Vạch Chia Đường cần được hiểu rõ để tránh sai phạm khi tham gia giao thông
- 09/12/2020
Thực tế tham gia giao thông tại Việt Nam cho thấy có nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về các loại vạch chia đường và cũng chưa lường được những nguy hiểm từ việc không tuân thủ quy định của vạch chia đường.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam số 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ, có rất nhiều loại vạch kẻ đường được quy định: vạch nét liền, vạch đứt nét, vạch đơn, vạch đôi, vạch chữ V, vạch vành khuyên, vạch kẻ kiểu mắt võng… Đơn giản nhất và cũng hay gặp nhất trong các loại vạch dọc đường là Nhóm vạch phân chia hai chiều xe chạy và Nhóm vạch phân chia các làn xe chạy cùng chiều.
Nhóm vạch phân chia hai chiều xe chạy
– Vạch đơn, đứt nét, màu vàng: Dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều nhau ở những đoạn đường có từ 2 làn xe trở lên, không có dải phân cách giữa. Xe được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả hai phía.
– Vạch đơn, nét liền, màu vàng: Dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có 2 hoặc 3 làn xe, không có dải phân cách giữa; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch. Vạch này thường sử dụng ở đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu lớn.
– Vạch đôi, nét liền, màu vàng: Dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có từ 4 làn xe trở lên, không có dải phân cách giữa, xe không được lấn làn, không được đè lên vạch. Vạch này thường sử dụng ở đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu lớn hoặc ở các vị trí cần thiết khác.
– Vạch đôi, màu vàng gồm một vạch nét liền, một vạch nét đứt: Dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có từ 2 làn xe trở lên, không có dải phân cách hai chiều xe chạy, sử dụng ở các đoạn cần thiết phải cấm xe sử dụng làn ngược chiều theo một hướng xe chạy nhất định để đảm bảo an toàn. Xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua và sử dụng làn ngược chiều khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được cắt qua vạch.
Nhóm vạch phân chia các làn xe chạy cùng chiều
– Vạch đơn, đứt nét, màu trắng: Dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường qua vạch.
– Vạch đơn, liền nét, màu trắng: Dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.
– Vạch kép (một vạch liền, một vạch đứt nét), màu trắng: Dùng để phân chia các làn xe cùng chiều, xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch.
Vạch kẻ đường có thể được sử dụng riêng hoặc phối hợp với các biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông theo thứ tự: hiệu lệnh người điều khiển giao thông – hiệu lệnh đèn tín hiệu – hiệu lệnh biển báo – hiệu lệnh vạch kẻ đường và các dấu hiệu hướng dẫn trên mặt đường.
Ngoài ra, vạch kẻ đường có màu vàng và trắng, nhưng các mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm giao thông sẽ không thay đổi theo màu sắc vạch kẻ đường.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt thấp nhất đối với người điều khiển ô tô không chấp hành vạch kẻ đường là từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng, và cao nhất có thể lên tới 12 triệu đồng nếu phớt lờ ý nghĩa của vạch kẻ đường mà thực hiện việc quay đầu xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường… không đúng quy định, đi không đúng chiều đường, làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông.
Trong khi đó, mức phạt thấp nhất đối với người điều khiển xe mô-tô và xe gắn máy (kể cả xe máy điện) không chấp hành vạch kẻ đường là từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, và cao nhất có thể lên tới 5 triệu đồng nếu phớt lờ ý nghĩa của vạch kẻ đường mà thực hiện việc quay đầu xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường… không đúng quy định, đi không đúng chiều đường, làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông.
tổng hợp
Tags: Luật giao thông
-
- Chọn mũ bảo hiểm phượt tết theo xe, màu đỏ ưu tiên ngày tết!
- Chạy xe đường có tuyết, phượt thủ cần chú ý những gì?
- Đo nồng độ cồn mùa Covid, đếm số từ 1 đến 10
- Hà Nội, TPHCM có thu hồi xe cũ nát như bộ đề nghị?
- Tổ chức mạng lưới phố đi bộ khu trung tâm Sài Gòn, nhiều nổi băn khoăn – Người lái xe cần tìm …
-
Bộ sưu tập HONDA 400cc thập niên 70
28/10/2020