Hiếm có người nào tham gia lưu thông trên đường phố Việt Nam mà cảm thấy hài lòng. Mỗi ngày, mỗi trường hợp, mỗi con đường đều có những tình huống “khó đỡ” khiến không ít người khó chịu. Vô hình chung, giao thông Việt Nam có những nét riêng rất khác biệt nhưng cũng rất buồn.
Giao thông Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm hạn chế, chúng ta ắt hẳn sẽ không thể cảm thấy tự hào về những cái nhất sau đây:
Ồn ào nhất
Không bất ngờ với tình trạng này, khi ra đường chúng ta sẽ chỉ nghe thấy tiếng động cơ, tiếng còi xe, người cáu gắt… Mỗi người đều “góp gió thành bão” khiến thành phố trở nên “nhộn nhịp” hẳn. Hàng loạt thông điệp, slogan tuyên truyền được phát đi, nhưng hiệu quả của nó thì vẫn chưa thấy rõ.
Bấm còi nhiều nhất
Một thói quen đáng phê phán nữa là việc bóp còi của nhiều tay lái. Họ bóp còi thúc giục người phía trước, khi thấy khoảng trống nào vượt lên được thì bấm còi cố gắng len lỏi chen vào, bóp còi người đi bộ,… Đủ loại còi xe từ xe máy, xe hơi, còi hơi của xe tải chở hàng, xe container khiến nhiều người giật mình. Có lẽ ở Việt Nam từ lâu đã không còn tồn tại cái gọi là “văn hóa còi xe”.
Trong khi đó tại Thái Lan, bấm còi tức là thể hiện thái độ không tôn trọng. Còi chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết.
Lộn xộn nhất
Tình trạng này thường gặp khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, xe bus, ôtô, xe máy, xe đạp, xích lô, người đi bộ, mọi người đều có thể sử dụng chung làn xe, không phân biệt làn đường, người đi bên làn này có thể lấn làn bên kia đến ¾ phần đường, xe máy qua làn ô tô, ô tô qua làn xe máy. Đặc biệt vào giờ cao điểm, hàng ngàn chiếc xe chen chúc, cứ có khoảng trống là luồn lách, mệnh ai nấy chạy làm tình trạng tắc nghẽn càng nghiêm trọng hơn.
Nếu như mỗi người nhường nhịn nhau một chút, có lẽ thảm cảnh tắc đường ở Việt Nam sẽ được giải quyết đôi phần.
Lực lượng tham gia điều tiết xử lý giao thông nhiều nhất
Tại các quốc gia, phần lớn lực lượng cảnh sát giao thông chỉ có nhiệm vụ chính là điều tiết và giữ an toàn giao thông. Nhưng tại Việt Nam trong một số trường hợp thì từ lực lượng công an cơ sở, dân phòng tới cảnh sát cơ động, phản ứng nhanh… đều được huy động thể tham gia giữ gìn an toàn và điều tiết giao thông.
Nhiều người có thói quen đổ lỗi cho Nhà nước, cho cơ sở hạ tầng, cho người đi trước mà chưa bao giờ nhìn lại chính mình. Ai cũng muốn về nhà nhanh, về nhà sớm mà không nghĩ an toàn của bản thân mình và những người xung quanh. Gặp đèn vàng thì cố lên chút nữa, gặp đèn đỏ còn vài giây thì bấm còi inh ỏi, hùng hổ tiến lên vạch qua đường. Tình trạng lạng lách, đánh võng, say xỉn cũng có… nhưng khi hỏi thì luôn biện hộ được những lý do chính đáng. Thậm chí việc dừng đèn vàng còn bị chửi là “ngu” thì đúng là chuyện thật như đùa chỉ có ở Việt Nam.
Giá xe hơi ở Việt Nam đang đắt nhất thế giới
Trong top 10 quốc gia có giá xe cao nhất thế giới không có Việt Nam. Tuy nhiên, nếu rà soát dựa trên các mức thuế phí thực tế thì giá xe tại Việt Nam tương đương với giá xe tại nước xếp vị trí thứ 3 trong tổng 10 quốc gia có giá xe cao nhất thế giới là Indonesia, bởi sau khi tính toán xong các loại thuế phí thì giá xe nhập khẩu tăng tới 300% so với giá trị gốc của chiếc xe.
Nhiều trạm thu phí nhất
Trên thế giới tỉ lệ vốn BOT trong tổng vốn đầu tư hạ tầng giao thông chỉ khoảng 10%. Còn tại Việt Nam, tỉ lệ này lên đến 40%, mô hình chung BOT làm tăng chi phí vận tải và làm tăng giá các sản phẩm được vận chuyển, ví dụ một doanh nghiệp thuê xe tải để vận chuyển hàng nông sản như vậy giá thuê xe tải chở hàng sẽ bao gồm cả phí cầu đường, do đó giá nông sản bắt buộc phải tăng giá.
Sợ qua đường nhất
Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam coi rằng việc qua đường là nỗi ám ảnh rất lớn, nhất là ở những nơi không có tín hiệu đèn giao thông, người đi bộ tiến một bước nhưng nhiều phương tiện lưu thông nhất quyết sẽ không “đợi” bạn.
Webike.vn – Tổng hợp