X

Mũ bảo hiểm – Bùa hộ mệnh cho các tín đồ mô tô Phân Khối Lớn

Mũ bảo hiểm là một phụ kiện không thể thiếu của những người điều khiển môtô, xe gắn máy nói chung và các tay đua nói riêng. Tuy là gần gũi, quen thuộc và là “bùa hộ mệnh” cho họ, nhưng rất ít các biker biết rằng mũ bảo hiểm ra đời từ khi nào.

Trung tá Thomas Edward Lawrence (T. E. Lawrence) là một sĩ quan quân đội Anh nổi tiếng vì vai trò của ông trong cuộc nổi dậy của Ả Rập chống sự thống trị của Đế quốc Ottoman – Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1916–1918.

Ông được xem là người lãnh đạo chiến tranh du kích nổi danh nhất trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, và là bậc thầy của phương thức “đánh và chạy” nhằm quấy rối và giam chân quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1935, Lawrence lái chiếc Brough Superior SS100 đã gặp tai nạn trên một đoạn đường hẹp gần ngôi biệt thự của ông tại Wareham. Nguyên nhân của vụ va chạm là do một chiếc hố trên đường đã khiến ông không nhìn thấy hai đứa trẻ đang đạp xe đến gần.

Chuyển hướng để tránh chúng, Lawrence đã mất lái và văng ra khỏi xe. Vì thời kỳ đó không có khái niệm “mũ bảo hiểm” nên ông bị chấn thương sọ não nặng và rơi vào trạng thái hôn mê. Ông từ trần sau 6 ngày sau, 19/05/1935

 Trung tá Thomas Edward Lawrence (T. E. Lawrence)

Ca tử vong của ông được nghiên cứu kỹ. Một trong số các bác sĩ đã chăm sóc cho ông là nhà phẫu thuật thần kinh Hugh Cairns. Ông bị ấn tượng mạnh bởi tai nạn, và sau đó tiến hành một nghiên cứu lâu dài về sự vong mạng không đáng có của Lawrence, bởi sự thiếu trang bị cho người lái xe dẫn tới chấn thương ở đầu. Nghiên cứu của Hugh đã dẫn tới việc sử dụng mũ bảo hiểm trong khi lái xe môtô quân sự lẫn dân sự sau đó và kéo dài cho tới ngày nay.

Kết cấu mũ bảo hiểm chuẩn

1. Vỏ mũ (phần vỏ bên ngoài có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội) được làm từ nhựa cứng chịu được thời tiết, nhiệt độ, không gây độc hại, dị ứng cho da tóc và ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.
2. Khối lượng của mũ không nặng quá 1,5 kg đối với mũ che cả hàm và không quá 1,0 kg đối với mũ che nửa đầu; Mũ cho trẻ em: không quá 1,2 kg đối với mũ che cả hàm và 0,8 kg đối với mũ che nửa đầu.

 Kết cấu cơ bản của một chiếc mũ bảo hiểm

3. Mũ và các vật gắn trên mũ không được có các gờ sắc, nhọn; Không sử dụng các bu lông, ốc, vít bằng kim loại.
4. Vỏ cứng của mũ phải che được các bộ phận cần bảo vệ của đầu và phải đảm bảo tầm nhìn cho người đội.
5. Mũ phải chịu được va đập( không nứt vỡ) và hấp thụ được xung động.
6. Khi thử đâm xuyên, mũi chuỳ không được chạm tới phần đầu.

 Thử độ bền, an toàn của mũ bảo hiểm tại nhà máy HJC

7. Quai đeo phải có khoá và đảm bảo đủ bền, độ giãn phải nằm trong giới hạn cho phép; đảm bảo độ ổn định theo tiêu chuẩn.
8. Kính chắn gió (nếu có) không làm sai lệch hình ảnh, đảm bảo độ truyền sáng; khi vỡ không tạo thành các mảnh có góc quá nhọn dễ gây thương tích cho người đội.

 Những mẫu mũ bảo hiểm cơ bản

Có 4 loại mũ bảo hiểm cơ bản dùng cho người lái môtô, còn các loại khác chỉ mang tính chuyên dụng. Tất cả đều được trang bị dây buộc cằm. Chỉ khi nào người lái thắt chặt dây buộc cằm sao cho thật vừa vặn với đầu thì tác dụng của chiếc mũ bảo hiểm mới được phát huy tối đa.

Loại hở mặt hoặc 3/4

Mũ bảo hiểm hở mặt hoặc 3/4 vẫn phủ kín phần sau sọ não. Nhiều chiếc còn trang bị vành lưỡi trai dài tùy chọn được sử dụng để tránh ánh nắng mặt trời. Mũ bảo hiểm hở mặt có khả năng bảo vệ phần não sau nhưng không che được mặt ngay cả trong trường hợp phi va chạm.

Những con bọ, bụi bẩn, thậm chí là gió, đập vào mặt và mắt có thể khiến người lái khó chịu hoặc bị thương. Đó là lý do tại sao khi đội mũ bảo hiểm hở mặt, người lái bao giờ cũng đeo thêm kính râm hoặc kính bảo vệ để che mắt. Ngoài ra, nhiều chiếc mũ 3/4 còn gắn thêm tấm che mặt mở rộng phần trên để bảo vệ mắt.

 Mũ bảo hiểm hở mặt hoặc 3/4 vẫn phủ kín phần sau đầu

Loại môđun hoặc lật (flip-up)

Mũ bảo hiểm môđun hoặc lật (flip-up) là sự kết hợp giữa loại full-face và hở mặt dùng trên đường phố thông thường. Ngoài ra, đôi khi chúng còn được gọi với cái tên “bỏ mui” hoặc “lật mặt”. Khi được lắp ghép đầy đủ và đóng lại, trông chúng rất giống loại mũ bảo hiểm full-face nếu có thêm thanh chắn cằm dùng để hấp thụ lực tác động lên mặt.

Thanh chắn cằm của mũ flip-up có thể xoay ngược lên trên (hoặc tháo rời) bằng một chiếc cần đặc biệt cho phép người sử dụng tiếp xúc với toàn bộ khuôn mặt. Nhờ đó, người lái vẫn có thể ăn, uống hoặc nói chuyện bình thường mà không cần phải nới dây buộc cằm và tháo mũ bảo hiểm.

 Mũ bảo hiểm môđun hoặc lật (flip-up)

Mũ bảo hiểm môđun được thiết kế để đội cố định trong suốt thời gian lái, vì thanh chắn cằm tháo lắp tùy chỉnh rất hữu dụng khi đứng yên. Tuy nhiên, hình dáng uốn cong của thanh chắn cằm mở và tấm che mặt có thể tăng lực kéo không khí lúc đang lái, do gió không chạy xung quanh giống như loại mũ 3/4.

So với loại hở mặt, thanh chắn cằm của mũ bảo hiểm môđun nhô ra xa hơn hẳn vùng trán, từ đó dễ gây nguy cơ chấn thương cổ cho người lái khi gặp tai nạn.

Loại off-road/motocross

Đặc trưng của mũ bảo hiểm off-road/motocross là phần cằm và vành lưỡi trai kéo dài, thanh chắn cằm, tấm che nửa mặt đi kèm cặp kính bảo vệ. Vành lưỡi trai có nhiệm vụ che ánh nắng mặt trời chiếu vào mắt người lái khi nhảy lên/xuống.

 MBH off-road/motocross là phần cằm và vành lưỡi trai kéo dài

Ban đầu, mũ bảo hiểm off-road không gắn thêm thanh chắn cằm. Người lái thường sử dụng mũ bảo hiểm gần giống loại hở mặt như hiện nay kèm theo mặt nạ để tránh bụi hay các mảnh vụn đất đá văng vào mũi và miệng.

Mũ bảo hiểm off-road hiện đại bao gồm một thanh chắn cằm (hình tam giác thay cho hình tròn) để bảo vệ mặt khỏi chấn thương, bụi bặm và đất đá bay xung quanh. Khi kết hợp đúng cách với kính mắt, người lái sẽ có cảm giác được bảo vệ.
Loại trùm kín đầu (full-face)

Mũ bảo hiểm full-face trùm kín phần đầu của người sử dụng với phần sau phủ toàn bộ sọ não và khu vực bảo vệ trước cằm. Loại mũ bảo hiểm này luôn có một khe hở trong vành đai chắn trước mắt và mũi cùng tấm che mặt bằng nhựa (trong suốt hoặc nhuộm màu) xoay lên xuống tùy ý. Bên cạnh đó, nhiều chiếc mũ full-face còn trang bị thêm lỗ thông khí nhằm lưu thông dòng không khí bên trong.

 Mũ bảo hiểm full-face trùm kín phần đầu

Điểm thu hút lớn nhất của loại mũ bảo hiểm full-face là khả năng bảo vệ. Một số người không thích chúng vì nóng, cô lập, thiếu gió và hạn chế khả năng nghe. Mũ bảo hiểm full-face dùng cho những tay đua off-road đôi khi còn tháo bỏ cả tấm che mặt nhưng mở rộng phần vành lưỡi trai và chắn cằm. Theo nhiều nghiên cứu, mũ bảo hiểm full-face bảo vệ người lái tốt nhất vì có đến 35% các vụ tai nạn gây ảnh hưởng đến vùng cằm. Các loại mũ bảo hiểm càng che chắn ít càng kém an toàn hơn cho người sử dụng.

Mũ bảo hiểm có thể giảm đáng kể số ca chấn thương và tử vong trong các vụ tai nạn. Vì vậy, rất nhiều quốc gia trong đó có cả Việt Nam đã đưa ra bộ luật bắt buộc người lái môtô phải đội chúng.

Webike.vn

Theo Autopnet