Thói quen xấu khó bỏ khi lái xe của người Việt

  • 17/01/2017
  •  
     
     
0
(0)

Nhiều người chẳng mấy khi chạy theo biển báo mà theo số đông. Một người rồ ga vượt đèn đỏ sẽ kéo theo không ít kẻ chạy sau.

Tham gia giao thông cả xe 2 và 4 bánh hơn hai mươi năm tại TP HCM, tôi quan sát được một hiện tượng rất thú vị và rất “đặc trưng Việt Nam”: gần như chẳng ai biết đọc bảng hiệu giao thông cả, họ toàn nhìn nhau mà đi. Và đó là một trong những lí do chính khiến tình hình giao thông các thành phố lớn ngày càng bát nháo.

Giaothong2-1484183303_490x294 Nhiều người chẳng mấy khi chạy theo biển báo mà theo số đông. Một người rồ ga vượt đèn đỏ sẽ kéo theo không ít kẻ chạy sau.

Xe máy và xe thô sơ 2, 3 bánh thì đương nhiên là chẳng ai thèm quan tâm đến biển hiệu giao thông rồi, ai cũng thấy rõ. Ví dụ đang dừng đèn đỏ, mà chỉ cần một xe máy rồ ga phóng thôi là ít nhất hai phần ba số xe máy, xe đạp xung quanh sẽ ùn ùn rồ chạy theo. Chẳng ai mảy may liếc mắt lên nhìn xem đèn xanh chưa hay vẫn còn đỏ.

Tương tự, đường đang kẹt thấy có xe khác phóng lên lề là cả đoàn xe máy ùn ùn phóng lên theo phương châm “nó được thì mình cũng được”. Rồi đường một chiều hoặc hai chiều có con lươn mà chỉ cần một xe máy phóng ngược chiều thôi thì chỉ trong vài giây, đường trở thành hai chiều ngay bởi một đàn xe máy cơ hội nhìn theo “học tập”.

Cứ nhìn nhau “học tập” như vậy thì đường nào mà chẳng kẹt? Ôtô thì ngược lại, lại ngoan ngoãn không đúng lúc đúng chỗ cũng vì “nhìn nhau mà chạy”. Do thường xuyên chạy TP HCM – Bình Dương vì quê vợ ở đấy, tôi quan sát được là gần như chẳng ông tài xế nào biết đọc bảng hiệu giao thông (hoặc có khi chẳng bao giờ thèm đọc).

Đầu tiên là ngã tư Hàng Xanh, chỗ dừng đèn đỏ chờ quẹo trái ra Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng ra QL13. Hồi trước khi chưa có bảng hiệu rõ ràng thì nhiều người bị CSGT phạt khi rẽ trái ở làn ngoài cùng bên trái. Hiện tại có biển báo 411 phân làn cũng như mũi tên chỉ hướng rất rõ ràng là được đi thẳng và quẹo trái, kèm theo một bảng cho phép quay đầu kèm chú thích “được phép quay đầu khi đèn đỏ”. Mà hình như ông nào cũng nghĩ làn đó chỉ được quay đầu, nên lần nào dừng đèn đỏ ở đấy cũng chỉ một mình xe tôi làn ngoài cùng, còn lại cả hàng xe xếp hàng làn bên cạnh.

Mà người Việt Nam có cái lạ là, có nhiều người cũng hiểu biển 411 nhưng thấy xe khác nối đuôi nhau, nên thôi tặc lưỡi “mình cũng nối đuôi theo cho chắc, lỡ có gì”. Nhiều lần có CSGT đứng điều tiết ngay đấy, tôi vẫn dừng làn ngoài cùng, chẳng bao giờ bị ai thổi hay gây khó dễ gì. Đương nhiên khi có CSGT thì cái làn bên cạnh tôi nó lại càng ngay ngắn, chỉn chu, và càng… dài.
Tiếp đến, bác tài nào hay đi QL13 hẳn cũng biết cách đây hơn năm, khi vẫn còn 2 làn đường thì cảnh ôtô xếp hàng làn ngoài cùng là chuyện hàng ngày. Sau đó QL13 phân chia lại thành 3 làn, trong đó ôtô đi 2 làn, bảng 412 rất rõ ràng đầy đủ và cứ cách mấy trăm mét thì nhắc lại.

Ấy thế mà cảnh tượng xếp hàng ôtô làn ngoài cùng vẫn như trước, chẳng ai dám chạy làn giữa bởi họ bị ám ảnh cảnh CSGT đứng “cầm gậy ngoắt ngoắt” quá quen trước đó trên cung đường này. Người này thấy người kia xếp hàng làn ngoài cùng nên cũng không dám chạy vào làn giữa, tặc lưỡi cho xe xếp hàng theo. Tôi lại một mình một xe bon bon làn giữa, qua mặt cả hàng dài xe làn bên cạnh.

Sau cả năm trời thay đổi thì nhiều bác tài có lẽ đã biết và quen nên có nhiều xe song hành làn giữa với tôi hơn, tuy rằng làn ngoài cùng vẫn đông hơn rất nhiều. Cuối cùng là khúc QL13 (đại lộ Bình Dương) đoạn từ bệnh viện Hạnh Phúc đến hết tỉnh Bình Dương, chỉ cần qua bệnh viện Hạnh Phúc 50 m là có biển giới hạn tốc độ và phân làn rất cụ thể.

Ôtô được chạy 2 làn ngoài cùng và tối đa 90 km/h (trước đó là 80). Nhưng các bác tài lại vẫn chẳng ai biết đọc mấy cái bảng đấy nghĩa là gì, tiếp tục xếp hàng ở làn ngoài cùng bước đều 50 – 60 km/h. Mấy xe biển TP HCM cũng như biển Bình Dương, ai cũng ngoan ngoãn 50- 60 km/h nhìn nhau mà chạy. Lâu lâu mới thấy vài xe quen đường phóng theo tôi 80, 90 km/h.

Nhiều bạn sẽ nói tôi “tại bạn đi đường đấy quen ông biết, còn người đi ít họ không biết”. Cũng có lý! Thật ra theo quan sát của tôi thì hiện tại đường sá của TP HCM gắn bảng chỉ dẫn, bảng hiệu giao thông khá đầy đủ rồi, chỉ cần “quan sát, hiểu và làm theo” là bạn sẽ đi đúng luật.

Nguyên tắc của bảng hiệu giao thông là để cho người đi lần đầu hay nhiều lần đều có thể hiểu và tuân thủ. Tôi đi trên con đường dù mới hay cũ thì cũng quan sát bảng hiệu và tuân thủ theo nó thôi, chứ tôi chẳng bao giờ nhìn ông nào để chạy theo hết.

Và khi bạn tuân thủ theo bảng hiệu giao thông thì dù bạn chạy khác với số đông trên đường thì cũng đố ông công an nào dám chặn xe bạn đấy. Các bác cứ thử mà xem!

Độc giả Huy Lê /VnExpress

Bài viết này có hữu ích không?

Click vào ngôi sao để bình chọn!

Trung bình 0 / 5. Số bình chọn: 0

Không có bình chọn nào!

XU HƯỚNG BIKER

Return Top