X

Đi xe máy qua đường ngập nước an toàn vào mùa mưa

Con đường ngập nước, và bạn vẫn cần điều khiển chiếc xe băng qua biển nước ấy! Làm sao để vượt qua mà không phải lội dưới dòng nước đục ngầu? Cùng Webike tham khảo một số chú ý giúp bạn cùng xe “lội nước an toàn”.

Xe máy của bạn

Việc đầu tiên, để bạn có thể vận hành ổn định, chiếc xe máy của bạn cần đảm bảo yêu cầu kỹ thuật tối thiểu. Một số phụ tùng trên xe cần đạt yêu cầu tối thiểu như:

– Chụp bu-gi cần đảm bảo đậy kín được đầu bu-gi. Tránh việc nước xâm nhập gây mất kết nối đánh lửa của bu-gi. Và chiếc bu-gi, bo-bin, IC của xe cũng đang hoạt động ổn định.

Chiếc bu-gi tốt cùng nắp chụp kín, bạn sẽ an tâm hơn khi trời mưa

– Lọc gió lấy khí nạp của xe được cách nước và sạch sẽ, không quá bụi bẩn gây ảnh hưởng việc lấy khí nạp.

– Động cơ tất nhiên phải hoạt động ổn định và “kín”. Không hỏng hóc gioăng máy, gioăng cổ pô,… để tránh việc nước có thể vào trong khoang động cơ.  

Cơ bản là chiếc xe của bạn phải đang hoạt động tốt. Và hãy chắc chắn vẫn còn đủ “nhiên liệu” bạn nhé. Nếu bạn không thể tự kiểm tra, hãy đến các địa chỉ bão dưỡng để tham khảo nhé.

Nguyên tắc qua đường ngập nước

Nếu đi trong đường phố, để điều khiển xe qua “vũng nước” ngập, bạn cần giữ ga với tốc độ chậm. Việc này giúp không văng nước tung tóe. Và bạn không bị ướt hoặc nghe những tiếng “trách móc” từ những người xung quanh.

Nếu mực nước quá cao, có thể hơn cả phần ống xả. Lúc này, bạn cần giữ ga ở mức cao hơn, để nước không thể lọt vào bên trong ống xả gây “chết máy”. Đồng thời áp suất trong khoang động cơ lớn hơn sẽ giúp giảm thiểu khả năng xâm nhập của nước.

Với mức ga lớn, tốc độ sẽ cao. Và với sự đông đúc của đường phố, cùng nhiều chướng ngại bất ngờ, bạn sẽ nhanh chóng phanh xe và “thòng ga”. Lúc này là lúc dễ dàng bị “tắt máy” xe và hiển nhiên hầu như bạn không thể khởi động lại động cơ. Vì thế, bạn cần giữ mức ga lớn, với tốc độ chậm(*).

(*)Để giữ mức ga lớn, nhưng vẫn với tốc độ chậm, bạn cần kết hợp phanh. Và cùng Webike tham khảo cách “giữ ga lớn với tốc độ chậm” cho từng loại xe khi bạn muốn “lội nước”:

Xe tay ga

Xe tay ga với thiết kế đơn giản cho việc vận hành. Bạn chỉ cần “vặn” tay ga để điều khiển lực tải / tốc độ của xe mà không cần phải qua cơ cấu chuyển cấp số. Tuy vậy, việc thuận tiện điều khiển này lại gây khó khăn khi bạn muốn “lội nước” với xe tay ga.

Giữ ga lớn, tốc độ xe sẽ cao. Và thiết kế xe tay ga với bánh xe đường kính nhỏ, cùng với các ốp tản gió lớn, việc giữ thăng bằng với xe khi lực cản của nước khá nhiều do tốc độ cao là rất kém. Bạn có thể dễ dàng chệch hướng, hoặc ngã xe. Trong trường hợp phải phanh lại do chướng ngại phía trước, đồng nghĩa với việc bạn không tiếp tục giữ ga. Lúc này, xe bạn dễ dàng tắt máy. Và trong “biển nước”, chắc hẳn bạn sẽ không thể “nổ máy” lại chiếc xe của mình.

Giữ ga đều, kết hợp phanh sau để đi chậm

Nếu buộc phải băng qua “biển nước” cùng xe tay ga, bạn nên sử dụng kết hợp phanh sau. Giữ ga lớn, đồng thời vận hành phanh sau giúp bạn di chuyển chậm, nhưng an toàn hơn. Ga lớn, nước sẽ không thể vào ống xả, động cơ, nên xe bạn vẫn hoạt động. Di chuyển chậm, bạn không phải phanh khẩn cấp và thòng tay ga, có thời gian để tránh những chướng ngại phía trước, lựa chọn và di chuyển vào điểm an toàn.

Bạn không nên sử dụng phanh trước, bởi tác động của lực phanh đến 80% trong việc làm chiếc xe dừng hẳn. Đồng thời, tay điều khiển phanh trước nằm phía tay điều khiển ga, bạn sẽ không muốn phải vừa giữ ga, vừa giữ phanh.

Cuối cùng, để điều khiển thuần thục, bạn nên có vài buổi tập. Việc tập luyện sẽ giúp bạn nhuần nhuyễn và không ngại những khi phải trực tiếp đưa xe vào “vùng ngập”.

Xe số và xe côn tay

Cấu tạo hệ thống truyền động của xe số giúp bạn chủ động hơn cho việc “lội nước”. Cơ cấu cấp số giúp bạn chọn tải phù hợp và vẫn có thể giữ ga lớn mà tốc độ xe không cao.

Việc thực hiện “lội nước” đơn giản là bạn trả về số thấp, có thể số 1 hoặc 2 để xe có lực tải lớn. Giữ tay ga để xe di chuyển chậm ổn định. Nếu cảm thấy nhanh, bạn có thể sử dụng thêm phanh sau.

Với xe côn tay, bạn có thể chủ động hơn trong việc giữ ga. Nhưng vẫn di chuyển chậm bằng tay điều khiển côn. Và các dòng xe côn tay thường có hệ thống ống xả vị trí tương đối cao hơn, nên bạn sẽ yên tâm hơn khi nước khó lọt vào ống xả.

Với xe số, có thể bạn vẫn sẽ ướt “giầy” do phải để chân điều khiển cần số và phanh. Nhưng bạn sẽ an toàn vượt qua vũng nước ngập sâu.

Và cuối cùng, bạn vẫn nên tập luyện để thuần thục trong việc di chuyển với cấp số thấp và giữ ga.

Bảo dưỡng xe sau khi băng qua đường ngập nước

Chiếc xe của bạn cần “khô ráo”, bởi các chi tiết kim loại sẽ dễ bị gỉ sét. Đồng thời, nước ngập trên mặt đường sẽ chứa nhiều loại chất thải, cặn, dầu,… dễ làm hỏng hóc các chi tiết trên xe.

Nếu không may xe bạn tắt máy giữa biển nước, bạn không nên khởi động lại động cơ. Hãy đưa xe đến vị trí khô ráo. Và chắc chắn nước đã ra hết khỏi ống xả, khoang động cơ, khoang lọc gió rồi hãy thử khởi động. Tốt hơn hết, bạn nên đưa xe vào một cửa hàng sửa chữa để họ làm “khô ráo”, vệ sinh cơ bản các chi tiết quan trọng. Và bạn nên thay một bình nhớt mới.

Xả nước trong ống “pô” là việc nên làm sau khi “lội nước”

Dù bạn có điều khiển xe qua được vùng nước ngập cao. Về đến nhà, bạn nên rửa lại xe bằng nước sạch. Vệ sinh lại các chi tiết như bu-gi, chụp bu-gi, lọc gió, phuộc giảm xóc trước sau, lốp xe, vành xe, may ơ, nhông sên dĩa nếu là xe số, hệ thống truyền động đối với xe tay ga… và đặc biệt là đùm bánh xe và bộ phanh. Bạn vẫn nên thay mới nhớt trong động cơ. Bởi bạn sẽ không chắc nước có vào được bên trong động cơ hay không?

Nếu có đầy đủ đồ nghề và biết kỹ thuật, bạn có thể tự thực hiện tại nhà. Hoặc bạn có thể đưa xe đến các tiệm sửa chữa uy tín để họ vệ sinh, thay thế các chi tiết hỏng hóc giúp bạn.

Việc tập luyện điều khiển chiếc xe là cần thiết. Để di chuyển qua vùng ngập, bạn cần giữ ga lớn và tốc độ chậm. Và nếu không quá gấp gáp, bạn nên trú mưa. Không nên điều khiển xe khi trời mưa, đường phố trơn trượt, để tránh những tai nạn không đáng có.

Với những thông tin tham khảo từ Webike, chúc bạn một “mùa mưa” di chuyển an toàn.

HBMT

Webike Việt Nam Tổng hợp

Ảnh: Internet

Tags: