X

Hướng dẫn kỹ thuật ôm cua với tốc độ 60 km/h dành cho biker

Bạn hay ôm cua ở tốc độ nào? Dưới 20km/h, chầm chậm quẹo, tuân thủ an toàn giao thông? Nếu đi trên đường bạn hứng lên muốn úp vỉa như các anh MotoGP thì phải làm sao? Tất nhiên xe Phân khối nhỏ thì không bì được với Phân khối lớn, đường đô thị cũng không bì nổi với đường đua. Nhưng nếu biết cách thì trông cũng tạm được.

Ôm cua nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại là sự kết hợp của nhiều yếu tố như tốc độ, góc nghiêng xe, góc đánh lái, trục cơ sở, đặc tính lốp, điều kiện mặt đường, kỹ thuật lái… Ở đây tôi sẽ bỏ qua các kỹ năng cơ bản giúp bạn vào cua an toàn, ví dụ như không được bóp phanh lúc vào cua hay trả số giảm tốc trước khi vào cua… vì đó đều là những kỹ năng lái căn bản. Tôi muốn giới thiệu ở đây hai kỹ thuật ôm cua giúp các bạn ưa thích tốc độ nhưng ngại ngã xe có thể thử ở khoảng 60km/h.

Trước khi đi vào kỹ thuật này, chúng ta hãy thử tìm hiểu mối liên hệ giữa góc nghiêng, tốc độ và bán kính ôm cua.

θ = arctan (v^2/gr)

Trong đó, θ là góc nghiêng xe so với trục thẳng đứng (radian), v là vận tốc (m/s), g là gia tốc trọng trường = 9.81 m/s2, r là bán kính ôm cua (m).

Nếu còn nhớ chút ít về kiến thức vật lý cấp III thì bạn sẽ dễ hiểu công thức này hơn. Đại khái là khi xe đi thành vòng tròn và nghiêng vào trong, trọng lực và lực ly tâm phải cân bằng nhau để xe không bị bay ra ngoài. Lấy ví dụ bạn ôm cua bán kính 10m ( chạy quanh bùng binh chẳng hạn) với tốc độ 20km/h (5.5 m/s) thì góc nghiêng xe sẽ là 17 độ, không đáng kể. Nhưng nếu bạn tăng tốc lên 40km/h thì góc nghiêng sẽ là 51 độ. Đối với vận tốc 60km/h, góc nghiêng sẽ là 71 độ. Cũng khá gần với tư thế của MotoGP rồi đấy.

Công thức này cho bạn biết góc nghiêng an toàn của mình đến đâu trong điều kiện lý tưởng và quan trọng hơn là giúp lường trước được tư thế của mình khi vào cua. Nhưng nếu bạn thật sự ôm cua 71 độ dưới gầm cầu ngã tư thì liệu có cơ may sống sót? Xin thưa có nhưng chắc cũng tàn tật. Lý do:

1. Đường cát bụi trơn trượt

2. Lốp bé, xe nhẹ, khung xe, giảm xóc không vững

3. Run tay, vặn ga không đều

Ngã người ôm cua

Vậy người nông dân sẽ làm gì? Chúng ta không thể úp vỉa quá sâu để khỏi trượt ngã nhưng nếu nghiêng quá ít thì không thể bo cua nổi. Giải pháp là giảm độ nghiêng của xe.

Ngã người về phía cần rẽ giúp xe đỡ nghiêng

Thay vì ngồi thẳng theo xe (giống như cách bạn thường vào cua), hãy nghiêng nhiều hơn về phía cần rẽ. Cách này được áp dụng trong đua xe chuyên nghiệp và là tư thế an toàn nhất trong các tư thế bó cua. Nghiêng người ra để đẩy xe về hướng ngược lại, làm như thế khiến góc nghiêng tổng không đổi nhưng bản thân độ nghiêng của xe lại giảm đáng kể, giúp lốp xe bám đường tốt hơn.

Cách ôm cua này an toàn khi đi trời mưa đường lầy lội hoặc đường nhiều bụi đất và đá dăm.Không cần thiết phải cực đoan như thế này

Thế này là chuẩn

Đánh lái nghịch hướng (Counter Steering)

Trước khi vào cua. đánh nhẹ tay lái sang hướng ngược lại để lấy đà sẽ giúp bạn bó cua mượt và vững hơn. Ví dụ bạn muốn rẽ sang trái, ngay trước khi rẽ hãy hất tay lái sang phải một chút rồi ngoặt lại. Cách ôm cua này tỏ rõ hiệu quả ở tốc độ cao, cho phép bạn ôm cua gắt hơn nhưng vẫn đảm bảo cân bằng cho xe. Nguyên nhân vì sao hãy xem hình vẽ.

Trong hình vẽ thể hiện vệt lốp xe khi áp dụng Counter Steering. Tại điểm trước cua, nếu bạn nghiêng xe ôm cua theo cách bình thường, 2 vệt lốp trước và sau sẽ nằm gần trùng khít với đường chấm chấm. Lúc này sự cân bằng của xe sẽ phụ thuộc vào công thức bên trên, và rủi ro như bên trên. Đường in đậm thể hiện hướng đi của bánh trước khi áp dụng Counter Steering. Với kỹ thuật này, 2 bánh xe sẽ song song xa nhau hơn, tạo ra thế chống đất vững chãi cho cú bó cua thần tốc của bạn.

Nghe có vẻ phức tạp nhưng thật chất kỹ thuật này bạn vẫn thường sư dụng mà không để ý. Lúc bạn đánh võng trên đường chính là lúc bạn đang Counter Steering. Tuy nhiên vì không nhận thức được sự có mặt của nó, bạn không hề biết mình có thể ôm cua tốc độ cao hơn bình thường thế nào.

Cụ thể cách thực hiện ra sao hãy xem clip sau:

*** Lưu ý: Các kỹ thuật này phải được tập từ chậm đến nhanh và phải thuần thục trước khi sử dụng trong thực địa. Chúc các bạn thành công.

Webike.vn

Theo Mannup