Webike.vn xin chia sẻ đến bạn đọc những vấn đề thường gặp trong quá trình sử dụng xe máy điện. VinFast với mẫu xe Klara đang khiến thị trường xe điện sôi động trở lại, tuy nhiên các vấn đề mà loại xe này thường gặp vẫn tồn tại và người dùng nên biết.
Thị trường xe máy điện tại Việt Nam chưa sôi động nhưng sau sự xuất hiện của mẫu Klara từ VinFast, đã có nhiều người dùng chú ý đến dòng sản phẩm này hơn.
Xe điện có ưu điểm lớn nhất là thân thiện với môi trường nhưng cũng có nhiều điểm cần lưu ý khi sử dụng. Dưới đây là một số điểm:
Lỗi tay phanh
So với xe máy chạy xăng, xe điện có điểm khác biệt cơ bản là ở hệ thống phanh. Xe điện được trang bị công tắc ngắt động cơ khi bóp phanh, đảm bảo an toàn khi vận hành cũng như giúp giảm tiêu hao năng lượng. Điều này phát sinh lỗi kẹt công tắc ngắt động cơ ở tay phanh trong quá trình sử dụng, khiến xe giống như bị hỏng hệ thống điện, nhưng thực tế là lỗi ở tay phanh.
Thị trường xe điện dự kiến sẽ nóng lên với sự góp mặt của VinFast
Lỗi này đặc biệt xảy ra nhiều ở Việt Nam, bởi môi trường giao thông đông đúc, phải sử dụng phanh rất nhiều, dẫn tới dễ kẹt công tắc ngắt động cơ. Để khắc phục điều này, nhiều người sử dụng xe điện đã tiến hành ngắt công tắc này trên tay phanh.
Xe sẽ vận hành tốn năng lượng hơn, bởi khi phanh, mô tơ điện vẫn tiếp tục hoạt động và truyền lực tới bánh sau của xe, tuy nhiên sẽ không còn lỗi kẹt công tắc ở tay phanh nữa.
Trên mẫu xe VinFast Klara, công tắc ngắt động cơ trên tay phanh tiếp tục được trang bị giống như các mẫu xe điện khác, đây là trang bị tất yếu giúp Klara có thể đạt con số 80 km quãng đường tối đa đi được, nhưng cũng tiềm ẩn lỗi kẹt công tắc ngắt động cơ ở tay phanh.
Hiện tượng lỗi phanh tay không xa lạ với xe điện, do kẹt công tắc ngắt động cơ trên tay phanh.
Vận hành xe điện đúng cách
Hạn chế bóp phanh khi không cần thiết, việc này sẽ làm động cơ bị ngắt liên tục, dễ dẫn đến kẹt công tắc ngắt động cơ trên tay phanh, tốn nhiều năng lượng hơn khi vận hành.
Khi muốn giảm tốc, nên giảm tay ga và đến lúc cần thiết hãy bóp phanh nhẹ nhàng trong 1 nhịp. Việc nhấp nhả phanh như sử dụng xe máy chạy xăng là hoàn toàn không tốt đối với việc sử dụng xe điện, dễ dẫn tới hỏng hóc như đã nói ở trên, và tốn năng lượng nhiều hơn.
Xe điện có mô men xoắn rất lớn và tức thời, đây là ưu điểm của xe điện so với xe máy chạy xăng. Khi vặn ga, nên chú ý vặn nhẹ nhàng. Nếu vặn mạnh tay ga, xe sẽ lao rất nhanh về phía trước, dễ mất kiểm soát và gây nguy hiểm cho người điều khiển cũng như người xung quanh. Đây là điều cần lưu ý, khi xe điện thường được sử dụng bởi đối tượng không nhỏ là học sinh.
Xe điện có ưu điểm là mô men xoắn lớn và tức thời.
Nhiều xe điện có quãng đường di chuyển khá dài, khoảng 70-100 km mỗi lần sạc đầy. Tuy nhiên không nên vận hành xe điện liên tục trong suốt cả quãng đường dài như vậy, sẽ khiến hệ thống pin và mô tơ bị quá nhiệt, giảm tuổi thọ, thậm chí gây cháy nổ. Nên cho xe nghỉ để làm giảm nhiệt độ pin cũng như mô tơ điện, mỗi khi di chuyển được từ 20-25km.
Đừng dại dùng xe điện lội nước
Cho dù nhiều hãng xe giới thiệu tính năng lội nước của những sản phẩm xe điện, nhưng cũng giống như smartphone sở hữu tính năng chống nước, không hãng nào bảo hành cho việc xe điện bị hỏng khi lội nước. Xe điện vì vậy vốn dĩ sinh ra để chạy trên đường, chứ không phải lội nước.
Hệ thống điều khiển điện tử của xe là phần nhạy cảm nhất đối với nước, nếu dính nước ở phần này, coi như trái tim của xe ngừng đập và nó sẽ không thể vận hành được nữa. Khi rửa xe, cần hết sức tránh phun trực tiếp nước vào nơi đặt hệ thống điều khiển điện tử.
Trước khi VinFast có mặt, thị trường xe điện phần lớn là xe nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hệ thống pin hay ắc quy cũng khá nhạy cảm với nước, tuy nhiên nó có thể được bọc kín và chịu được nước ở mức độ nhất định. Nếu để pin hay ắc quy ngâm nước, cách duy nhất là thay thế linh kiện mới.
Mô tơ điện của xe điện được đặt ngay ở phần bánh sau, cũng sẽ là nơi tiếp xúc với nước khi xe lội nước. Bộ phận này cũng có thể được xử lý chống nước phần nào, tuy nhiên nó sẽ bị nước làm hư hại dần dần, dẫn đến hỏng hoàn toàn trong quá trình sử dụng. Ở một số trường hợp xe điện lội nước, mô tơ điện có thể hỏng ngay lập tức nếu bị chập điện.
Hệ thống dây điện về cơ bản cũng đã được bọc chống nước kỹ càng, nhưng sau một thời gian sử dụng, dây điện có thể bị hư hại, dẫn tới có thể chập điện khi gặp nước.
Lưu ý với ắc quy và pin lithium-ion
Đối với xe điện sử dụng ắc-quy, thời gian linh kiện này cần thay thế là khoảng 2 năm sử dụng đối với các ắc-quy thông thường, tương đương với 350-500 lần sạc. Thực tế sử dụng, ắc-quy yếu sau khoảng 1 năm sử dụng, mất đi khoảng 60-80% năng lượng khi sạc đầy, khiến quãng đường di chuyển bị ảnh hưởng nặng nề.
Để kéo dài tuổi thọ của ắc-quy, không nên sạc quá nhiều lần, nên canh thời gian sạc đầy để ngắt nguồn điện, để giúp ắc quy bền hơn và giảm hiện tượng phồng ắc-quy. Tốt nhất nên để xe gần hết ắc-quy (dựa vào đồng hồ báo lượng pin còn lại) và sạc 1 lần cho đầy pin rồi rút điện. Tránh để ắc-quy cạn kiệt điện rồi mới sạc, cũng rất nhanh làm chai ắc-quy.
Chi phí thay ắc-quy cho xe điện là không hề rẻ, khoảng 1,5 triệu đối với bộ bình 48V-12Ah, 2 triệu với bộ bình 48V-20Ah và 2,5 triệu đối với bộ bình 60V-20Ah, với điều kiện mang bình ắc-quy cũ tới đổi bình mới.
VinFast Klara sử dụng bộ 5 bình ắc-quy, tổng cộng 60V-20Ah, có chi phí thay cũng khoảng 2,5 triệu đồng. Đối với các xe điện thông thường, 1 năm sử dụng là phải thay ắc-quy mới để có thể vận hành gần như lúc mới mua xe.
Pin và ắc-quy là mối lo lớn nhất đối với những chiếc xe máy điện
Được cho là công nghệ cao hơn so với ắc-quy, pin lithium-ion nhẹ hơn nhưng cũng có nhược điểm là sinh ra nhiều nhiệt trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi sạc pin. Việc sạc pin có thể gây ra hiện tượng cháy nổ đối với xe điện, điều không hiếm gặp ở thị trường Trung Quốc, được cho là thiên đường của xe điện. Nên cẩn thận khi sạc, chọn nơi khô mát để sạc, tránh sạc khi không có người ở nhà và tránh sạc quá tải cho pin, để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Pin lithium-ion cũng sẽ chai và khiến quãng đường di chuyển khi sạc đầy giảm đáng kể sau 1-2 năm sử dụng, tùy vào cách sạc pin và vận hành xe. Tránh sạc pin ngay khi vừa sử dụng xe, pin còn nóng sẽ dễ dẫn tới quá nhiệt và phồng pin.
Chi phí thay pin lithium-ion cho xe điện là 10 triệu đồng đối với pin LG/Samsung loại 60V và 15 triệu đồng đối với pin Panasonic.
Về cơ bản, việc thay pin hay ắc-quy trên xe điện cần tiến hành sau từ 1-2 năm, và chi phí thậm chí bằng 1/2 giá của chiếc xe điện mua mới. Chính vì thế, xe điện nếu sử dụng giữ, đi 1 năm mất nửa giá trị.
Đây cũng là sự khác biệt lớn so với xe máy chạy xăng, vốn giữ giá hơn khá nhiều, nếu trực tiếp so ở thời điểm 1 năm sử dụng. Thậm chí, xe máy sau 1 năm sử dụng còn chưa phải sửa chữa gì nhiều ngoài việc thay dầu nhớt đúng hạn.
Webike.vn – Tổng hợp
Theo Zing
Tags: Vinfastxe điện