Song song với các giải pháp đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Hà Nội cũng đang xúc tiến trình chính sách, cơ chế để hạn chế phương tiện vào năm 2030 nhằm xóa bỏ tình trạng ùn tắc giao thông.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đã tham mưu trình TP Hà Nội ban hành kế hoạch 212/2017 để triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND TP Hà Nội về các giải pháp hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông với 6 giải pháp.
Sáu giải pháp này thực hiện trong 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2017-2018, tập trung thực hiện giải pháp tăng cường quản quản lý phương tiện giao thông và quản lý Nhà nước về GTVT; từ năm 2017 đến 2030 từng bước hạn chế hoạt động của một số phương tiện trong một số khu vực; và từ năm 2030 là cấm xe máy trên địa bàn một số quận trung tâm.
Hà Nội đang xây dựng cơ chế, chính sách để có thể thực hiện giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân giảm ùn tắc giao thông
Theo kế hoạch, năm 2020 Hà Nội sẽ đưa vào khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị là Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội. Ngay cuối 2018, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ đưa vào hoạt động; tuyến Nhổn – ga Hà Nội sẽ đưa vào khai thác trước đoạn ga Hà Nội – Cầu Giấy vào năm 2020.
Liên quan đến mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, do một số tuyến đường sắt trên cao liên quan đến nguồn lực, tiến độ bị chậm, Sở GTVT Hà Nội đang cân đối lại biểu đồ vận tải hành khách công cộng, các tuyến xe buýt. Hiện nay, 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đã phủ sóng xe buýt có trợ giá.
“Thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông, Hà Nội sẽ mở tiếp các tuyến buýt kết nối ngang, buýt mini… để mục tiêu đến năm 2020, hành khách chỉ phải di chuyển tối thiểu 500m là có thể tiếp cận được phương tiện giao thông công cộng. Chúng tôi đang cân đối để có phương án tốt nhất bù đắp cho các tuyến đường sắt trên cao chưa đưa vào hoạt động bằng cách sẽ tăng cường các tuyến buýt”- ông Tuấn cho hay.
Đề cập đến những khó khăn mà một số thị lớn như Hà Nội gặp phải, ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT-Bộ GTVT) cho rằng, bất cứ siêu đô thị nào trên thế giới cũng có nhiều thách thức cần phải giải quyết trong quá trình phát triển. Nhằm thực hiện chủ trương theo Nghị quyết 04 để Hà Nội trở thành thủ đô văn minh hiện đại, Hà Nội đang gặp một số khó khăn.
Đặc biệt là việc phát triển phương tiện công cộng trong bối cảnh quỹ đất nội thành hữu hạn. Theo tính toán, hiện nay vào giờ cao điểm, lượng phương tiện lưu thông đang vượt quá năng lực phục vụ khoảng 3,6 lần.
Cần giải pháp đặc thù
Theo ông Chung, Hà Nội đang đi đúng hướng bằng cách lập đề án phát triển phương tiện công cộng, trong đó có giải pháp tăng số lượng buýt mini để hỗ trợ. Kết quả khảo sát tại 21 nút giao thông và 125 tuyến phố Hà Nội cho thấy, hiện chỉ 10% diện tích mặt đường phục vụ cho xe buýt, có tới 90% dành cho xe cá nhân. Do đó cần có sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội, hạn chế phương tiện cá nhân, ưu tiên mặt bằng cho phương tiện công cộng hoạt động.
Giám đốc Trung tâm đô thị và nông thôn nhận định: “Muốn giải quyết các điểm ùn tắc giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà không có giải pháp đặc thù sẽ không giải quyết được. Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy, hiện có 150 thành phố đang áp dụng kiểm soát hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, biện pháp này phải đi đôi với việc nỗ lực phát triển phương tiện công cộng chứ không thể áp dụng một cách khiên cưỡng. Chỉ khu vực nào đủ điều kiện cho phương tiện công cộng hoạt động mới tiến tới giảm hạn chế phương tiện cá nhân”.
Đề cập rõ hơn về lộ trình hạn chế phương tiện, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, Nghị quyết 04 có lộ trình thực hiện tới năm 2030. Hiện Sở GTVT đã nghiên cứu, xem xét có một số cơ chế, chính sách để báo cáo UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ, nếu cơ chế này được thông qua, sẽ triển khai các bước tiếp theo.
Tới nay, UBND TP Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo một số nội dung, trong đó có đề xuất thu phí đường bộ các phương tiện giao thông ở một số khu vực có nguy cơ ùn tắc cao để hạn chế phương tiện đi vào. Tuy nhiên, thời gian chính xác triển khai Đề án hạn chế phương tiện cá nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, hiện chưa thể “chốt” thời điểm.