Phiên bản thương mại của Honda CT125 Hunter Cub được ra mắt ở Tokyo Motor Show năm 2019, sẽ được Honda phát hành chính thức vào thứ Sáu, ngày 26 tháng Sáu năm 2020.
Cub Trail: Hunter Cub – Cross Cub – Honda CT125
Honda Hunter Cub C105H năm 1961
Honda CT125 là phiên bản kế tiếp của dòng xe Cub Trail đã được Honda cho ra đời cách đây gần 60 năm.
Phiên bản đầu tiên vào khoảng năm 1961 mang tên Hunter Cub C105H hay bản xuất khẩu Trail 50 – CA100T / Trail 55 – CA105T, và sau đó là Trail 90 – CT200 rất được phổ biến ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Chiếc Hunter Cub / Trail 50/55 / Trail 90 nổi bật với chiếc ống xả được “vắt” lên cao. Cặp lốp xe gai thích hợp cho những địa hình không bằng phẳng. Và một chiếc nhông tải sau khá lớn để hỗ trợ cho việc leo đồi dốc.
Honda CT50 1968
Đến năm 1968, được Honda sửa đổi khá nhiều, Honda CT50 được trang bị một bộ hộp số phụ. Chiếc nhông tải sau nhỏ đi. Và chiếc xe được trang bị động cơ OHC dựa trên phiên bản “đắt khách” của Honda – Super Cub C50.
Honda CT110 1981
Năm 1981, sau khoảng thời gian dài không có sự biến đổi, Honda CT110 được phát hành. Thế hệ Cub Trail thứ 3 là chiếc xe đa địa hình, dễ dàng điều khiển. Bạn có thể “du lịch” dài ngày, dạo phố hoặc “thong thả” trên CT110 để thưởng thức “hương vị” của thiên nhiên. Động cơ 105cc với 7,6 mã lực, bộ ly hợp tự động cùng 4 cấp số truyền động giúp chiếc CT110 có thể “chiến” ở bất cứ địa hình nào.
Honda Cross Cub CC110 2013
Năm 2013, một dòng xe tương tự được Honda phát hành với 2 phiên bản Cross Cub 50 và Cross Cub 110. Chiếc xe có kiểu dáng gần giống với Hunter Cub, nhưng chiếc ống xả nằm bên dưới không tạo nên vẻ đặc trưng và cơ động như những thế hệ Cub Trail trước đó.
Honda CT125 Hunter Cub 2020 (màu Nâu mờ)
Và để không phụ lòng những người đã từng yêu mến CT50, CT110, giờ đây, Honda chuẩn bị ra mắt chiếc Honda CT125 Hunter Cub vào tháng 6/2020. Sau gần 40 năm, một khoảng thời gian đủ dài, “CT” lại được Honda hồi sinh.
Honda CT125 Hunter Cub
Honda CT125 Hunter Cub với kiểu dáng hoàn toàn “nguyên bản” như chiếc CT110 năm nào. Nhưng giờ đây, sự kết hợp giữa “vẻ đẹp hoài niệm” cùng công nghệ mới đã tạo nên một phiên bản Hunter Cub thật sự làm “say đắm” những “kẻ đam mê”.
Dựa trên phiên bản kỷ niệm Honda Super Cub C125 năm 2018, thừa hưởng “bản sắc” từ thế hệ Trail 90, Honda CT125 Hunter Cub mang đến một hình ảnh “Modern Classic” thật sự ấn tượng.
Bộ khung Honda CT125
Bộ khung Honda CT125 dựa trên phiên bản Super Cub C125. Phần đuôi phía sau được kéo dài hơn để lắp chiếc ba-ga lớn. Độ cứng của khung được tối ưu với các chi tiết được gia cố (màu đỏ) để phù hợp với các điều kiện vận hành đa dạng của Hunter Cub.
Động cơ Hunter Cub CT125
Động cơ của Honda CT125 cũng dựa trên nền tảng động cơ của Super Cub C125. Nhưng trên CT125, động cơ được thiết lập lại để tăng cường lực xoắn so với trên C125. Vị trí nạp dầu nhờn cũng được tách biệt với vị trí kiểm tra mức đầu nhờn. Bộ khung và tấm bảo vệ phía dưới động cơ thừa hưởng từ thế hệ Trail 90.
Và Honda cũng “không quên” trang bị cho Hunter Cub CT125 một chiếc cần khởi động bên phải.
Hệ thống nạp khí trên Honda CT125
Hệ thống lấy khí nạp trên CT125 được Honda thiết kế đặc trưng của những dòng xe đa địa hình. Hệ thống nằm bên “cốp hông” trái, có cửa lấy gió nằm ở vị trí cao phía ba-ga sau. Thiết kế này cho thấy, dù chiếc xe có bị “ngập trong nước” hết phần bánh xe, động cơ vẫn có thể hoạt động.
Ống xả của CT125
Ống xả được “vắt” lên cao đặc trưng của dòng xe Trail từ Honda. Phần ốp cách nhiệt được thiết kế trông hiện đại, chắc chắn nhưng vẫn mang đậm “chất” của Cub Trail.
Hệ thống phanh đĩa thủy lực trên Honda CT125
Trang bị an toàn đáng chú ý trên Honda CT125 nằm ở bộ phanh đĩa thủy lực cho cả bánh trước và bánh sau.
Phanh trước với bộ kẹp 2 piston, đĩa phanh Ø220mm. Trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Hành trình giảm xóc phuộc trước 110mm (dài hơn 10mm so với trên C125) giúp cho CT125 thích nghi và phanh hiệu quả hơn trên nhiều địa hình khác nhau.
Phanh sau với đĩa phanh Ø190mm, không trang bị ABS. Cát-te che sên được thiết kế dài phía sau theo qui định chung tại Nhật Bản. Gắp treo bánh sau thiết kế dạng hộp vuông thanh mảnh nhưng trông khá chắc chắn.
Ba-ga sau và hộp đựng đồ nghề của Hunter Cub
Chiếc ba-ga sau khá lớn với kích thước 409mm x 477mm. Không chỉ chở theo một người ngồi sau, hoặc bạn có thể dễ dàng đặt một chiếc thùng hành lý khá lớn cho những chuyến đi dài ngày.
Thiết kế chiếc hộp đựng đồ nghề, dụng cụ cơ bản như trên các dòng xe Enduro / Adventure. Thiết kế đậm chất cổ điển và vô cùng thuận tiện đối với những Biker thích “Phượt”. Bạn có thể đặt trong hộp bộ dụng cụ cơ bản bao gồm: 1 chiếc kềm, 1 – 2 chiếc cờ-lê, bộ mở bu-gi, 1 chiếc bu-gi dự phòng, một vài sợi dây gút nhựa, …
Một số trang bị hệ thống điều khiển trên CT125
Cụm đồng hồ tương tự như trên Monkey 125. Đồng hồ đo hiển thị điện tử với thiết kế khá rõ ràng và dễ “nhìn”.
Bộ công tắc hai bên tay lái thiết kế theo kiểu dáng hiện đại, nhưng các chi tiết nút điều khiển đơn giản, dễ sử dụng.
Hệ thống đèn trên Honda CT125 được trang bị Led hiện đại. Bao gồm đèn pha, đèn hậu và cả đèn xi-nhan được thiết kể dạng vuông lớn tương tự những dòng xe của Honda thập niên 80, như CT110.
Phụ kiện có sẵn cho Hunter Cub CT125
Thông số kỹ thuật chính của Honda CT125 2020
Tên: CT125 Hunter Cub
Mã Model: Honda 2BJ-JA55
Honda CT125 Hunter Cub màu đỏ sáng
Kích thước: 1.960 x 805 x 1.085 mm
Khoảng cách trục bánh xe: 1.255 mm
Khoảng cao gầm xe: 165 mm
Chiều cao yên: 800 mm
Trọng lượng: 120 kg
Số chỗ ngồi: 2
Bán kính quay vòng tối thiểu: 1,9 m
Động cơ: Mã JA55E, 4 thì, xy-lanh đơn nằm ngang, điều khiển trục cam đơn OHC, làm mát bằng gió
Dung tích xy-lanh: 124 cm3
Đường kính xy-lanh x Hành trình Piston: 52,4 x 57,9 mm
Tỉ số nén: 9.3 : 1
Công suất tối đa: 6.5 kW / 8.8 PS tương đương 8,5 mã lực tại 7.000 rpm
Lực xoắn tối đa: 11 Nm / 1.1 kgf-m tại 4.500 rpm
Honda CT125 Hunter Cub màu nâu mờ
Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình: 61 km/lít với tải trọng 2 người trên xe
Hệ thống nạp nhiên liệu: Phun xăng điều khiển điện tử – PGM-Fi
Hệ thống khởi động: Cả mô-tơ điện và cần khởi động
Hệ thống đánh lửa: Bán dẫn hoàn toàn sử dụng nguồn từ ắc-quy
Phương pháp bôi trơn: Sử dụng kết hợp bơm áp suất và phun nhuyễn
Loại ly hợp: Bộ lá ma sát với lò xo cuộn được ngâm trong dầu nhờn
Hệ thống hộp số: Chuyển đổi tịnh tiến 4 cấp số
Kích thước lốp xe: Trước / Sau: 80/90-17 M/C 44P
Hệ thống phanh: Đĩa thủy lực trang bị chống bó cứng phanh ABS cho phanh trước. Kích thước: Phanh trước với đĩa phanh Ø220 mm – bộ kẹp phanh 2 Pot. Phanh sau với đĩa phanh Ø190 mm – bộ kẹp 1 Pot.
Hệ thống giảm xóc: Phuộc trước loại tịnh tiến Telescopic giảm chấn thủy lực. Gắp treo sau kết hợp Phuộc sau loại 2 bên, giảm chấn thủy lực với lò xo nén bên ngoài có thể điều chỉnh mức tải lò xo.
Sức chứa bình nhiên liệu: 5,3 lít.
Thiết kế khung xe: Kiểu khung chính liền khối treo động cơ – Backbone.
Chiếc ống xả kiểu cổ điển trên Honda CT125 Hunter Cub
2 Màu sắc để lựa chọn: màu đỏ sáng và màu nâu mờ. Giá bán dự kiến khá đắt dành cho Honda CT125 Hunter Cub 2020 với 440.000 yên Nhật (tương đương 100.000.000 đồng).
Nếu đã từng yêu mến những phiên bản của dòng xe Cub Trail từ Honda như CT90, CT110 đếm Cross Cub, Honda CT125 là một phiên bản Hunter Cub mà bạn khó có thể bỏ qua.
Túi treo hông trên Honda CT125 Hunter Cub
Bộ khung bảo vệ động cơ trên Honda CT125 Hunter Cub 2020
Trong lúc chờ đợi sự xuất hiện chính thức của CT125 Hunter Cub, bạn có thể “tân trang” cho chiếc Trail Cub của bạn với những phụ tùng chính hãng tại Webike.
HBMT
Webike Việt Nam
Nguồn: mr.Bike.jp
Tags: Cross CubCub TrailHonda CT110Honda CT125Honda CT90Hunter Cub