Chiếc “pô độ” đối với dân chơi xe là món đồ chơi họ thường nghĩ đến đầu tiên khi có ý định “tuốt” lại ngựa chiến của mình.
Pô Yoshimura full-system bằng titanium trên CB1100.
“Pô độ” là một món đồ chơi không thể thiếu trên những bản độ từ phân khối nhỏ cho tới các mẫu xe phân khối lớn đình đám. Vậy lựa chọn thế nào là tốt nhất cho những ống pô đang có trên thị trường hiện nay là câu hỏi đặt ra cho rất nhiều biker trẻ.
Không riêng gì các mẫu phân khối lớn (PKL), mà các dòng xe thể thao phân khối nhỏ (PKN) cũng có những lựa chọn pô cho mình. Tuy vậy, pô cho PKN thường rất ít mẫu được sản xuất theo dạng full-system, mà thay vào đó là thường sử dụng các dòng pô slip-on cho các xe 150cc trở xuống nhằm cân bằng lực máy cũng như tạo ra âm thanh tương đối ổn định.
Điều này sẽ khác với các xe trường chạy sân, độ máy hết mức nhằm mục đích chạy đua. Vì với xe đua thì một số hãng pô của Malaysia cũng sản xuất các loại pô full-system, như Y.Y.Pang và AHM.
Akrapovic Megafone Slip-on trên Exciter độ.
Trong thế giới xe độ, âm thanh tiếng pô là rất quan trọng, nhưng vẫn phải đảm bảo được lực máy có thể kết hợp tốt với pô, khả năng vận hành, nước đề-pa, nước hậu và hạn chế tối đa việc ga bị hụt do hệ thống thoát hơi từ ống pô quá mức so với xe.
Vì vậy, sau khi trang bị một bộ pô khác cho xe, các tay chơi thường sẽ flash, tune-map lại chiến mã của mình với các mức tuỳ chỉnh về xăng, gió nhằm đem lại kết quả tối ưu nhất (đối với các loại xe trang bị ECU).
Với PKL, một số hãng pô tung ra những mẫu full-system dành riêng cho từng chủng loại xe, như Akrapovic là thương hiệu hàng đầu trong làng pô độ thế giới có phiên bản full-system cho YZF-R1 và YZF-R6 thế hệ mới, Shorty cho BMW S1000RR hoặc Yoshimura có những dòng pô full-system cho Suzuki và số ít các xe Classic.
Hot Bodies full system trên F4 RR độc nhất Việt Nam.
Khi trang bị một ống pô full-system, hệ thống cổ pô sẽ thường là vật liệu titanium trên các sản phẩm cao cấp, kết hợp hoàn hảo và triệt để nhất với lon pô để mở giới hạn công suất cho xe, tất nhiên phải kết hợp với điều chỉnh ECU của xe. Trong khi đó, với pô Slip-on, các công đoạn căn chỉnh sẽ tương đối khó khăn hơn như việc phải lựa chọn cổ pô, lựa chọn co nối và kết hợp với tỉ lệ cao nhất, điều này phụ thuộc phần lớn vào tay nghề người thợ.
Nhưng pô Slip-on có ưu điểm giá thành “dễ chịu” hơn pô full-system, có thể tuỳ chỉnh nhiều trang bị đi kèm mà điển hình là cổ pô. Còn với pô full-system thì hãng đã đưa ra mặc định, nếu tuỳ chỉnh thêm thì xác suất mất sự đồng bộ là tương đối cao, nhưng bù lại pô full-system sẽ cho ra uy lực đáng nể hơn rất nhiều so với pô slip-on.
Pô full-system trên R6 2017 của Akrapovic.
Về chất liệu pô độ, ở thời kỳ các hãng và các tay độ luôn tranh đua về việc giảm tối đa trọng lượng xe nên việc sử dụng chất liệu hợp kim titanium siêu nhẹ và bền. Ngoài ra, titanium cũng giảm đáng kể lượng nhiệt toả ra từ động cơ xe, thậm chí khi đạt độ nóng cao, chỉ cần ngừng động cơ một ít phút, ống pô sẽ trở nên nguội và dễ chịu hơn rất nhiều.
Và đặc biệt, chất liệu titanium được đốt với nhiệt độ cao sẽ có sắc xanh tím đặc trưng rất bắt mắt, đây cũng là một trong những đặc thù mà các bikers yêu thích. Với các ống pô ngắn, họng to và cổ pô to, âm thanh phát ra cực kỳ mạnh mẽ và uy lực với âm thanh sẽ thoát ra nhanh hơn so với ống pô dài.
Pô Slips-on SC Project trên V-Max 1700.
Ngược lại, các ống pô dài sẽ có âm thanh trầm ấm hơn, nhưng với các loại pô full-system lon dài, đặc biệt của Yoshimura thì âm thanh sẽ rất uy lực ở vòng tua cao và thì thầm êm ái ở vòng tua thấp.
Ngoại trừ “tuyệt phẩm âm thanh” Megafone của Akrapovic là không trang bị lớp nỉ bên trong lon pô, cho ra loại âm thanh cực “rát” như xe đua GP thì các loại pô khác vẫn sử dụng lớp nỉ nhằm đảm bảo âm thanh dù ở mức “gào thét” nhưng vẫn có được tiếng “bass” uy lực.
Với một số thông tin chia sẻ căn bản như trên, các biker có lẽ sẽ có cái nhìn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn ống pô, lựa chọn loại pô nhằm phù hợp với xế cưng của mình.
Webike – Tổng hợp