X

3 việc cần làm để bảo dưỡng xe côn tay vừa bào tour về

Dưới đây là 3 việc cần làm để bảo dưỡng xe côn tay vừa bào tour về mà các phượt thủ cần biết. Nếu bạn muốn những chiếc xe của mình luôn được mới và sử dụng lâu bền thì cần chú ý những bảo dưỡng quan trọng này sau khi hoàn thành một tour dài.

Rửa xe

Đây chắc chắn là điều hiển nhiên và đầu tiên bạn cần thực hiện sau những chuyến đi dài. Sau một thời gian dài hoạt động, đất cát sẽ bám khá chắc vào máy móc cũng như là các chi tiết khác trên xe.

Chỉ mới bào một tour nhẹ nhàng thôi cũng đủ làm xe dính bẩn

Các biker cần phải chú ý đến các bộ phận khác như: cục máy, cổ bô, phuộc, két nước, dàn áo và đặc biệt là nhông sên dĩa – bộ phận này rất dễ bị dính nhiều đất bẩn.

Những tour đặc thù như off-road hay đi vào đường đất đỏ, người bảo dưỡng xe nên tháo dàn áo ra để vệ sinh kĩ hơn những chi tiết nằm tít bên trong. Bởi đất đỏ như là 1 mối thù lớn của những chiếc xe, một khi đã ăn sâu vào rồi thì rất khó rửa.

Tháo dàn áo ngoài ra rửa là sạch sẽ thơm tho  

Kiểm tra tổng thể bên ngoài xe

Sau khi xế yêu của bạn đã được tắm rửa sạch sẽ thì việc làm quan trọng tiếp theo, đó là kiểm tra xem các bộ phận trên xe có đang ở mức hoạt động tốt nhất không?

Ví dụ như là sên bị trùng thì phải tăng lên. Lốp ăn đinh thì phải đi vá. Phuộc xì dầu thì phải sửa. Má phanh, dây côn là những chi tiết nhỏ nhưng cũng rất quan trọng cần phải kiểm tra.

Đặc biệt, nếu như các bộ phần này hư hại nhiều quá thì nên thay thế để an toàn hơn trong quá trình sử dụng.

Kiểm tra “nội tạng” xe

Máy móc động cơ và những chi tiết bên trong của chiếc xe thường rất khó hư hỏng nhưng không phải vì vậy mà người chủ xe được phép chủ quan sau những chuyến bào tour dài.

Đa số các xe đều có thể kiểm tra mực nhớt còn trong xe

Việc đầu tiên, các biker cần phải kiểm tra xem nhớt có bị hụt không? Hay là xem quãng đường đã đi có đúng với phân loại nhớt đã thay trước đó không? Như nhớt khoáng tầm 1000km, nhớt bán tổng hợp tầm 2000km, nhớt tổng hợp tầm 3000km. Nếu đã quá con số này thì nên tranh thủ thay sớm.

Nước mát (nước giải nhiệt) cũng vậy, nếu như mức nước đã xuống tới chữ Lower thì chủ xe nên chăm thêm vào hoặc cẩn thận hơn thì có thể súc két nước và thay nước mới luôn nhé!

Nếu bóp hết côn mà xe vẫn chạy, rất có thể dây côn đã dãn hoặc bị tụt nồi

Bộ nồi cũng là một bộ phận quan trọng, nếu như xe không còn được bốc, mau nóng hơn trước, bóp hết côn không cắt được thì nên mở lốc nồi ra kiểm tra nhé! Rất có thể đã bị tuột nồi.

Ngoài ra, đối với những chiếc xe đã độ công suất, lên trái lớn thì việc chẻ máy kiểm tra là vô cùng cần thiết. Sau một tour dài, hoạt động liên tục với tốc độ cao thì các chi tiết đã độ đã thay thế rất có thể bị hư hao, dù ít hay nhiều cũng nên tháo ra sửa chữa vì càng để lâu sẽ càng hại thêm cho túi tiền của mình mà thôi.

Cận cảnh động cơ bên trong của Sonic 150R

Trên đây là những việc làm căn bản để bảo dưỡng 1 chiếc xe côn tay khi vừa bào tour về. Chúc anh em biker luôn có một chuyến đi an toàn và con xe khỏe mạnh.

Webike.vn – Tổng hợp

Tags: