X

Cách chạy xe côn tay Yamaha Exciter 150 an toàn

Xe côn tay là dòng xe máy hệ thống đóng ngắt ly hợp bằng tay còn được gọi là Ambrayage tay. Bộ phận cần côn được lắp bên tay trái tay lái, dây côn nối với bộ ly hợp, bóp vào để ngắt và thả ra để đóng ly hợp làm tăng khả năng xử lý tốc độ của xe.

Yamaha Exciter là một trong những dòng xe côn tay phổ biến nhất ở Việt Nam. Nhưng đối với những người mới chạy xe côn tay thì việc vào số là một vấn đề khó khăn và thường gặp phải các vấn đề như chết máy giữa đường. Vì vậy khi thật sự yêu thích và muốn thuần phục được dòng xe tay côn, bạn cần phải lưu ý những vấn đề sau:

Thứ 1: Vào số xe côn tay Exciter 150

Xe Yamaha Exciter 150 là xe số côn tay nên việc vào số 1 là tương đối khó với những người mới chạy xe, các số từ 2 đến 5 đều tương đối dễ vào khi xe đã chạy rồi. Để vào được số 1, trước hết bạn cần bóp hết tay côn, nhả từ từ khoảng 1/3 tay côn, 2/3 còn lại nhả ga thì xe mới vận hành được. Nếu sử dụng lâu thì thông qua tiếng máy bạn có thể phân biệt được, máy rú thì giảm ra còn máy kêu ọc ọc thì tăng ga.

Lưu ý: nếu nhả côn quá nhanh xe sẽ bị chết máy.

Thứ 2: Khi dừng xe tạm thời Exciter 150

Cách về N (số mo) khi dừng đèn giao thông hoặc dừng xe. Để tập cách về số N, tốt nhất bạn không nên chạy thực tế mà nên chống chân chống đứng lên và thực hành. Cách đơn giản nhất là về số 2, sau đó nhấc chân ra khỏi chỗ để chân, mũi chân chúi xuống 1 chút và giậm 1 cái (không cần mạnh). Lúc này lòng bàn chân chạm vào chỗ để chân thì mũi chân giẫm 1/2 số để từ số 2 về số N.

Thứ 3: Xử lý tốc độ Exciter 150 trong quá trình vận hành

Riêng với xe côn tay, nếu tốc độ xe xuống thấp mà xe vẫn chưa được về số nhỏ thì nguy cơ bị chêt máy giữa đường là rất cao. Lưu ý các đoạn đường thường phải giảm tốc độ và trả về số nhỏ như đường cua, giao lộ hoặc tránh các xe lưu thông phía trước, luôn nhớ khoảng tốc độ phù hợp cho từng cấp số như sau:

  • Số 1 thì khoảng 0 – 15 km/h
  • Số 2 thì khoảng 10 – 25 km/h
  • Số 3 thì khoảng 15 – 35 km/h
  • Số 4 thì khoảng trên 20 – 45 km/h
  • Số 5 thì khoảng trên 40m km/h trở lên

Thứ 4: Exciter 150 đi trên địa hình gồ ghề

Một loại địa hình khiến nhiều người mới lái xe Exciter 150 dễ chết máy khác là các đoạn lên dốc, lên cầu cao, đặc biệt là lên đèo, nhất là khi xe đang dừng ngay chân dốc hoặc giữa dốc mà muốn leo dốc tiếp.

Với các loại dốc thấp hoặc qua cầu thấp thì người lái chỉ cần tăng ra mạnh là xe qua bình thường được. Nhưng với trường hợp dốc cao, đèo như trên và đặc biệt là khi chở 2 người thì bạn cần lưu ý các trường hợp sau:

Trường hợp 1: đang đi và biết phía trước có dốc cao, xe đang chở 2 người. Giảm dần tốc độ và về số tương ứng với tốc độ đó (như chia sẽ ở trên) khi đến gần chân dốc. Dốc càng cao thì nên về số càng thấp. Về số 3 cũng có thể lên các dốc khoảng 30 độ, nếu dốc cao hơn thì để an toàn nên về số 2 (nhất là khi xe chở 2 người). Số 1 thì dùng leo dốc quá đứng.

Khi giảm tốc độ và về số thấp và xe cũng vừa đến chân dốc thì lúc này nên bắt đầu nhả côn và lên ga, xe bắt đầu lên dốc thì thêm ga, nhích ga lên từ từ để máy khỏe khi leo dốc, đừng lên ga quá mạnh, xe sẽ phát ra tiếng rú không bình thường, còn nếu ga nhẹ quá thì xe phát ra tiếng ọc ọc dễ bị chết máy, do đó, lắng nghe tiếng xe chạy giúp điều chỉnh tăng hoặc giảm ga là chính xác nhất.

Trường hợp 2: Xe dừng ngay chân dốc (nhà dưới dốc và muốn lên dốc, hoặc xe đang ở dưới hầm giữ xe các tòa nhà cao tầng) không có điều kiện để chạy đà dần dần như trường hợp 1. Sau khi khởi động máy và vào số 1, vào ga mạnh để vượt dốc, một khi bánh sau đã vượt qua khỏi dốc rồi thì nên nhả ga.

Nếu phía trên dốc là đường lớn thì bạn yên tâm, còn phía trên dốc lại là đường hẽm hoặc nhà người khác thì bạn cần lưu ý.

Thứ nhất phải cẩn thận tránh trường hợp vừa phi lên dốc ra đường thì có xe đi đến đâm vào. Có thể nhờ người đứng trên dốc nhìn hộ hoặc ra nhìn đường trước rồi mới xuống cho xe ra.

Thứ 2:  là bên kia đường là nhà người khác. Đây lại là đường ngõ nên nhỏ, đường chỉ rộng hơn chiều dài cái xe 1 chút. Vì vậy để tránh trường hợp ga quá mạnh và đâm vào nhà bên kia đường trước khi vượt dốc phải chuẩn bị sẵn tinh thần bóp phanh trước (phanh bên tay ga) và bóp côn. Sau khi lên dốc sau bóp phanh, nhả ga để xe dừng. Tại sao lại là phanh trước mà không phải phanh chân? Bởi xe đang dừng, không có đà. Xe mới xuất phát nên ta phải chống 2 chân giữ thăng bằng. Và cũng là tránh trường hợp nếu chết máy giữa chừng khi lên dốc thì chống chân kịp nếu không sẽ ngã. Và bóp phanh trước cũng an toàn hơn bởi bánh trước sẽ dừng lại tức thì. Bóp phanh sau xe vẫn có thể bị rê đi và đâm nhẹ vào nhà người ta.

Trường hợp 3: Xe bị chết máy giữa dốc. Nếu đang đèo 2 thì bạn phải bảo người ngồi sau xuống xe để bạn có thể lên dốc 1 cách dễ dàng nhất. Đầu tiên bóp phanh tay để chống 2 chân. Khởi động lại máy và vào số 1. Cố gắng giữ thăng bằng xe bằng 1 chân còn chân kia giẫm chân phanh.

Bỏ phanh tay để thuận tiên cho việc vặn tay ga. Bắt đầu nhả côn và ga lên như khi khởi động xe để đi. Nhưng lưu ý là không được nhả hết côn. Vẫn giữ 1 chút côn. Vì xe chưa đi nên nếu nhả hết côn sẽ chết máy (nghe tiếng máy ọc ọc là biết). Vặn tay ga lớn hơn so với bình thường để xe rú lên. Cùng lúc đó nhả chân phanh từ từ để xem xe vọt lên được chưa. Tránh nhả chân phanh nhanh để nếu sẽ chưa đủ độ vọt dốc thì xe sẽ bị trôi ngược.

Thứ 5: Linh hoạt khi dùng côn Exciter

Là 1 điều cũng khá quan trọng. Đó là khi nào cần dùng côn và khi nào không cần dùng côn. Khi đi trên đường, ngoài việc côn dùng để vào số thì trước khi dừng đèn đỏ hay dừng xe… thì ta có thể cắt côn (âm côn) để xe trôi tự do theo quán tính, giúp ta tiết kiệm xăng.

Ta cũng có thể âm côn khi trôi dốc nhưng tốt nhất không nên làm vậy. Nếu làm vậy thì bạn phải bóp phanh. Tránh trường hợp xe trôi nhanh quá mà gặp chướng ngại vật ta phanh gấp sẽ bị ngã. Ta có thể nhả hết ga để xe trôi nhưng không âm côn để xe tự phanh bằng số là được, như vậy xe sẽ trôi chậm hơn và không cần dùng phanh. Và 1 trường hợp khá là quan trọng nữa đó là nếu đang tham gia giao thông và đang đi khá nhanh bỗng phải phanh gấp ta có nên bóp côn không? Xin khuyên các bạn là không. Bởi bóp côn sẽ làm cho xe trôi nhanh hơn do không có cái gì cản cả.

Như vậy khi bạn dùng phanh ắt hẳn bánh xe sẽ rê khá nhiều. Còn nếu bạn không bóp côn và giảm ga. Khi đó động cơ không nhận được xăng cũng như là năng lượng nữa dẫn đến máy không tạo thêm lực đẩy cho xe mà ngược lại còn làm cho xe chạy chậm đi nhờ phanh số. Khi đó phanh số kết hợp với phanh chân và phanh tay sẽ giúp bạn an toàn hơn.

Nếu bạn bảo: không bóp côn mà giảm tốc độ xe chết máy thì sao? Dù bạn đang đi với số 4 hoặc số 5 thì tốc độ xe cũng phải giảm xuống khoảng 15-20 km/h xe mới chết máy. Trước khi xe chết máy nó còn kêu ọc ọc và xe sẽ hơi giật giật. Khi đó chính là lúc bạn bóp côn. Có thể hiểu đơn giản là như sau. Bạn cần phanh gấp và bạn không nhả côn, phanh bằng số + phanh chân + phanh tay để giảm tốc độ xe đã và tránh việc xe bị rê bánh nhiều. Sau đó khi xe chậm lại rồi thì mới bóp côn. Như vậy an toàn hơn là bạn bóp côn ngay từ đầu.

Và kể cả lỡ xe có chết máy do không bóp côn thì khi đó tốc độ xe cũng cực chậm rồi nên không lo bị văng khỏi xe hay thế nào cả. Và việc xe chết máy dù hại xe những cũng không thể quan trọng bằng sự an toàn của bạn được. Đây là những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng dòng xe máy Yamaha tay côn.

Nếu các biker đã chuyển sang chạy xe Winner X thì có thể tham khảo thêm: cách chạy xe Winner 150 chi tiết .

Nguồn: danhgiaxe

Tags: