X

Cách khắc phục và phòng tránh tình trạng xe khó nổ máy

Xe khó nổ thường gây ức chế cho người sử dụng cũng như dễ làm lỡ việc của chúng ta. Vậy làm thế nào để xác định nguyên nhân và xử lý chúng?

Tương tự như con người, xe cộ và các loại máy móc đều sẽ có tuổi thọ nhất định của nó và khi này, chiếc xe sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề như lỗi vặt, bệnh lạ và những tiếng kêu khác thường. Những điều này thường gây phiền toái và sự không hài lòng cho chính những người điều khiển chiếc xe.

Ngày nay, những chiếc xe máy phổ thông đã được làm cẩn thận và chi tiết hơn, độ bền cao nhưng nó chỉ duy trì được trạng thái hoạt động tốt nhất khi mà chính những người chủ xe biết chăm sóc và bảo dưỡng chiếc xe của mình. Một trong những căn bệnh gây phiền toái và thường gặp nhất ở những chiếc xe máy là việc đề khó nổ, chậm nổ và không nhạy nổ.

Như vậy, khi gặp phải vấn đề “khó chịu” này trên chiếc xe của mình thì chúng ta phải xử lý ra sao ? Chế độ bảo dưỡng như thế nào để tránh, hạn chế nhất tình trạng “bệnh tật” này của xe ? Hãy cùng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Xe khó nổ vào buổi sáng hoặc trời lạnh

Đầu tiên, lý do phải kể đến về việc những chiếc xe máy thường hay bị khó nổ vào buổi sáng là do hiện tượng “xăng lạnh”. Hiện tượng này thường xảy ra phổ biến hơn vào những ngày mùa đông, trời lạnh làm khả năng bay hơi của xăng, dầu giảm mạnh. Điều này khiến cho hỗ hợp khí và xăng không đủ độ đậm đặc của hơi xăng và chính điều này gây ra việc khó kích nổ hỗn hợp này trong buồng đốt của xe, gây ra hiện tượng khó nổ máy xe vào buổi sáng.

Đi kèm với nguyên nhân thời tiết, có nhiều trường hợp khi không khí lạnh, kết hợp với độ ẩm cao như khi chúng ta đổ nước lạnh vào cốc nước, sẽ xảy ra hiện tượng ngưng tụ những giọt nước ở thành cốc. Trong buồng đốt hoặc các ống dẫn xăng cũng có khả năng xảy ra hiện tượng này. Hiện tượng này gây hiếm khí trong chế hòa khí và các ống dẫn cũng gây ra tình trạng khó đề nổ được xe trong những lần khởi động đầu tiên trong ngày.

Anh Tuấn – Kĩ thuật viên chính của một cửa hàng sửa xe tại đường Hoàng Hoa Thám cho biết – “Những xe có khóa xăng an toàn dạng chân không hiện đại thường xảy ra hiện tượng này hơn các loại xe khác bởi khi không sử dụng lâu, lượng không khí trong đường ống xăng sẽ gây ra ngưng tụ như vậy. Nguyên nhân chính của việc này nằm ở chế hòa khí, ống xăng và bộ phận đánh lửa, đầu bugi bị ảnh hưởng”

Phương pháp xử lý:

Biết được nguyên nhân của việc khó nổ do thiếu hơi xăng vào buồng đốt, có một số phương pháp sau sẽ giúp chiếc xe của bạn dễ nổ hơn vào lúc này như sau:

Khi xe khó nổ, việc kéo le gió để chặn đường gió tối đa đưa xăng vào khu vực buồng đốt để kích thích quá trình khởi động xe. Khi kéo le gió kích thích quá trình đề, chiếc xe sẽ “rồ” lên sau khi khởi động được bởi lượng xăng lọt vào buồng đốt lúc này là rất lớn. Lúc này cần nhả lại le gió về vị trí cũ khi máy đã đủ ấm, lúc này động cơ sẽ hoạt động lại bình thường.

Ngoài việc kéo le gió, các bạn còn có thể sử dụng tay ga, vặn tay ga ở 1/4 vòng ga và ấn giữ nút đề. Việc này cũng làm lượng xăng vào máy được bổ sung nhiều hơn có thể kích nổ được máy. Lưu ý không thực hiện việc này cùng lúc với việc ấn nút đề bởi sẽ có khả năng xảy ra tình trạng sặc xăng hay nhiều khả năng hỗn hợp có thể bị loãng hơn khi lượng không khí vào lớn.

Những chiếc xe số hoặc xe có cần đạp còn có thể dùng cần đạp đề khởi động, việc khởi động bằng cần đạp có khả năng làm hỗn hợp nhiên liệu và oxi vào buồng đốt lớn hơn, kích thích quá trình nổ máy dễ dàng hơn bằng cơ học.

2. Xe khó nổ do dầu đặc

Dầu xe quá cũ hoặc quá đặc cũng gây ảnh hưởng lớn đến bộ máy và quá trình đề nổ của xe. Xe khó nổ thường do dầu quá đặc khi thời tiết lạnh. Dầu nhớt khi quá đặc sẽ gây tình trạng “nặng máy” tức là các chi tiết máy trở nên “dít” do phải ma sát qua lớp dầu này. Vì thế mà những lần khởi động đầu tiên trong ngày sẽ hơi khó khăn khi hoạt động của máy bị ì ạch.

Phương pháp xử lý:

Để giải quyết vấn đề này, cần lưu ý sử dụng đúng dầu, đúng xe để đảm bảo hoạt động của cục máy được trơn chu nhất.

3. Xe khó nổ do Bugi

Việc khởi động của xe chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là xăng gió và bộ phận đánh lửa (loại trừ khả năng cục máy hỏng).

Xăng gió là việc của chế hòa khí hoặc phun xăng điện tử tùy vào loại xe và lửa chính là điện đánh kích nổ trong buồng đốt thông qua bugi. Như vậy, nếu xe có hiện tượng khó nổ hãy kiểm tra bugi xem có đánh lửa bình thường hay không để thay thế hoặc vệ sinh. Trong trường hợp bugi hoạt động bình thường, hãy kiểm tra xăng gió theo chế hòa khí hoặc hoạt động của hệ thống phun xăng điện tử.

4. Cách phòng tránh

Để phòng tránh những hiện tượng gây sự khó nổ cho chiếc xe của mình như trên, các bạn cần để xe ở những vị trí khô ráo, có nhiệt độ không quá thấp. Thực hiện bảo dưỡng thường xuyên và đúng cách, đủ quy trình sẽ làm chiếc xe hoạt động trơn chu hơn, tránh được những phiền toái khi sử dụng xe và cho trải nghiệm trên chiếc xe hoàn hảo, đầy đủ hơn.

Theo Tinxe