Xe gắn máy được sử dụng với nhiều mục đích. Ngoại trừ các Biker là tay đua chuyên nghiệp, những ai sử dụng xe gắn máy để di chuyển thông thường hay du lịch đường dài cần lưu ý những điều sau để an toàn cho chính mình và người tham gia giao thông xung quanh.
1. Giữ khoảng cách giữa các xe
Khoảng cách an toàn giữa hai xe tối thiểu 2 đến 4 giây hoặc từ 1 đến 2 mét tùy lưu lượng giao thông sẽ giúp cho các biker có đủ thời gian để xử lý những tình huống “tai bay họa gửi” như: xe trước chết máy đột ngột, xe trước thắng gấp, hàng hoá rơi hay tai nạn bất ngờ…
2. Phanh (thắng) xe đúng cách
Trong một số trường hợp, người điều khiển xe sẽ phải phanh gấp, phanh đùa, phanh từ xa… nên việc luyện tập kỹ năng bóp phanh là rất quan trọng:
** Phanh sai gây nguy hiểm: chỉ bóp phanh trước hoặc chỉ bóp (đạp) phanh sau ở tốc độ cao hay tốc độ thấp (đường trơn) sẽ dẫn đến nguy hiểm vì tác động của lực quán tính làm xe nhủi đầu hay lết bánh gây tai nạn.
*** Phanh đúng cách:
Phanh trước và sau cùng lúc: đây là thao tác phanh thông thường có độ an toàn cao được các hãng xe máy khuyên dùng. Nhưng cần phải nắm rõ kỹ thuật. Khi phanh biker sẽ bóp nhẹ (đạp đối với xe số, côn tay) đến mạnh dần phanh sau. Sau đó, bóp tiếp phanh trước cũng với thao tác chậm rồi mạnh dần. Tiếp tục tăng mức tối đa cả hai phanh trước sau để xe dừng lại. Khi thực hiện thuần thục thao tác này xe sẽ dừng lại ở độ cân bằng hoàn hảo nhất ít gây tai nạn.
3. Quẹo cua phải giảm tốc
* Đây là kỹ thuật thô sơ nhất nhưng thường bị bỏ qua vì thói quen người điều khiển:
Khi cua xe tức là biker đang điều khiển xe theo đường cong hoặc nửa đường tròn. Lúc này xe hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi lực li tâm nếu không giảm tốc rất dễ gây trượt bánh, mất lái và văng khỏi cua, lao xe theo hướng xiên ra khỏi vòng cua (ở những cua đường đèo sẽ vô cùng nguy hiểm vì xe sẽ dễ băng ra hướng triền đèo).
Nên khi vào cua biker cần phải giảm tốc đều dần sau khi hết cua tăng tốc lại cũng đều dần sẽ đạt mức an toàn cao nhất.
4. Chuẩn bị tâm lý giảm tốc, phanh xe ở giao lộ
Điều này rất dễ hiểu vì sẽ không ai báo trước cho bạn có bao nhiêu người vượt ẩu khi bạn đang cố băng qua giao lộ.
5. Làm chủ tốc độ
Rất nhiều tình huống gây tai nạn như: mất cảm giác do tê tay, kỹ năng giữ ga không tốt hay háu thắng, mê tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu…tất cả đều gây ra nguy hiểm cho chính người lái và người xung quanh. Vì thế nên việc tập luyện điều tiết tay ga để giữ tốc độ hợp lý, và tâm lý không phóng nhanh vượt ẩu cần được biker chú ý nhiều nhất.
6. Hãy quan sát địa hình xung quanh
a. Hãy học thuộc những chướng ngại vật, hẻm nhỏ thông đường trên những con đường quen sẽ giúp biker hạn chế được những va chạm không đáng có hay có xe phóng từ hẻm ra một cách bất ngờ.
b. Đối với cung đường lạ hãy tập quan sát những chướng ngại vật từ lớn đến nhỏ trong tầm mắt để kịp thời xử lý những tình huống như đường gồ ghề, lô cốt, ụ đường, đường cào nhựa, đường trơn…
*** Ở Việt Nam tâm lý sợ cảnh sát giao thông sẽ gây ảnh hưởng lớn cho việc xử lý tình huống (thường ở phụ nữ). Hãy chắc rằng mình thực hiện đầy đủ luật định thì sẽ không ngại bị CSGT dừng xe.
7. Chạy xe đúng chức năng, trong tầm điều khiển
Dĩ nhiên với một chiếc xe không phù hợp thì việc xử lí tình huống trên đường sẽ rất ngớ ngẩn, đôi khi dẫn đến sự nguy hiểm cho tính mạng biker.
*** Hãy chắc rằng biker đang chọn một chiếc xe không quá to hay quá nhỏ so với cơ thể, một chiếc xe biker phải hiểu rõ tính năng và kỹ thuật lái, cuối cùng biker nên chọn một chiếc xe phù hợp với địa hình đang di chuyển nếu biker có kế hoạch phượt đường dài.
8. Trang bị đồ bảo hộ
Tối thiểu bạn phải có một chiếc nón bảo hiểm đúng quy chuẩn khi tham gia giao thông vì vùng đầu rất dễ bị chấn thương. Riêng đối với phượt thủ: Trang bị gối tay, gối chân hoặc áo bảo hộ nếu có thể.
*** Biker nên lưu ý chọn trang phục sao cho phù hợp với cơ thể tránh tình trạng quá chật quá rộng gây mất thoải mái khi lưu thông.
Webike.vn
Ảnh: internet