Lý do khiến chàng trai Việt một mình chinh phục 5 châu 4 bể

  • 22/11/2017
  •  
     
     
0
(0)

Để có được một Trần Đặng Đăng Khoa bản lĩnh, dùng xe máy đi vòng quanh thế giới, ít ai biết được rằng sau lưng anh là cả một hậu phương vững chãi. Đó chính là gia đình anh.

Chuyến đi phượt xuyên hơn 30 quốc gia của chàng trai Trần Đặng Đăng Khoa (sinh năm 1987, quê Gò Công Tây, Tiền Giang) xuất phát từ ngày 1/6 tại Việt Nam và đã đến Paris (Pháp) vào ngày 28/10 vừa qua. Hành trình kéo dài hơn 150 ngày và vẫn chưa dừng lại của Khoa tiếp tục nhận được nhiều sự ngưỡng mộ cũng như ủng hộ từ cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy nhiên, phía sau hành trình đó là những nỗi niềm mong mỏi, ngóng trông từ cha, mẹ anh, những người luôn mong cho con mình có một chuyến đi an toàn, và bình an trở về. Chú Trần Công Khanh, ba Khoa kể: “Hồi còn bé, mỗi lần làm gì sai Khoa đều bị phạt úp mặt vào tấm bản đồ dán trong góc phòng“. Những lần chịu phạt đó, nhìn vào tấm bản đồ thế giới dần dà đã nuôi trong tâm trí Khoa ước muốn chinh phục những vùng đất, nền văn hoá khắp nơi trên thế giới. Trước ngày lên đường, trong một lần về thăm nhà, Khoa đưa ba đến trước tấm bản đồ thuở bé, dùng viết vẽ lên chặng đường mà anh sẽ đi qua.

Nét bút mực hiện rõ trên tấm bản đồ về hành trình sắp tới của chàng trai Đăng Khoa. Cô Đặng Hồng Nga, mẹ Khoa nói: “Khi biết tin Khoa sắp đi, cô chú đâu có muốn, mà thời buổi giờ không như xưa nữa, là con muốn nên giờ Khoa đặt đâu cô chú ngồi đó hà. Thay vì cô chú cản sẽ làm Khoa đi nhưng lòng nặng trĩu, thôi thấy vậy cô chú đành ủng hộ luôn”. Cô Hồng Nga – người mẹ tuyệt vời luôn theo dõi bước đi của Đăng Khoa.

Người đi lo một – người ở lo mười!

Đăng Khoa khi đang nhập cảnh ở cửa khẩu Taftan/Mirjaveh – Ảnh: Facebook nhân vật.
Khi Khoa mang xe được làm lại máy từ Sài Gòn về, chú Khanh đã bỏ cả buổi sáng để ngồi rửa sạch bong từng chiếc tăm xe vì “chú kỹ tính lắm, nhìn dơ không chịu được”. Chiếc xe máy đã gắn bó với Khoa từ thời sinh viên, nên anh quyết mang nó theo mình trên chuyến hành trình vòng quanh thế giới. “Ngày nó mới lên đường, chiều nào chú cũng lên quán cà phê trên cao ở huyện, nhìn về hướng Tây. Hướng Tây là hướng Khoa nó đang đi, thế rồi nhớ con, nước mắt lại rơi, giờ này không biết Khoa nó ở đâu, không biết có an toàn không”, chú Khanh kể.

Tấm bản đồ kế hoạch hành trình chuyến đi mà Khoa mang về nhà. Những ngày đầu là như vậy, không người cha người mẹ nào mà không khỏi lo lắng bất an khi con đang một mình nơi đất khách quê người. Nhưng rồi thời gian cũng làm chú Khanh, cô Nga nguôi ngoai dần. Cô kể: “Giờ cô cũng đỡ lo nhiều lắm, trong suốt chuyến hành trình của mình, trước khi đi đâu hay đến đâu, Khoa đều gọi về thông báo”.Chú Khanh và cô Nga – hậu phương vững chắc của chàng trai một mình chinh phục 5 châu 4 bể.

Song khi đọc được những lời bình luận không hay dành cho con trên Facebook, mẹ của Khoa cũng mang nhiều trăn trở. Cô nói: “Đọc nhiều bình luận trái chiều, cô buồn lòng lắm. Khoa cứ bảo cô đừng bận tâm, nhưng mà là người mẹ, sao có thể không chạnh lòng cho con được”.

Chàng trai Trần Đặng Đăng Khoa mang trên vai ước mơ, khát khao chinh phục thế giới. Anh đã trải qua biết bao những khó khăn, bao thời gian ấp ủ để có thể thực hiện chuyến đi của mình. Trong mắt nhiều người, những người theo “chủ nghĩa xê dịch”, chàng trai này là đại diện của thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm, chuẩn bị thật tốt hành trang cho chuyến đi của mình. Anh chính là một tấm gương, mang theo nhiều động lực của rất nhiều bạn trẻ.

Thế nhưng, đằng sau tất cả những điều tuyệt vời ấy, lại là nước mắt lặng thầm của người cha, tiếng thở dài của người mẹ, họ lo lắng cho mỗi bước đường Khoa đi. Họ mạnh mẽ hơn bất cứ ai, kể cả chính con trai mình để tin tưởng và cho anh sức mạnh để thực hiện được giấc mơ của mình.

Nhưng, có một giấc mộng lớn hơn, đời hơn mà ba mẹ Khoa mong, “Chuyến này Khoa nó về mà nó không cưới vợ chắc cô chú giận nó luôn á, hứa lèo hoài à!”.

Webike.vn

Theo VnMoto

 

 

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 0 / 5. Số bình chọn: 0

Không có bình chọn nào!

XU HƯỚNG BIKER

Return Top