụng cho đèn tín hiệu giao thông?

den-tin-hieu-giao-thong

Đèn tín hiệu giao thông gồm ba màu đỏ, vàng, xanh hiện sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Fungaineni

Con người lần đầu áp dụng đèn tín hiệu giao thông để chỉ dẫn các phương tiện di chuyển vào những năm 1830 tại Anh. Và sử dụng chúng cho ngành đường sắt.

Các công ty đường sắt sử dụng ba màu, mỗi màu chỉ dẫn một hành động khác nhau cho người lái tàu. Trong đó màu đỏ – dừng lại, trắng – được phép đi và xanh – cẩn trọng.

Tuy nhiên, màu trắng không còn sử dụng khi một vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Năm 1914, màng kính của bóng đèn đỏ rơi ra ngoài khiến ánh sáng đỏ “trở thành” trắng. Người lái tàu không biết đèn tín hiệu gặp trục trặc, cho xe đi tiếp và kết quả dẫn đến một vụ tai nạn thảm khốc.
Để không xảy ra tai nạn tương tự, những người có trách nhiệm quyết định chọn màu vàng thay cho trắng. Bởi màu vàng khác hai màu còn lại và có thể phân biệt dễ dàng bằng mắt thường. Các chỉ dẫn cũng điều chỉnh lại với đỏ – dừng lại, xanh – được phép đi và vàng – cẩn trọng. Có nhiều cách lý giải cho việc lựa chọn ba màu đỏ, xanh, vàng cho đèn tín hiệu giao thông. Tựu trung liên quan đến hai phương diện duy tâm và khoa học.
Đỏ tượng trưng cho màu máu, cái chết hay sự nguy hiểm nên chọn là màu báo hiệu người lái xe phải dừng lại. Màu xanh là màu của thiên nhiên, gần gũi và mang lại cảm giác thư thái cho con người nên biểu thị ý nghĩa “được phép đi”. Màu vàng tượng trưng cho ánh sáng mặt trời, tôn giáo hoặc những đấng tối cao. Biểu thị cho thái độ dè dặt, kính cẩn nên chọn làm màu để cảnh báo con người cẩn trọng hơn.

Xét ở góc độ khoa học, ba màu tín hiệu giao thông đều có bước sóng dài theo thứ tự giảm dần trong không khí, thuộc danh sách quang phổ ánh sáng trắng gồm các màu cơ bản: đỏ, cam, vàng, lục (xanh), lam, chàm, tím. Vì thế con người có thể nhìn từ khoảng cách xa trong điều kiện ban ngày lẫn ban đêm.

den-tin-hieu-giao-thong-1

Thiết kế trụ đèn tín hiệu giao thông của John Peake Knight sử dụng tại London, Anh vào năm 1868. Ảnh: Getty Images

Đèn tín hiệu giao thông khi ấy chỉ áp dụng cho ngành đường sắt, giai đoạn công nghiệp ôtô chưa phát triển. Nhưng một vấn đề nảy sinh tại Anh lúc bấy giờ liên quan đến việc xe ngựa khi di chuyển ở các giao lộ có thể va chạm với người đi đường. Kỹ sư John Peake Knight, người có nhiều đóng góp trong ý tưởng sử dụng đèn tín hiệu giao thông cho đường sắt, đề xuất sử dụng nó ở các giao lộ. Chính quyền chấp thuận ý tưởng của John và áp dụng chúng lần đầu vào 10/12/1868 tại ngã ba Great George và Bridge Street, London.

Nhưng hệ thống chỉ dẫn giao thông cho đường bộ có chút khác biệt. Chỉ sử dụng hai màu đỏ và xanh vào ban đêm. Trong khi ban ngày, cột đèn có một hoặc nhiều nhánh có thể nâng lên, hạ xuống ngang đường và vận hành bởi nhân viên cảnh sát. Những chiếc xe ngựa đi hoặc dừng lại tùy theo hướng dẫn của người này. Một tháng sau khi vận hành, vụ nổ liên quan đến sự cố rò rỉ đường ống khí ga sử dụng cho trụ đèn tín hiệu khiến người vận hành thiệt mạng. Các trụ đèn giao thông vì thế cũng hạn chế sử dụng tại Anh.

Phía bên kia đại dương, người Mỹ bắt đầu áp dụng cách làm tương tự cho hệ thống giao thông bắt đầu từ những năm 1910. Chủ yếu sử dụng hai màu xanh, đỏ và cảnh sát để điều tiết giao thông.

Đến cuối những năm 1920 tại Detroit, viên cảnh sát William L. Potts nảy ra ý tưởng áp dụng ba màu tín hiệu xanh, đỏ, vàng để hướng dẫn các phương tiện di chuyển ở bốn hướng khác nhau. Detroit trở thành nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng ba màu đỏ, xanh, vàng để chỉ dẫn giao thông đường bộ.

Trải qua thời gian, điều tiết giao thông bằng đèn tín hiệu ngày càng hoàn thiện hơn nhờ sự phát triển của công nghệ và hỗ trợ từ máy tính. Dù cách làm có thể khác nhau, nhưng đến nay, xanh, đỏ và vàng vẫn là ba màu chính sử dụng cho đèn tín hiệu giao thông tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Webike.vn

Theo Phạm Trung

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 0 / 5. Số bình chọn: 0

Không có bình chọn nào!

XU HƯỚNG BIKER

Return Top