X

Cách sửa chữa vết nứt vỡ với các chi tiết nhựa bằng hợp chất Plarepair

Nứt, vỡ những chi tiết bằng nhựa là điều thường thấy đối với xe máy. Và có rất nhiều cách sửa chữa để khắc phục vết nứt, hay chi tiết nhựa đã vỡ. Một trong những cách thức thường được các biker Nhật sử dụng, đó là “hàn” lại với hợp chất Plarepair.

Ngày nay, nhựa ABS – Acrylonitrin Butadien Styren được sử dụng khá nhiều trên xe máy. Các ưu điểm dễ thấy của vật liệu này như nhẹ, dẻo dai đồng thời bền chắc với thời gian. Tuy nhiên, với một va chạm đủ lực, hoặc nhiệt độ thay đổi quá lớn, các chi tiết nhựa này trên xe vẫn có thể nứt, vỡ. Và lúc này, giữa việc thay bằng một chi tiết mới hoặc sửa chữa là 2 lựa chọn dành cho biker.

Thay mới sẽ là cách thức dễ dàng, thuận tiện đối với một “túi tiền” đầy đủ. Và dòng xe của bạn là một trong những kiểu dáng mới, với đầy đủ phụ tùng thay thế.

Nếu xe bạn sử dụng đã “hết sản xuất”, hoặc chi phí mua mới quá đắt đỏ. Hay một việc mà nhiều biker “sưu tầm xe” rất chú ý, đó là màu sắc. Chắc chắn màu của chi tiết mua mới không “khớp” với màu “phai theo thời gian” của các chi tiết còn lại trên xe. Lúc này, lựa chọn còn lại là sửa chữa chi tiết đã bị nứt, vỡ.

Cách sửa chữa đơn giản

Cách sửa chữa đơn giản là việc hàn lại vết nứt, hoặc chi tiết đã vỡ. Nhưng, bạn đã bao giờ tự thực hiện?

Thông thường, bạn sẽ thường đem xe, hay ít nhất là chi tiết đã nứt vỡ đến một cửa tiệm. Sau đó nhờ họ “hàn” lại giúp bạn với một chi phí phù hợp mà bạn chấp nhận.

Dù là cách nào, bạn cũng sẽ có một bước quan trọng, là tháo chi tiết ra khỏi vị trí của nó trên xe. Và việc này đòi hỏi bạn phải cẩn trọng, để không làm “nặng nề” thêm sự hỏng hóc của chi tiết.

Tháo rời chi tiết nứt vỡ

Chi tiết bằng nhựa thường được kết nối bởi các “ngàm” bên cạnh các vít siết chặt. Mở các vít này tương đối dễ thực hiện. Tuy nhiên, việc tháo rời các ngàm khóa cần một lực nhất định. Việc này sẽ có thể làm phần nứt trên chi tiết rộng hơn.

Để hạn chế việc làm hỏng thêm chi tiết, hay đơn giản là có thể lấy chi tiết ra khỏi ngàm “nhẹ nhàng”, bạn có thể sử dụng một ít nhớt bôi trơn phun vào vị trí ngàm khóa. Hoặc bạn sử dụng các loại dung dịch chống gỉ sét như WD40, Liquid Molly,… Với lớp hợp chất tương tự như dầu nhờn, bạn sẽ dễ dàng “mở” ngàm khóa của chi tiết.

Tạo một “đường rãnh hàn chữ V” để gia cố vết nứt

Bạn cần tạo một đường “rãnh” mặt cắt hình chữ V với kích thước lớn hơn dọc theo vết nứt, vỡ. Diện tích đường rãnh này tùy thuộc vào độ “lớn” của vết nứt. Phần vát cạnh tạo diện tích đường rãnh, bạn vát với khoảng ½ – ⅔ độ dày của vật liệu chi tiết bị nứt. Và bề mặt cạnh vát của đường rãnh cần được làm phẳng mịn.

Quy trình tạo đường rãnh này không phải làm cho chi tiết bị hỏng nhiều hơn. Việc này giúp cho hợp chất “hàn” bạn sử dụng tạo hiệu quả kết dính tốt, và là nền tảng để bạn xử lý bề mặt chi tiết sau khi đã hàn vết nứt.

Bạn có thể sử dụng một chiếc máy mài loại nhỏ với đá mài chuyên dụng để thực hiện quy trình tạo rãnh.

Tiến hành “hàn” vết nứt vỡ với hợp chất Plarepair

Hợp chất Plarepair thường được các biker tại Nhật sử dụng để “hàn” các vết nứt vỡ của các chi tiết nhựa ABS và nhiều loại vật liệu nhựa khác. Bộ hóa cụ này bao gồm bột nhựa và “keo” kết dính. Độ cứng chắc của hỗn hợp tùy thuộc vào tỉ lệ pha trộn và dung lượng của hỗn hợp.

Cho một ít bột nhựa ra cốc. Bạn cân đối dung lượng tùy thuộc vào độ lớn của vết nứt.

Sau đó cho lượng keo kết dính tương ứng vào lượng bột nhựa trong cốc.

Với vết nứt trên chiếc cốp hông như hình ảnh bên trên, có thể cho 1 – 2 giọt keo vào lượng bột nhựa tương ứng trong hình

Cho hỗn hợp bột keo vào lấp đầy phần rãnh V đã tạo trên chi tiết. Hợp chất sẽ tạo liên kết chắc chắn với mặt vát đã được đánh bóng của chi tiết. Trong quá trình “lấp” bột keo vào rãnh, bạn có thể thêm keo bằng cách nhỏ giọt lên bề mặt hỗn hợp trong rãnh. Việc này giúp tăng cường độ liên kết giữa hỗn hợp: bột – keo – vật liệu chi tiết.

Công đoạn cuối cùng là việc giữ khô hỗn hợp. Trong quá trình đợi hỗn hợp bột keo khô và tạo liên kết chắc chắn. Bạn có thể sử dụng băng keo dính để giữ cố định 2 phần nứt vỡ của chi tiết. Cố định và ép sát 2 phần này để giúp liên kết được “kín”. Nếu có khoảng hở giữa bề mặt của lớp bột keo, bạn có thể sử dụng thêm bột keo “lỏng hơn” (với tỉ lệ keo nhiều hơn) để lấp đầy các khoảng hở này. Và tiếp tục đợi cho hỗn hợp “khô”.

Xử lý lại bề mặt “vết hàn”

Công đoạn này bạn có thể bỏ qua, nếu bề mặt bên ngoài chi tiết không bị ảnh hưởng. Hoặc bạn chấp chận với một vết “hàn” như vậy. Tuy nhiên, việc xử lý bề mặt sẽ giúp chi tiết trở lại với hình dạng ban đầu và mục đích là để nó vẫn đẹp.

Chi tiết đẹp cần có sự đồng bộ về màu sắc, chư cặp cốp hông của chiếc Yamaha SR400 này.

Bạn nên đánh bóng lại vết “hàn”. Sau đó sơn lại nó cho trùng màu với chi tiết. Việc sơn lại đúng màu cũng sẽ khá phức tạp. Tuy nhiên, cách đơn giản là bạn sơn lại cả chi tiết, không riêng diện tích bề mặt vết “hàn”.

Một số điều chú ý trong cách sửa chữa vết nứt vỡ với hỗn hợp bột keo

Cần hết sức cẩn trọng ở công đoạn tạo “rãnh”. Không để mất quá nhiều vật liệu của chi tiết. Đồng thời “rãnh” cần đủ diện tích để hỗn hợp kết dính tạo hiệu quả tốt nhất.

Bạn có thể sử dụng một số hợp chất khác nếu không tìm mua được Plarepair như các Biker Nhật Bản. Ở Việt Nam, keo AB thường được sử dụng. Loại keo này có thể liên kết không chỉ nhựa, mà còn nhiều vật liệu khác nhau như kim loại, gốm,… Hoặc bạn có thể sử dụng keo dán đa năng, keo dán 502,… pha trộn với một số loại bột nhựa để xử lý vết nứt trên chi tiết nhựa của bạn.

Việc tháo / lắp chi tiết thông qua các ngàm khóa, bạn nên sử dụng ít dầu nhờn. Hoặc chất có tính bôi trơn để thực hiện dễ dàng. Đồng thời kiểm tra cao su (thường đối với dạng ngàm trên các chi tiết như cốp hông của xe) có bị “lão hóa”, hư hỏng.

Việc sơn lại chi tiết sau khi xử lý vết nứt, bạn nên tham khảo các cách pha màu để đúng với màu sơn bạn muốn từ những thợ chuyên nghiệp.

Chúc bạn sẽ thực hiện dễ dàng việc sửa chữa vết nứt vỡ do vô tình đối với chi tiết nhựa trên xe bạn.

HBMT

Webike Việt Nam

Nguồn: Webike Moto News

Tags: