X

Phải làm gì khi gặp phải người bị tai nạn giao thông

Tiến hành sơ cứu cho nạn nhân mới là điều quan trọng nhất chứ không phải dựng xe máy, xe đạp dậy để đỡ tắc đường.

Khi tham gia giao thông trên đường thì không ai mong muốn tai nạn xảy ra. Dù có điều khiển hay không điều khiển phương tiện thì việc xảy ra tai nạn là điều khó tránh khỏi, có thể từ những nguyên nhân chủ quan hay khách quan, do mình hoặc do người khác cho nên chẳng có ai tài giỏi hơn ai mà tránh được cả.

Ngoài việc chấp hành quy định pháp luật về giao thông đường bộ, chúng ta cần phải trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như: tầm nhìn ra xa và rộng, phán đoán hướng đi của các phương tiện và vật thể, nguy cơ va chạm và đặc biệt là luôn lái xe trong tư thế phòng thủ, luôn chuẩn bị tinh thần để xử lý mọi tình huống giao thông trong khả năng của mình.

Biết là vậy, tuy nhiên một khi gặp phải tai nạn, hoặc thấy người bị tai nạn chúng ta phải xử lý thế nào. Từ việc theo dõi những video clip trên internet, tôi thấy đa số người giúp đỡ người bị tai nạn không đúng cách, dẫn đến khả năng người bị tai nạn có thể gặp chấn thương nặng hơn hoặc có thể dẫn đến tử vong ngay lập tức.

Tôi không không hiểu vì sao một số người khi thấy người khác bị tai nạn giao thông, việc đầu tiên không giúp đỡ người bị nạn mà lại dựng xe máy, xe đạp của nạn nhân lên, trong khi xe không đè lên người nạn nhân, phải chăng là tránh tắc đường.

Thay vào đó, nên giúp đỡ người bị nạn trước, tình hình ổn định không nguy hiểm thì mới dựng xe giúp người, nếu nguy hiểm thì gọi xe cứu thương chở nạn nhân đi cấp cứu và giữ nguyên hiện trường để công an tiến hành làm việc.

Trường hợp nạn nhân bị thương nặng, ngoài việc gọi cứu thương ngay lập tức, thì việc cần thiết đầu tiên là sơ cứu cho nạn nhân. Sơ cứu như thế nào là đúng cách, trong chúng ta chắc rất ít người nắm rõ, kể cả tôi. Tuy nhiên, tôi xin chia sẻ một vài thao tác sơ cứu giúp nạn nhân mà hạn chế việc làm nguy hiểm đến tính mạng người bị nạn.

Trường hợp nạn nhân còn tỉnh táo, quan sát thấy bị gãy tay, gãy chân thì có thể tiến hành nẹp cố định tay, chân của nạn nhân bằng hai thanh ván, gỗ thẳng. Nếu nạn nhân bị vết thương chảy máu nhưng không phun thành tia, băng bó caro (hoặc vải sạch) tại vết thương. Nếu nạn nhân bị vết thương chảy máu phun thành tia, băng bó caro từ phía trên vết thương khoảng 5cm (băng bó gián tiếp ngăn động mạch).

Trường hợp nạn nhân bị thương nặng, bất tỉnh, cần đặt nạn nhân nằm yên tại chỗ để tránh biến chứng nguy hiểm tính mạng nếu nạn nhân bị thương ở cổ hoặc đầu, xương sống. Khai thông đường thở, như tháo bỏ khẩu trang, mũ bảo hiểm, cần thiết hô hấp cho nạn nhân nếu thấy có nguy cơ ngừng thở.

Đặc biệt trường hợp người thân quen bị tai nạn, chúng ta sẽ rất hoảng hốt mà bế thốc nạn nhân dậy, điều đó vô tình gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân. Chúng ta nên cố gắng tránh làm điều đó. Nén đau thương, hãy bình tĩnh để cấp cứu trước đã các bạn nhé. Tôi có một vài chia sẻ nhỏ như vậy, ai chưa biết thì tham khảo, ai đã biết thì xin cảm ơn vì bạn sẽ cứu được nhiều người đấy. Chúc mọi người tham gia giao thông an toàn và rất mong sự góp ý của mọi người.

Độc giả Nguyễn Bảo Viên