Tại Việt Nam xe máy đã ăn sâu vào đời sống người dân, không chỉ bây giờ mà ngay cả những thấp niên trước, xe máy vẫn là một loại thước đo sành điệu của nhiều người.
Hiện nay, những chiếc xe tay ga nhập khẩu đắt tiền hay mô tô phân khối lớn hầm hố giá vài trăm triệu đang là thời thượng, nhưng nếu so với thời điểm trên dưới 30 năm về trước, “các cụ” nhà chúng ta còn tỏ ra chịu chơi hơn nhiều vì lúc bấy giờ xe mua thường tính bằng “cây vàng”.
Honda 67 (Hông Đa 67) – SS50
SS50 – model 1967
Honda 67 chính là mẫu xe Honda SS50, được bắt đầu sản xuất tại Nhật Bản từ những năm 60 của thế kỷ trước. Honda SS50 có mặt tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975, chủ yếu phục vụ việc đi lại của tầng lớp thị dân.
Những chiếc SS50 phổ biến nhất thời bấy giờ được sản xuất vào năm 1967, do đó dòng xe này được người Việt gọi là Honda 67. Ngoài SS50, còn một số dòng khác, như SS50E (sản xuất năm 1971) và SS50V (năm 1972),…
SS50V – Model 1972
Với vẻ ngoài nam tính, khoẻ khoắn, có thể di chuyển được với vận tốc đến 90 km/h, Honda 67 là mẫu xe được ưa chuộng nhất tại Việt Nam những năm 70. Honda 67 còn có mặt cả trong những bộ phim nổi tiếng của Điện ảnh Việt Nam thời bấy giờ.
Ảnh trích từ phim Biệt Động Sài Gòn
Sau khi thống nhất Đất nước năm 1975, những chiếc Honda 67 bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở đất Bắc và chủ yếu được chuyển từ miền Nam ra dưới dạng xe máy cũ.
Chiếc xe thể hiện cho sự giàu sang trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn, gắn liền với hình ảnh những gia đình “có điều kiện”. Suốt những năm sau đó, Honda 67 trở thành biểu tượng và mục tiêu hướng đến của những thanh niên trẻ tuổi.
Honda Cub 70 (DD) – Đê Đê đỏ (Hông Đa Đê Đê)
Dân chơi xưa phải “bán đất mua xe” mới có thể sở hữu vì giá thời điểm đó xe có giá trị xấp xỉ 100m2 đất.
“Đê đê – DD” thuộc dòng xe Cub có dung tích 70cc của Honda và ra đời sau những chiếc Cub 50. Sở dĩ gọi Cub 70 là “Đê đê đỏ” bởi màu chiếc xe được sơn đỏ tươi, kết hợp với yếm màu trắng khiến chiếc xe có ngoại hình rất bắt mắt.
Trong khi những chiếc xe máy ở thời điểm đó thường có màu đen hoặc xanh đậm, thì sự xuất hiện của những chiếc “Đê đê đỏ” này đã lập tức thu hút người dân thành phố, tạo nên một bước ngoặt trong nhận thức giá trị “chơi xe” tại Việt Nam trong đầu những năm 80.
Khác hẳn với những chiếc Cub 50 sản xuất trước đó khi để giá inox “đèo hàng” ở phía sau, Cub 70 được thiết kế yên liền, đưa người ngồi sau (chủ yếu là nữ giới) lên một tầm cao mới, đến một quan hệ bình đẳng và trân trọng hơn. Do vậy, chiếc xe ngay lập tức trở nên “hot” với thế hệ người dân sành điệu thành thị.
Sự khác biệt của chiếc xe vào thời điểm đó không chỉ ở thiết kế mà còn bởi sự đắt đỏ của chiếc xe mang lại. Một chiếc “Đê đê đỏ” có thể bằng giá một mảnh đất 100m2 ở thành phố thời bấy giờ. Do vậy, những người sở hữu chiếc xe thời thượng này không chỉ là giới nhà giàu, mà còn rất chịu chơi.
Honda Dream Thailand – “Ghim Thái”
Đây chính là mẫu Honda Dream II nhập khẩu Thái Lan vào thời bấy giờ. Đầu những năm 90 xe thực sự là một biểu tượng nhà giàu với tên gọi là Dream Thái hay Dream Chiến. Với động cơ mạnh mẽ (100cc), vẻ ngoại cao ráo, thiết kế nam tính, Dream II đã ngay lập tức tạo nên một cơn sốt, soán ngôi của các dòng xe Cub trước đó.
Xe Dream II thời đó chính là một tài sản vô cùng lớn, có thể mua được hàng chục cây vàng và vài trăm mét đất, và đương nhiên là chỉ các “đại gia” mới có tiền để sắm. Chính vì vậy, xe Dream II suốt thời gian dài được coi như là một biểu tượng của sự giàu có, vương giả.
Dù vào khoảng cuối những năm 90, Dream bị sự cạnh tranh của rất nhiều mẫu xe từ các thương hiệu xe máy khác, nhất là xe Trung Quốc, Đài Loan, nhưng Dream Thái vẫn luôn là cái tên “chất lừ”. Một thanh niên tóc vuốt ngược, đi chiếc “Dream chiến tem lửa” trên đường phố chắc hẳn phải là một dân chơi thứ thiệt.
Thậm chí, dù Dream II đã dừng sản xuất tại Thái Lan từ lâu nhưng cho đến ngày nay, mẫu xe này vẫn được nhiều dân chơi săn lùng xe nguyên bản với giá lên tới cả trăm triệu đồng.
Suzuki FX 125 – Su FX (mẫu này không phải Xu Xì po)
Vào khoảng năm 2000, mẫu xe côn tay của Suzuki là FX 125 có mặt tại Việt Nam và lập tức được giới trẻ sành sỏi khi đó hết sức ưa chuộng. FX 125 gây ấn tượng bởi thiết kế khí động học hiện đại và thể thao hơn bất kỳ dòng xe số nào khi đó, kể cả “người anh em” là Su “xì-po” (RGV 120).
Khi mới ra mắt, chiếc xe thương hiệu Nhật Bản có giá bán khá “chát”, khoảng 35-40 triệu đồng, số tiền ở thời điểm đó có thể mua được gần 10 cây vàng. Do đó, FX125 nhanh chóng trở thành biểu tượng chất chơi, sành điệu của những thanh niên 7x, 8x đầu Thế kỷ 21.
Sau thành công của FX Nhật, Suzuki Việt Nam cũng tung ra thị trường FX liên doanh Thái Việt nhưng dòng xe này không được dân chơi đánh giá cao và ưa chuộng như xe Nhật dù giá rẻ hơn. Sau đó, mẫu xe này còn bị “tấn công” bởi hàng hoạt xe nhái “Made in China” giá rẻ khiến FX mất dần đẳng cấp.
Honda @ – “A còng”
Honda @ được đặt tên theo “trend” thời điểm mà mạng internet bắt đầu phát triển và là một trong chiếc xe tay ga ghi dấu ấn mạnh mẽ khoảng hai chục năm trước đây.
Chiếc xe thời điểm năm 2000 có giá lên tới khoảng 100 triệu đồng, vượt xa hoàn toàn so với những mẫu xe máy khác cũng như mức thu nhập trung bình của người dân. Thời điểm đó, Honda @ được coi là thước đo “độ chịu chơi” của chủ sở hữu. Thậm chí, là vũ khí đắc lực để các anh đi “cua gái”.
Honda @ còn đánh dấu sự xuất hiện của những mẫu xe ga cỡ lớn với bánh to và yên ngồi cao đã trở thành xu thế sau này. Sau @, Honda có những mẫu xe tương tự khác như Dylan, PS và đặc biệt là SH vẫn “hot” đến bây giờ.
Nguồn internet
Tags: xe cổxe cổ điển