Liệu bạn đã từng băn khoăn cụm từ CB trong CB750 có ý nghĩa là gì, hay tại sao các dòng xe BMW ADV lại có tên mã GS? MV Agusta đại diện cho thứ gì? Bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp cho bạn những thắc mắc đó.
hực tế có tới hàng ngàn dòng sản phẩm mô tô khác nhau có mặt trên thị trường, chưa kể việc một dòng xe có thể có nhiều tên gọi khác nhau tại các thị trường khác nhau, vậy nên khó có danh sách nào có thể tổng hợp hết chúng lại. Một số thì sử dụng tên riêng như Hayabusa, Ninja, Fireblade hay Multistrada nên người viết cũng không đụng tới chúng.
Thường thấy nhất trên thị trường mô tô là dạng tên kết hợp giữa ký tự và số, chẳng hạn như Yamaha Virago XC1100. Phần số trong những cái tên loại này thường dùng để ám chỉ phiên bản, cấu hình hoặc thông dụng nhất là dung tích động cơ. Lấy ví dụ, dòng Yamaha R1, R6 và R3 thể hiện các phiên bản 1.000 cc, 600cc và 300cc, trong khi Suzuki và Honda thường ghi rõ ràng dung tích ngay trong tên gọi xe như GSX R600, CBR600RR (đều có dung tích 600 cc).
Vậy các ký hiệu trong tên gọi xe có ý nghĩa là gì? Thường thì chúng là viết tắt của cụm từ nào đó thể hiện mục đích xe được chế tạo hoặc cảm hứng mà hãng phát triển xe từ đó. Suzuki GSX-R là cụm từ viết tắt của “Grand Sport eXperimental Racing” – Siêu xe đua thể thao thử nghiệm, Honda CB là City Bike – Mô tô đô thị còn CBR là City Bike Racer/Racing – Mô tô đua đô thị.
Nói thêm về Honda, cụm ký hiệu RR mà họ sử dụng trên 1 số phiên bản xe không có ý nghĩa gì cả, chúng chỉ thể hiện dòng mô tô đó thuộc phân khúc thể thao mà thôi. Tuy nhiên, với Ducati, RR lại có nghĩa “Race Replica” – bản sao của một dòng mô tô đua thực thụ.
Ngoài ra, một số hãng xe còn chọn đặt tên sản phẩm của mình để gợi nhớ về các dòng xe cũ, hay thậm chí “móc máy” đối thủ chẳng hạn như chiếc Suzuki Hayabusa. “Hayabusa” là một loài chim săn mồi có nguồn gốc từ Nhật Bản với tốc độ bay rất nhanh và thức ăn của chúng là một loài chim khác, chim sáo (Blackbird). Điều “ngẫu nhiên” ở đây là Blackbird lại là tên của một dòng mô tô tới từ Honda – dòng xe đã từng nắm giữ kỷ lục về tốc độ trong phân khúc của mình.
Bên cạnh đó, có những cái tên nguyên gốc không có ý nghĩa nhưng cách diễn giải của người dùng “hợp” tới mức được gắn luôn cho dòng xe đó mặc cho nhà sản xuất có muốn hay không. Lấy ví dụ như dòng Honda DN-01 với biệt danh “Do not own one”, tạm dịch là… Đừng mua xe.
Ngay chính tên gọi của nhiều thương hiệu mô tô cũng là viết tắt của một cụm từ lớn hơn. Bimota là cụm từ kết hợp các âm tiết đầu tiên của tên 3 người chủ – Bianchi, Morri và Tamburini; BMW có nghĩa Bayerische Motoren Werke (Bavarian Motor Work – Công ty sản xuất xe xứ Bavaria); CCM là Clews Competition Machines, KTM là Kraftfahrzeuge Trunkenpolz Mattighofen. Tiền tố MV trong MV Agusta là sự kết hợp giữa Meccanica (Mechanic – Cơ khí) và Verghera – thành phố nơi chiếc MV đầu tiên được lắp ráp.
Một cách kết hợp ký tự và số khác có thể biểu trưng dòng động cơ mà chiếc mô tô đó sử dụng. Honda VTR và VFR là dòng xe đua động cơ V2 và V4 (V-Twin và V-Four Racing). Aprilia RSV thì là viết tắt của Racing Series V-Twin (dòng xe đua sử dụng động cơ V2). Về phần BMW, các dòng xe F mang nghĩa sử dụng động cơ với xy-lanh dọc, còn K là động cơ xy-lanh thẳng hàng trong khi R là dòng động cơ với xy-lanh nằm phẳng đặt ngang.
Riêng với BMW, họ còn phân nhóm các mẫu xe của mình ra xa hơn với các phiên bản khác nhau như GT (Gran Turismo), GS (Gelande and Strasse – Địa hình và đường phố), L (Luxury), RT (Reise Touring/Travel Touring) và ST (Sport Touring).
Các dòng xe Z của Kawasaki thì toàn bộ sử dụng động cơ 4 xy-lanh thẳng hàng với con số phía sau ám chỉ dung tích (Z250, Z500, Z650…). Về sau hãng sử dụng thêm 2 tên mã là ZZR và ZXR để chỉ 2 phiên bản Touring và Race Replica.
Riêng về phần Harley-Davidson, hãng sử dụng một hệ thống tên gọi riêng có quy tắc nhưng cực kỳ phức tạp và rộng, do đó chúng tôi sẽ dành hẳn 1 bài viết riêng về thương hiệu Mỹ.
Theo Ảnh: Rideapart / Autopro