X

Hệ thống phun xăng điện tử FI trên xe máy: Lợi bất cập hại!

Hệ thống phun xăng điện tử FI rất có ích vì cho xe khả năng vận hành êm ái, tiết kiệm nhưng vẫn có nhiều mặt hạn chế khi sử dụng.

Công nghệ và khoa học càng ngày càng phát triển và các ứng dụng của nó ngày càng được áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Đối với xe cộ nói chung và xe máy nói riêng, hiện nay hầu như tất cả các loại xe máy đều đã được trang bị khá nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống phun xăng điện tử FI, phanh ABS, CBS, màn hình điện tử hay chìa khóa thông minh.

Công nghệ phun xăng điện tử là một sự phát triển vượt bậc trong ngành công nghiệp xe máy bởi nó làm giảm thiểu tiêu hao năng lượng, cho phép những chiếc xe sử dụng công nghệ có khả năng di chuyển với mức xăng gió ổn định và được điều chỉnh, hiệu chỉnh liên tục bởi bộ ECU – đầu não của những chiếc xe.

Hệ thống phun xăng điện tử phun xăng thẳng vào buồng đốt

Mới đây, tôi đã gặp vấn đề trên chính chiếc xe của mình với bộ phun xăng điện tử trên chiếc xe máy của mình và nghiệm ra rằng câu nói “hiện đại là hại điện” không phải không có lý do của nó. Như vậy, bộ phun xăng điện tử trên những chiếc xe máy hoạt động ra sao? Thường mắc phải những bệnh gì? Hãy tìm hiểu cùng chúng tôi trong bài viết dưới đây.

1. Cơ cấu vận hành của hệ thống phun xăng điện tử FI
Hệ thống phun xăng điện tử FI được chia ra làm 3 bộ phận chính bao gồm: Bộ phận điều khiển (ECU), bộ phận hoạt động (bơm xăng, kim phun, bướm ga) và cuối cùng là các cảm biến (cảm biễn ô xy, cảm biến khí thải, cảm biến bướm ga).

Sơ đồ hoạt động của hệ thống phun xăng điện tử FI

Với 3 bộ phận cơ bản như vậy, hệ thống phun xăng điện tử FI hoạt động dựa trên cơ quan đầu não (ECU) sẽ điều khiển các hoạt động của bơm xăng, kim phun và bướm ga dựa trên các thông số nhận đươc từ các cảm biến. Ví dụ như, khi cảm biến oxy đưa về ECU một loạt thông số về lượng khí trong bầu lọc gió cũng như luồng khí đi ra từ cổ pô, ECU sẽ đọc và tính toán để đưa ra quyết định bơm xăng vào buồng đốt nhiều hay ít và làm sao để giữ được garanti cho chiếc xe.

Như vậy, với hệ thống phun xăng điện tử FI, các bộ phận của hệ thống đều đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và điều khiển mức xăng gió của chiếc xe. Chỉ cần một bộ phận có trục trặc sẽ dẫn đến việc tính toán sai lệch và từ đó gây khó chịu cho người sử dụng như xe sẽ khó nổ, không giữ được garanti hay thậm chí là không thể vận hành.

2. Một số dấu hiệu từ chiếc xe khi hệ thống phun xăng điện tử gặp vấn đề
Khi hệ thống phun xăng điện tử gặp vấn đề, những chiếc xe máy thường có những dấu hiệu như sau:

– Xe trở nên yếu, khó tăng tốc đột ngột, kéo ga là chết máy

– Xe không thể đạt được tốc độ cao như mọi khi

– Vòng tua máy trở nên quá cao ở garanti

– Xe dễ chết máy đột ngột

– Vòng tua của xe ở garanti không đều lúc cao lúc thấp, xe bị rồ ga

– Trên mặt đồng hồ của xe sáng đèn báo lỗi

Khi gặp phải bất kì dấu hiệu nào trong 6 dấu hiệu trên, bạn nên mang xe đi kiểm tra tại các trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa xe có uy tín và có máy móc hiện đại.

3. Những lỗi hệ thống phun xăng điện tử FI hay gặp phải
Từ các dấu hiệu trên, chúng ta cũng nên biết về một số lỗi mà bộ phận này hay gặp phải như sau:

Các đầu cảm biến bị bẩn, cháy hoặc lỏng giắc

Thông thường, các cảm biến trên xe thường được thiết kế không quá phức tạp và bền bỉ, ít khi gặp tình trạng hỏng hẳn mà thường sẽ gặp các vấn đề như bụi bẩn hoặc các loại dây điện, giắc cắm đi từ ECU đến các cảm biến này bị lỏng hoặc chập. Khi này, nếu cảm biến bị bụi bẩn thì đèn báo lỗi trên xe sẽ không sáng nhưng nếu lỏng hay chập dây điện, đèn này sẽ sáng hoặc chập chờn.

Các loại cảm biến khác nhau khi gặp vấn đề sẽ gây ra các hiện tượng khác nhau như với cảm biến bướm ga hỏng sẽ gây rồ ga, cảm biến oxy bẩn sẽ cho lượng xăng vào lớn gây ra thừa xăng, sinh khói đen ra bầu pô.

Hỏng, tắc các bộ phận hoạt động
Với tình trạng các loại nhiên liệu không được đảm bảo đạt tiêu chuẩn như hiện tại, các loại xăng có thể gây tình trạng bẩn, cặn và dẫn đến tắc các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với nhiên liệu như kim phun, bơm xăng. Các bộ phận này thường xuyên tiếp xúc với xăng và có sự tuần hoàn liên tục nên chỉ cẩn xăng dính cặn bẩn sẽ làm kẹt bơm hoặc tắc kim phun.

Tắc kim phun là vấn đề thường gặp do xăng bẩn

Khi xảy ra hiện tượng này, xe thường sẽ nổ “lụp bụp” không đều hoặc không thể nổ được máy bởi xăng không thể bơm vào buồng đốt. Khi này nhiều trường hợp tắc hoặc bẩn thì sẽ xảy ra việc tốc độ xe giảm, xe ì ạch và dễ bị rồ ga đột ngột.

Dây điện bị đứt, lỏng hoặc chập, ECU hỏng
Các trường hợp dây điện bị chập, lỏng và oxy hóa các mối nối do bị nước vào hay chập do rửa xe là những vấn đề khá thường gặp. Khi rửa xe bằng vòi cao áp, lực phun của nước quá mạnh sẽ khiến các đầu nối của bộ điện bị lỏng ra hoặc chập cháy. Khi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sự lưu thông tín hiệu giữa các bộ phận trong hệ thống phun xăng điện tử.

ECU trên Benelli Leoncino 500

Việc hỏng ECU là khá hy hữu bởi với bộ đầu não điều khiển này thường sẽ có một loạt các loại cầu chì bảo vệ tránh chập cháy.

Hãy lưu ý khi rửa xe máy, hãy lựa chọn các điểm rửa xe sử dụng vòi tăng áp có lực vừa phải, tránh phun trực tiếp vào các khu vực có nhiều dây điện trên xe.

Lưu ý chọn địa điểm rửa xe hợp lý tránh gây hỏng hóc cho hệ thống FI

4. Phương pháp hạn chế lỗi từ hệ thống phun xăng điện tử FI

Bảo dưỡng xe thường xuyên tại các cơ sở uy tín giúp hệ thống vận hành bền bỉ hơn

Để hạn chế nhất có thể những lỗi xảy ra với hệ thống phun xăng điện tử, người sử dụng cần lưu ý, bảo dưỡng và vệ sinh chiếc xe của mình định ký, khởi động xe sau khi hệ thống bơm xăng hoạt động xong, đổ xăng tại các cây xăng uy tín, thay mới và vệ sinh lọc xăng gió định ký và cuối cùng là lưu ý rửa xe tại các địa điểm hợp lý, xì khô trước khi khởi động.

Theo Tinxe

Danh mục: XE MÁY