Theo dự thảo đề án “tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TPHCM”, chính quyền sẽ tổ chức phố đi bộ ở 5 tuyến đường (dự thảo): Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách.
Ngày 24/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án “tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TPHCM”. Đề án do Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư xây dựng.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn – chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề án cho biết, đề án này thực hiện nghiên cứu phố đi bộ trên một số tuyến đường khu trung tâm thành phố giai đoạn 2021-2025 theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu (930ha).
Trong đó phương án tổ chức phố đi bộ ở 5 tuyến đường là Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. Các tuyến đường này vẫn cho phép một số phương tiện giao thông đi lại vào các ngày trong tuần và cấm tất cả các phương tiện lưu thông vào các ngày cuối tuần.
Việc tổ chức phố đi bộ trong khu trung tâm giúp giải quyết ùn tắc, ô nhiễm tiếng ồn, tạo mỹ quan đô thị, phục vụ kinh tế – du lịch…
Khi triển khai đề án, Sở GTVT TP đề xuất chia nhiều giai đoạn, bố trí lại giao thông, cải tạo các tuyến xe buýt và cải thiện cơ sở hạ tầng như bãi đậu xe, nút giao và lối sang đường…
Góp ý cho đề án, nhiều đại biểu khẳng định ủng hộ chủ trương đề án bởi là xu hướng tất yếu, phù hợp việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tuy nhiên, đơn vị nghiên cứu cần làm rõ nhiều vấn đề như quy hoạch các bãi đỗ xe, quản lý an ninh trật tự, sinh kế người nghèo trong khu vực…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM lo ngại khi còn nhiều hàng quán, hàng rong tự phát dọc các tuyến phố gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, chênh lệch giá cả giữa “khách ta với khách tây”.
Từ tình hình thực tế của 2 tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện, luật sư Hậu cho rằng việc bố trí bãi xe chưa phù hợp, quá tải và giá giữ xe quá đắt; ô nhiễm tiếng ồn…
Theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, nếu tổ chức phố đi bộ cần đặc biệt lưu ý hỗ trợ đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em thông qua việc bố trí các trạm dừng đỗ taxi, xe điện đón khách đi bộ trung chuyển đến những khu vực khác.
Trong khi đó, Thiếu tướng Phan Anh Minh – nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM – băn khoăn vì khu vực các tuyến phố có hàng chục công trình lớn như công sở, bệnh viện, trường học, trụ sở UBND TP… Nếu ưu tiên đi bộ thì bệnh nhân đến Bệnh viện Sài Gòn hoặc khách đến UBND TP cũng phải đi bộ hay sao?
Ngoài ra, các tuyến phố sẽ thu hút khách vãng lai đến, tạo nguy cơ mất an ninh trật tự. Cấm đường sẽ gây khó khăn cho người dân quanh khu vực…
Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đề nghị nên nghiên cứu kỹ về phương án tổ chức giao thông, phân luồng, bố trí các bãi đỗ xe. Cùng với đó, cần nghiên cứu phân bố các tuyến phố đi bộ ở những khu trung tâm mới nhằm “giãn dân”.
TPHCM hiện có 2 phố đi bộ là Nguyễn Huệ và Bùi Viện. Đường Nguyễn Huệ dài 670m bắt đầu từ công viên bến Bạch Đằng đến trụ sở UBND TPHCM, được đầu tư thành quảng trường đi bộ đầu tiên của Việt Nam từ năm 2015. Trong giai đoạn đầu, đường Nguyễn Huệ chỉ thực sự là phố đi bộ vào 2 tối thứ bảy và chủ nhật (từ 18-23h), trong thời điểm này cấm các loại xe lưu thông.
Phố đi bộ Bùi Viện chính thức được khai trương vào tháng 8/2017. Phố này được gọi là Phố Tây vì nơi đây thu hút một lượng lớn các du khách nước ngoài. Hiện nay con phố đã kéo dài từ mũi tàu đường Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo đến đường Cống Quỳnh (dài 400m).
Mới đây, quận 10 cũng khai thác tuyến phố đi bộ đêm tại khu vực tượng đài Quang Trung. Còn quận 3 thì muốn tổ chức phố đi bộ ở Hồ Con Rùa và tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền.
theo Dân Trí