Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Những xe như Uber, Grab bộc lộ nhiều mặt hạn chế như góp phần làm gia tăng ùn tắc giao thông vì tăng số lượng phương tiện cá nhân, khác hẳn với mục tiêu đưa ra ban đầu đối với nhà nước ta, chừng mực nào đó ông đánh giá Uber, Grab không quá tốt đẹp như chúng ta thấy.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Uber, Grab làm gia tăng ùn tắc giao thông ở các đô thị. (Ảnh: Nguyễn Dương).
Đó là một trong những nội dung mà ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ trong chương trình “90 phút để hiểu” của Đài truyền hình Việt Nam.
Uber, Grab làm gia tăng tắc đường ở các đô thị ?
[embedyt] http://www.youtube.com/watch?v=PDqeLJyu6PQ[/embedyt]
Đánh giá sau 2 năm thí điểm (2016-2017), ông Thanh cho rằng, Uber, Grab đã có nhiều điểm tích cực khi tham gia vào thị trường vận tải ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, Uber, Grab cũng còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế như góp phần làm gia tăng ùn tắc giao thông vì tăng số lượng phương tiện cá nhân, khác hẳn với mục tiêu đưa ra ban đầu đối với nhà nước ta, chừng mực nào đó ông đánh giá Uber, Grab không quá tốt đẹp như chúng ta thấy.
Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) lại cho rằng, nói hơn 30.000 xe ứng dụng thí điểm phần mềm kết nối như Uber, Grab là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông thì hoàn toàn không đúng. Bởi vì, số lượng xe ô tô của cả nước là trên 3 triệu chiếc, như vậy hơn 30.000 xe như Uber, Grab chỉ chiếm 1% trong số này. Mặt khác, trên thị trường vận tải có khoảng 50 triệu xe máy, như vậy Uber, Grab cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số này, từ đó chúng ta phải đánh giá lượng xe Uber, Grab như vậy là nhiều hay ít?
Cũng theo ông Ngọc, hiệu suất sử dụng xe kiểu như Uber, Grab rất cao, 90% là xe chạy có khách, chỉ có 10% là xe chạy rỗng. Trong khi những xe ô tô không ứng dụng phần mềm kết nối thì lượng xe chạy rỗng trên đường rất cao, điều đó chứng tỏ xe ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn xe không ứng dụng thông tin.
Một vấn đề nữa ông Ngọc đưa ra đó là, một chiếc xe được đưa ra thị trường hay không là phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội:
“Khi anh đi một xe nào đó, vì một nhu cầu nào đó, thì rõ ràng là hoặc anh sẽ chọn xe taxi, hoặc là anh sẽ chọn xe hợp đồng. Nếu anh chọn xe hợp đồng thì xe taxi vẫn làm trong gara chứ không phải vì thế mà nó cũng chạy ra ngoài đường. Cho nên, lượng xe tăng lên, nhu cầu của người dân không đổi dẫn đến lượng xe đi ra ngoài đường không đổi” – ông Ngọc phân tích.
Bản chất Uber, Grab giống taxi?
Tại cuộc họp Tổng cục Đường bộ chiều 2/1, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu cơ quan tham mưu đề xuất quy định quản lý Uber, Grab đúng quy định, bình đẳng với các loại hình vận tải khác.
Theo ông Thể, Uber và Grab “có nước ủng hộ, có nước không”, tuy nhiên thời gian qua, theo phán quyết của Tòa án công lý châu Âu, Uber là loại hình vận tải. Ông Thể đề nghị Tổng cục Đường bộ cần tham mưu cho Bộ để làm sao quản lý Uber, Grab đúng quy định, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Uber sẽ được quản lý như một hãng dịch vụ vận tải tại EU.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, ông hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT. Bởi theo ông Thanh, Uber, Grab đã điều hành trực tiếp một chuyến xe cụ thể. Các xe chở khách kiểu như Uber, Grab cũng đưa đón khách từ điểm A đến điểm B rất giống với taxi, hình thức không có gì khác với taxi.
Tuy nhiên, ông Trần Bảo Ngọc thì lại đưa ra quan điểm khác và cho rằng: Uber và Grab hoặc các phầm mềm tương tự chỉ là những đơn vị dịch vụ cung ứng phần mềm để kết nối. Còn họ không có đủ điều kiện để kinh doanh vận tải, bởi theo luật giao thông đường bộ thì vận tải tức là hoạt động sử dụng các phương tiện cơ giới để vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa trên đường bộ. Như vậy, đơn vị kinh doanh phần mềm họ không có xe và không có lái xe thì họ không đủ điều kiện của một đơn vị kinh doanh vận tải; nhưng họ tham gia vào một chuỗi của hoạt động kinh doanh vận tải cho nên họ phải tuân thủ các quy định trong kinh doanh vận tải thì đúng, chứ nói họ là đơn vị kinh doanh vận tải thì không đầy đủ.
Không đồng tình với quan điểm của ông Ngọc, ông Thanh tiếp tục cho rằng, các xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi hoạt động như Uber, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải.
Ông Thanh cho biết, trong 2 năm thí điểm, số lượng xe kiểu như Uber, Grab đã tăng lên đột biến (khoảng 50.000 xe). Mà mục tiêu của Uber, Grab giới thiệu với nhà nước, với Bộ GTVT là vào Việt Nam sẽ giảm phương tiện cá nhân, chỉ thực hiện kết nối giữa hành khách và lái xe chứ không tham gia vào điều hành vận tải. Nhưng trong thực tế, thì Uber, Grab lại không làm đúng như vậy, họ đã tham gia trực tiếp vào điều hành vận tải, thu tiền của hành khách, trả tiền cho lái xe và chuyển tiền về nước mình.
Theo Nguyễn Dương
Nguồn Dân Trí