“Tôi mua lại một chiếc xe máy và làm mất giấy đăng ký xe. Hiện, tôi chỉ còn giữ giấy mua bán viết tay và số Chứng minh nhân dân của chủ xe cũ. Bộ Công an cho tôi hỏi, tôi muốn làm lại giấy đăng ký xe thì cần những thủ tục như thế nào?” – anh Nguyễn Văn Tới thắc mắc.
Trả lời người dân, Bộ Công an cho biết, việc này hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe. Cụ thể, Điểm g Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 15/2014 quy định chứng từ chuyển quyền sở hữu xe: Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.
“Theo nội dung bạn trình bày ở trên thì bạn phải liên hệ với chủ xe để làm lại giấy bán xe có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực”- Bộ Công an cho hay.
Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 15/2014 quy định về trách nhiệm của chủ xe: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
“Như vậy, để làm lại Giấy đăng ký xe, bạn phải đến cơ quan Công an (Công an quận/huyện) nơi bạn đang sinh sống để được hướng dẫn và làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe theo quy định”- Bộ Công an hướng dẫn.
Không lắp thiết bị giám sát hành trình bị phạt 1-2 triệu đồng
Trả lời một người dân hỏi về những loại phương tiện vận tải nào bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình, Bộ Công an trích dẫn Khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ.
Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn thiết bị giám sát hành trình.
Lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các xe chưa được lắp đặt trước ngày 1/12/2014 như sau:
a) Trước ngày 1/7/2015 đối với xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;
b) Trước ngày 1/1/2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;
c) Trước ngày 1/7/2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn;
d) Trước ngày 1/1/2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 07 tấn;
đ) Trước ngày 1/7/2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.
“Điều 24 Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định “phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với loại xe có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định”- Bộ Công an nhấn mạnh.
Kha Xuân Lộc/Dân Trí