Vinasun dán khẩu hiểu phản đối Uber, Grab có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

  • 09/10/2017
  •  
     
     
0
(0)

Tình trang sau mỗi chiếc taxi truyền thống Vinasun đều dán khẩu hiệu với nội dung “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” và “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” đã bắt đầu lây lan từ Hà Nội đến Tp. Hồ Chí Minh sáng 8/10.

Mới đây, MXH xôn xao một số bức ảnh chụp taxi Vinasun dán băng rôn để biểu tình, phản đối sự cạnh tranh được cho là “phá giá” của 2 hãng vận chuyển Uber và Grab. Những chiếc taxi được dán băng rôn phía sau, đồng loạt xuống đường khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Dòng chữ này được lãnh đạo Vinasun cho là “nội dung không đến nỗi quá đáng”.

Ngoài những hình ảnh lan truyền trên MXH, theo nhiều người dân, từ ngày mùng 8/10, họ liên tục nhìn thấy những chiếc taxi Vinasun dán băng rôn phản đối sự có mặt của Uber, Grab. Tuy nhiên, không phải chiếc taxi Vinasun nào cũng dán băng rôn. Khẩu hiệu trên nhiều băng rôn lại không hoàn toàn giống nhau nhưng nội dung nhìn chung đều hướng về việc mong Grab và Uber rời khỏi thị trường Sài Gòn.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ – Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, công ty đã nắm được tình hình. Tuy nhiên, theo ông Hỷ, nội dung của khẩu hiệu “’không đến nỗi quá đáng”. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này còn khẳng định việc dán decal là hành động tự phát của cánh taxi chứ không do công ty chỉ đạo.

Trong khi đó, đại diện hãng taxi Mai Linh khẳng định xe của hãng tại TP HCM chưa có tình trạng trên và doanh nghiệp này cũng không có chủ trương.

Trước đó, sau nhiều lần thể hiện sự bất bình và phản đối kịch liệt hoạt động của Uber, Grab nhưng không hiệu quả, Hiệp hội Taxi Hà Nội có văn bản kiến nghị dừng khẩn cấp đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gồm đại diện là Uber, Grab).

Văn bản này gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương liên quan. Đáng nói, động thái này cũng được Hiệp hội Taxi TP HCM hưởng ứng.

Sau khi bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từ chối, nhiều hãng taxi ở Hà Nội lần lượt dán các khẩu hiệu phản đối Quyết định 24 của bộ về đề án thí điểm Uber, Grab, với các thông điệp như: “Chúng tôi phản đối kế hoạch thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT có nhiều sai phạm. Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch…”; “50.000 xe thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỉ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỉ”… Việc dán các nội dung tương tự này đã tiếp tục “lây lan” tới TP HCM.

Hành vi này của Vinasun có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Công ty Luật TNHH Đức Chánh – Đoàn Luật sư TP HCM, khẩu hiệu “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” hay “Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam” mà các tài xế của Vinasun dán trên taxi có dấu hiệu của hành vi được xem là “gièm pha doanh nghiệp khác”.

Đây là một trong những hành vi bị cấm theo Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004. Theo đó, quy định về hành vi gièm pha doanh nghiệp nêu rõ: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Vì vậy, luật sư Chánh cho rằng Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh.

Đồng thời, luật sư Chánh cũng dẫn khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2006 của Chính phủ thì về cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương có nhiệm vụ và quyền hạn: Thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật; Tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc tố tụng cạnh tranh thì việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004 và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Về xử lý vi phạm hành chính thì theo Điều 31 Nghị định 71/2014 của Chính phủ, đối với hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.

Còn hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.

Webike.vn (Tổng hợp)

Nguồn: nld.com.vn – baomoi

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 0 / 5. Số bình chọn: 0

Không có bình chọn nào!

XU HƯỚNG BIKER

Return Top