Làm thế nào để sống sót khi sang đường ở Việt Nam?
- 16/01/2017
Nếu gặp bất kỳ khách du lịch nước ngoài nào trên đường phố, thử hỏi họ điều gì là thử thách nhất khi tham gia giao thông ở Hà Nội thì cam đoan không dưới 80% sẽ cho câu trả lời đó là… sang đường.
Trong “Hà Nội một chốn rong chơi”, cuốn sách từng đạt giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, có một đoạn mà tác giả, ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế đến từ Uruguay, người có nhiều năm sống và làm việc tại Hà Nội viết: “Hình ảnh đầu tiên về Hà Nội, đối với hầu hết du khách nước ngoài là sự hỗn loạn”.
Giao thông Hà Nội như một dòng sông cuồn cuộn chảy với hàng nghìn xe máy lấp kín những con phố (đôi khi tràn lên cả vỉa hè) và dường như chẳng thèm quan tâm đến đèn tín hiệu hay quy tắc an toàn giao thông. “Ngay cả những cái tên như Thiên Thần (Angel), Kỳ Diệu (Magic)… nếu không làm người ta liên tưởng đến hành trình đi tới thiên đàng thì cũng khiến người ta nghĩ rằng chúng không liên quan gì đến luật lệ của con người” – chuyên gia này hài hước bình luận.
Không đến nỗi là ác mộng, nhưng với người nước ngoài khi lần đầu đến với Thủ đô Hà Nội thì sang đường đúng là một thử thách không dành cho người yếu tim. Hình ảnh mà ai cũng có thể bắt gặp trên đường đó là những vị khách cao lớn vác trên mình chiếc ba lô nặng trĩu, ánh mắt từ hoang mang chuyển sang sợ sệt, không biết làm thế nào để vượt qua làn xe đan cài như mắc cửi. Họ có thể sẽ gặp những tình huống sau: Vừa kịp thò một chân xuống đường thì bỗng xuất hiện một thanh niên chẳng “xi-nhan” gì ngoặt tay lái đòi rẽ gấp. Hết hồn! Dợm bước sang lần nữa thì ôi thôi, đèn đỏ báo vừa còn 5 giây, chẳng ai bảo ai cả đoàn xe đã ầm ầm lao lên, bỏ lại những khách bộ hành tội nghiệp đứng thất thần bên vỉa hè.
Nói như lời bạn tôi, anh Hồ Xuân Phúc, Giám đốc công ty Hanotours, người cũng nhiều lần tháp tùng các đoàn khách nước ngoài thì giao thông đúng là thứ ám ảnh nhất tại Thủ đô Hà Nội: “Câu mà những người bạn nước ngoài hay nói nhất với tôi là: Làm thế nào mà người ở đây lại sống sót được mà sang đường thế? Họ nói, người Việt mình đi đường chẳng có một luật lệ hay quy tắc nào cả”.
Vâng, sang đường có lẽ là việc mà nếu không thật cần thiết, không phải du khách nào cũng nên thử khi đến Hà Nội.
Trong một bài báo của Thomas Fuller, phóng viên của tờ New York Times, nếu ở London, khách du lịch thường quan tâm xem thời tiết ngày mai như thế nào, ở Paris, họ bàn xem ăn ở đâu, thì ở Thủ đô của Việt Nam, câu chuyện “nóng” nhất đó là: Làm thế nào để… sang đường một cách an toàn. Điều này càng là một thử thách lớn hơn nếu bạn thử đóng vai những ông bố bà mẹ cố tìm cách vượt qua một làn đường đông đúc vào giờ cao điểm với một chiếc xe đẩy em bé. Chắc chắn, ít ai dám mạo hiểm tính mạng con mình.
Còn những người già thì sao, sợ hãi đấy nhưng hãy chắc chắn là đừng bao giờ đi một mình. Hãy cố chờ cho đến khi nào có người đi sang đường cùng, chắc chắn sẽ an tâm hơn. Và kinh nghiệm được rút ra khi nhỡ có phải sang đường với du khách nước ngoài đó là hãy thoải mái và tự tin hết sức có thể. Luôn luôn nhìn trước nhìn sau, cố tiếp xúc bằng mắt với người lái xe. Có thể đi chậm nhưng hãy bước đi dứt khoát. Và đừng bao giờ thoái lui.
Có câu chuyện như thế này. Một nhân viên đại lý du lịch ở Hà Nội tìm cách đưa một du khách quốc tế về khách sạn, sau một ngày trải nghiệm giao thông ở Thủ đô. Khi cô đề nghị bà đi bộ, vì khách sạn ở ngay bên kia góc đường, chỉ cách có một quãng ngắn, vị khách lập tức xua tay: “Thôi, cho tôi đi taxi”.
Nếu ở London, khách du lịch thường quan tâm xem thời tiết ngày mai như thế nào, ở Paris, họ bàn xem ăn ở đâu thì ở Thủ đô của Việt Nam, câu chuyện “nóng” nhất đó là: Làm thế nào để… sang đường một cách an toàn
Theo Mai Anh (ANTĐ)
-
- Chọn mũ bảo hiểm phượt tết theo xe, màu đỏ ưu tiên ngày tết!
- Chạy xe đường có tuyết, phượt thủ cần chú ý những gì?
- Đo nồng độ cồn mùa Covid, đếm số từ 1 đến 10
- Hà Nội, TPHCM có thu hồi xe cũ nát như bộ đề nghị?
- Tổ chức mạng lưới phố đi bộ khu trung tâm Sài Gòn, nhiều nổi băn khoăn – Người lái xe cần tìm …
-
Bộ sưu tập HONDA 400cc thập niên 70
28/10/2020