Ở thời điểm này, cả nước chỉ có một doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu phục vụ cho việc phối trộn xăng sinh học E5.
Từ ngày 1-1-2018, tức chưa đến hai tháng nữa sẽ khai tử toàn bộ xăng A92. Thay vào đó trên thị trường chỉ còn xăng sinh học E5 và xăng A95.
Thời điểm thực hiện chủ trương trên của Chính phủ đã rất gần nhưng nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia lo lắng sẽ thiếu xăng A95 cung cấp cho thị trường. Đáng lo hơn là có thể xảy ra tình trạng độc quyền trong việc cung cấp nguyên liệu chế biến xăng sinh học khiến người tiêu dùng (NTD) lãnh đủ.
Lo thiếu xăng A95
Sở Công Thương TP.HCM mới đây đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng nêu rõ hiện nay các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước đóng cửa, hoạt động cầm chừng do nguồn nguyên liệu vào và đầu ra không ổn định, nguồn cung ethanol dùng để pha chế xăng sinh học E5 không ổn định. Hệ quả là dẫn đến chi phí thu mua, chế biến, tỉ lệ hao hụt cao trong quá trình bảo quản nên chi phí sản xuất ethanol cao, dẫn đến giá thành xăng sinh học E5 cao.
Mặt khác, hiện nay giá xăng dầu trên thế giới đang giữ ổn định sau khi tăng kể từ tháng 11-2016 và có xu hướng giảm. Do vậy nhiều DN kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh nhập khẩu dự trữ, xuất kho tiêu thụ xăng khoáng A92, A95 hiệu quả hơn so với việc tiêu thụ xăng sinh học E5.
“Việc kinh doanh xăng sinh học E5 triển khai thực hiện thí điểm trên phạm vi một số tỉnh, thành không đồng bộ và kịp thời ảnh hưởng không nhỏ đến việc phân phối xăng sinh học E5” – Sở Công Thương TP.HCM đánh giá.
Do đó cơ quan này cho rằng trường hợp thay thế 100% xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5, NTD sẽ có xu hướng quay sang sử dụng xăng A95, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng xăng A95 tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung.
Cùng chung nhận định, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp thương mại Củ Chi dự báo khi xóa sổ xăng A92, khách hàng sẽ chuyển sang dùng A95 nhiều hơn, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng lên. Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cũng nhận định dù xăng E5 đang được bán song song cùng xăng khoáng A92, tuy nhiên NTD vẫn chưa thật sự mặn mà với loại xăng này khi tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường mới chỉ đạt 9% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng.
Do đó việc khai tử hoàn toàn xăng khoáng vào đầu năm 2018, thay vào đó là các trạm nhiên liệu cung cấp xăng sinh học E5 có thể giúp cho NTD phần nào chấp nhận chuyển sang dùng loại nhiên liệu này. Nhưng sẽ không tránh khỏi việc một bộ phận người dùng chuyển hẳn sang xăng A95, nhất là các ô tô.
Điều này có nghĩa nếu không có sự chuẩn bị quyết liệt có thể sẽ thiếu xăng A95.
Độc quyền, người dùng sẽ chịu thiệt
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex Trần Ngọc Năm khẳng định sẽ phấn đấu đáp ứng nguồn xăng A95 nếu nhu cầu về loại xăng này gia tăng khi xóa sổ xăng A92. “Đây là mặt hàng mà tập đoàn đã kinh doanh lâu năm, cho nên chúng tôi có khả năng đáp ứng nguồn cung” – ông Năm tự tin.
Đi vào cụ thể hơn, lãnh đạo Petrolimex cho hay để chuẩn bị đủ ethanol phục vụ nhu cầu tiêu dùng, tập đoàn đã xác lập hai phương án tạo nguồn. Thứ nhất, ưu tiên mua nguồn ethanol từ sản xuất trong nước khi các nhà máy đáp ứng các yêu cầu về tiến độ, số lượng, chất lượng cùng các điều kiện giao, nhận, giá bán cạnh tranh. Thứ hai, nhập khẩu khi nguồn cung ethanol không đáp ứng các điều kiện trên.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại lo ngại có thể xảy ra độc quyền trong cung ứng ethanol. Bởi xăng E5 phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung ethanol và để thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5, mỗi năm cần hơn 275.000 m3 nguyên liệu ethanol.
Trong khi đó, hiện nay Công ty TNHH Tùng Lâm là đơn vị duy nhất cung cấp ethanol phục vụ cho việc phối trộn nhiên liệu sinh học cho các đầu mối xăng dầu trên cả nước với năng lực sản xuất chỉ đạt gần 200.000 m3 ethanol/năm, tức vẫn còn thiếu khoảng 75.000 m3 nguyên liệu ethanol.
Khi chỉ một công ty cung ứng cho cả nước thì khó tránh việc “một mình một chợ” khiến thị trường xăng E5 không có nhiều nguồn cung cấp như xăng A92, dẫn đến khả năng độc quyền và NTD bị thiệt.
Để phá thế độc quyền và không bị phụ thuộc vào một nguồn cung ethanol duy nhất, cần phải đưa các nhà máy nhiên liệu sinh học tại miền Trung và Bình Phước hoạt động trở lại để làm đối trọng. Đáng tiếc là theo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, hiện nay các nhà máy trên đều trong trạng thái tạm dừng hoạt động, chờ phê duyệt để khởi động lại. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu này phụ thuộc lớn vào thời tiết và người sản xuất nên có thể không ổn định về sản lượng, giá cả, gây ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả xăng.
Từ thực tế trên, đại diện Sở Công Thương TP.CM cho rằng trường hợp đồng loạt khai tử xăng A92 thì cần có kế hoạch, lộ trình phân kỳ cụ thể phương án đầu tư bồn bể, nhập khẩu, dự trữ nguồn xăng khoáng A95 hợp lý. Qua đó tránh thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến thị trường.
Chưa hấp dẫn người dân, doanh nghiệp
Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã có một số DN có văn bản đề nghị tạm ngưng kinh doanh xăng E5 do lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.
Cụ thể, hiện nay tỉ lệ chiết khấu xăng sinh học E5 chỉ 1.000-1.600 đồng/lít, không thật sự hấp dẫn để các DN kinh doanh xăng dầu tự giác chuyển đổi. Hơn nữa, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng A92 không nhiều (E5 thấp hơn A92 230 đồng/lít), chưa thật sự hấp dẫn và khuyến khích sử dụng cho người kinh doanh và NTD.
Từ thực tế trên, Sở Công Thương cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, phí, môi trường… để giảm giá thành nguồn ethanol; giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000-2.000 đồng/lít, tạo được yếu tố hấp dẫn, khuyến khích NTD sử dụng.
Theo Tú Uyên
Pháp luật TPHCM