Thời điểm sau Tết Nguyên đán luôn là giai đoạn thoái trào của giá xe, bởi nhu cầu của người dân có xu hướng giảm, thị trường gần như đóng băng.
Giá xe trước Tết tăng chóng mặt
Theo thông lệ hàng năm, thời điểm trước Tết Nguyên đán luôn là mùa cao điểm mua sắm, đặc biệt là các mặt hàng đắt tiền như ô tô, xe máy. Chính vì vậy, trong thời gian này, giá xe máy luôn ở ngưỡng cao ngất ngưỡng.
Cụ thể, theo ghi nhận của PV báo điện tử VTC News vào ngày 26 Tết Âm lịch, giá xe máy tại Hà Nội và TP.HCM đột ngột tăng cao.
Trong đó, mẫu xe “vua làm giá” Honda SH ghi nhận mức giá cao kỷ lục lên tới 123 triệu đồng cho phiên bản 150cc ABS, chênh tới 24 triệu đồng so với giá đề xuất của Honda Việt Nam (HVN).
Tại Hà Nội, giá xe SH có mức chênh dưới 20 triệu đồng, tuy nhiên, so với giá bán trung bình mỗi tháng vẫn cao hơn 1 – 3 triệu đồng.
Không chỉ riêng mẫu xe tay ga SH, các mẫu xe khác của Honda cũng trong tình trạng tương tự.
Cụ thể tại một số đại lý do Honda ủy quyền tại Hà Nội, Honda Vision có giá bán thực tế dao dộng trong khoảng 33 – 35 triệu đồng, tùy từng phiên bản và đại lý, chênh 3 – 4,5 triệu đồng.
Honda Air Blade có giá bán tại các đại lý dao động từ 41 – 48 triệu đồng, tùy từng phiên bản và đại lý, chênh 1 – 7 triệu đồng. Đặc biệt, phiên bản Air Blade đen mờ có mức chênh cao nhất, đây cũng là phiên bản nhận được sự ưu thích của khách hàng.
Honda SH mode chênh 6 – 11 triệu đồng, phiên bản chênh cao nhất là SH mode cá tính (giá từ 63 – 64 triệu đồng), chênh 11 triệu đồng so với giá đề xuất của Honda.
Không chỉ Honda, mẫu xe côn tay số 1 tại thị trường Việt Nam là Yamaha Exciter cũng tăng khoảng 500.000 đồng – 1 triệu đồng so với thời điểm cuối tháng 1. Theo đó, giá bán Exciter RC, GP, xanh xám, xanh đen đều đang bán ra cao hơn đề xuất từ 1,5 – 4,5 triệu đồng.
Chỉ vài ngày sau Tết, giá giảm chóng mặt
Việc giá xe máy tăng cao thời điểm trước Tết gần như đã được đoán trước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các đại lý xe gắn máy tranh thủ mùa cao điểm, độn giá, tăng giá để chốt lời.
Mặc dù vậy, ngay sau Tết, nhu cầu mua sắm của người dân giảm hẳn, thị trường mua sắm gần như đóng băng, đặc biệt là các mặt hàng đắt tiền. Thị trường mua sắm dịp sau Tết rơi vào tình trạng ảm đạm có thể kéo dài tới tháng 4, tháng 5 (đầu hè).
Một số đại lý Honda cho biết, các cửa hàng sẽ hoạt động trở lại sau khi nghỉ Tết vào hôm nay (21/2), giá bán của một số dòng xe cũng sẽ được điều chỉnh lại theo chiều hướng giảm.
Đặc biệt, mẫu xe SH sẽ ngay lập tức hạ nhiệt, giảm 1 – 4 triệu đồng so với thời điểm trước Tết. Cụ thể, Honda SH 125 CBS có giá thực tế tại đại lý dao động 80 – 81,5 triệu đồng (không bao giấy), chênh khoảng 11 – 13,3 triệu đồng, giảm 500.000 – 1,5 triệu đồng so với trước Tết.
Honda SH 125 ABS có giá bán thực tế tại đại lý dao động trong khoảng 86 – 88 triệu đồng (không giấy), chênh khoảng 10 – 12triệu đồng và giảm 300.000 – 1,3 triệu đồng so với trước Tết.
Honda SH 150 CBS có giá thực tế tại đại lý là 92 – 94 triệu đồng (không giấy),giảm 500.000 – 2 triệu đồng so với trước Tết. Cuối cùng là mẫu SH 150 ABS có giá thực tế tại đại lý là 101 – 103 triệu đồng (không giấy), giảm 3 triệu đồng so với trước Tết.
Các mẫu xe khác như Honda Vision, Air Blade, SH mode, LEAD cũng giảm 200.000 – 1,5 triệu đồng so với trước đó 10 ngày. Các mẫu xe khác như: Honda Wave Alpha, Future, PCX không thay đổi giá bán. Bởi lẽ, giá bán hiện thời của các mẫu xe này đã thấp hơn giá đề xuất khoảng 600.000 – 2 triệu đồng.
Đặc biệt, mẫu xe tay côn Winner vẫn duy trì giá bán thấp, giá bán thực tế của Winner tại đại lý là 38 – 39 triệu đồng (bản thể thao) và 39 – 40 triệu đồng (bản cao cấp), thấp hơn giá đề xuất 6 – 7 triệu đồng.
Giá bán các mẫu xe Yamaha cũng được điều chỉnh giảm nhẹ nhưng không đáng kể.
Một đại lý Honda cho biết, giá xe máy nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới và có thể giảm sâu hơn. Đây chính là thời điểm vàng để mua sắm, nếu kinh phí khách hàng có phần eo hẹp./.
Webike.vn
Nguồn Việt Vũ/VTC News