X

Mua xe trả góp thế chấp giấy tờ gốc là phạm luật

Khi sử dụng phương tiện giao thông thế chấp để mua trả góp, giấy tờ gốc sẽ bị ngân hàng giữ lại. Chủ các phương tiện này có thể bị CSGT xử phạt bất cứ lúc nào.

Nhiều người dân mua xe theo dạng trả góp cho biết khi thực hiện giao dịch, họ chỉ được cầm giấy đăng ký xe bản phôtô công chứng, còn bản gốc thì phía công ty tài chính giữ lại. Điều này dẫn tới hệ quả chủ phương tiện có thể bị CSGT xử phạt bất cứ lúc nào, bởi họ không có bản gốc giấy tờ xe trong tay.

Ngân hàng muốn giữ giấy tờ gốc để làm tin

Chị Hà Thị Phượng (trú Thủ Đức, TP.HCM) cho hay tháng 7-2016 chị mua một chiếc xe máy dưới dạng trả góp, thủ tục giao dịch được thực hiện bởi Công ty Tài chính MTV quốc tế Việt Nam JACCS.

“Sau khi nhận xe khoảng một tuần, họ thông báo cho tôi đến nhận giấy đăng ký xe. Tuy nhiên, tôi chỉ được nhận bản phôtô có công chứng, bản gốc bị họ giữ lại” – chị Phượng nói.

Ngày 3-7-2017, chị Phượng tới trụ sở công ty tài chính nói trên để thực hiện tất toán. Sau khi hoàn tất thủ tục, nhân viên công ty giao trả giấy đăng ký xe bản gốc cho chị.

Như vậy, sau một năm kể từ thời điểm mua xe, chị Phượng mới được cầm trong tay giấy đăng ký xe của mình. Quá trình lưu thông phương tiện, chị không hề có giấy tờ gốc và có thể bị xử phạt bất cứ lúc nào.

Đặt câu hỏi về việc theo quy định thì khách hàng sẽ được giữ giấy tờ xe bản gốc, một nhân viên của JACCS cho hay chủ phương tiện chỉ có thể nhận giấy đăng ký xe sau khi tất toán. Nếu chưa tất toán, phía công ty sẽ giữ lại đến khi khách hàng trả đủ số tiền theo giao dịch.

Tương tự, một số nhân viên ngân hàng khi được hỏi về vấn đề này cũng đều cho biết nếu mua xe trả góp, khách hàng sẽ phải để lại giấy đăng ký xe bản gốc. Việc này nhằm đảm bảo cho tài sản thế chấp.

“Ô tô hoặc xe máy đều là những tài sản có giá trị, do đó phải giữ giấy đăng ký xe bản gốc để “làm tin”. Nếu muốn nhận giấy đăng ký xe bản gốc, khách hàng sẽ phải thế chấp bằng một tài sản khác thay vì chính chiếc xe đó, điều này sẽ khó khăn hơn, nhất là với các doanh nghiệp vận tải” – một nhân viên ngân hàng chia sẻ.

Người chạy xe không có giấy tờ gốc sẽ bị phạt!

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc quy định về việc phải cho bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế thì khách hàng (bên thế chấp) vẫn không được giữ bản chính.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 31-5, Cục CSGT (C67, Bộ Công an) đã có công văn gửi công an các tỉnh, thành hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng.

Cụ thể, C67 khẳng định những phương tiện thế chấp tại ngân hàng tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính giấy đăng ký xe trong thời gian hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định 163/2006 về giao dịch đảm bảo (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 11/2012).

Một lãnh đạo Cục CSGT cho hay Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Bản sao có chứng thực của các loại giấy tờ trên không có giá trị thay thế bản chính khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Khi thiếu một trong những giấy tờ đó, CSGT sẽ tiến hành xử phạt vi phạm. Điều này đã được quy định rõ trong luật.

Vị này cũng cho rằng phía ngân hàng cần có trách nhiệm phổ biến, tư vấn cho khách hàng về quyền lợi của họ, ở đây là việc được giữ giấy tờ bản gốc, trước khi thực hiện các thỏa thuận dân sự.

Một nguồn tin từ NHNN cho hay: Lâu nay các ngân hàng thương mại vẫn áp dụng cách giữ lại bản gốc các giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo khi thực hiện các hợp đồng tín dụng thế chấp. Chẳng hạn như hợp đồng mua bán nhà; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy đăng ký ô tô, xe máy. Việc giữ các giấy tờ này nhằm đảm bảo quá trình thực hiện hợp đồng cho vay chặt chẽ, tránh trường hợp người vay sử dụng giấy tờ đó để mua bán tài sản thế chấp ở ngân hàng. Khi cho vay, bản thân ngân hàng chỉ có mỗi giấy tờ đó để quản lý tài sản thế chấp. Khi giữ các giấy tờ đó, phía ngân hàng đều có giấy xác nhận để người vay sử dụng khi cần.

Nguồn tin này cũng cho biết Vụ Pháp chế NHNN sẽ rà soát lại và sẽ có thông tin chính thức về việc này, đồng thời sẽ làm việc với Bộ Công an để hai bên thống nhất phương án giải quyết vấn đề.

Theo Trả Phương – Tuyên Phan / Pháp luật