Ngày nay với khoa học kĩ thuật tiến bộ, xe máy cũng được áp dụng rất nhiều công nghệ tiên tiến như ở xe hơi, để tạo nên những sự hỗ trợ an toàn cao nhất cho người lái.
Phanh ABS (Anti-lock Braking System): Hệ thống chống bó cứng phanh.
Đây là công nghệ mà hầu hết các mẫu xe đời mới ngày nay áp dụng từ các xe phân khối nhỏ đến lớn. Khi thực hiện phanh gấp, hệ thống ABS sẽ nhấp nhả má phanh liên tục nhờ vào các cảm biến gắn trên đĩa phanh giúp má phanh không ghì chặt vào đĩa phanh. Điều này giúp bánh xe không bị khóa chặt và trượt trên mặt đường mà dừng dần theo một chuyển động tịnh tuyến giảm dần.
Hệ thống ABS bao gồm 3 phần chính: mắt đọc gắn trên đĩa phanh, bộ điều chỉnh áp lực thắng và bộ điều khiển trung tâm (ECU). Có thể dễ dàng nhận biết xe có được trang bị hệ thống ABS hay không bằng cách quan sát trên đĩa phanh có một vòng đĩa nhỏ có các khe hở, các khe hở này gọi là vòng xung (pulser ring) có tác dụng đo lường tốc độ của bánh xe và báo về ECU.
Tuy nhiên hệ thống ABS này cũng có nhược điểm rõ rệt. Đó là tăng quãng đường phanh dài hơn và trong một vài trường hợp sử dụng xe ở đường cát sỏi làm cho hệ thống ABS tự động kích hoạt một cách không cần thiết.
ABS chỉ có tác dụng khi xe hoạt động với tốc độ từ 30 km/h trở lên. Người lái xe không nên phó mặc tất cả cho hệ thống ABS. Quan trọng là cần phải tập luyện kỹ năng lái xe, kỹ năng phanh xe để chủ động xử lý tình huống nguy hiểm xảy ra trên đường. Tuy nhiên phải nói rằng, ABS cũng là công nghệ an toàn quan trọng, và việc điều khiển 1 chiếc xe có phanh ABS cũng mang lại sự tự tin đáng kể cho người cầm lái.
Công nghệ kiểm soát bám đường (Traction Control System)
Chuyện gì sẽ xảy ra khi đang lên ga ôm cua thì bánh sau không còn độ bám và người lái không thể kiểm soát được? Lúc này hệ thống kiểm soát độ bám đường sẽ can thiệp và giảm công suất từ động cơ ra bánh sau, giúp bánh sau quay chậm lại. Hệ thống này vô cùng hữu ích đối với những xe có momen xoắn cực đại quá cao hay khi chạy vào những đoạn đường ướt (thường thấy ở các xe mô tô phân khối lớn, xe đua).
Hệ thống này giải thích “đơn giản” chính là việc nhận các dữ liệu về vòng quay bánh xe, bướm ga, tốc độ thông qua các cảm biến và xử lý thông tin. Khi nhận ra bánh xe bị mất ma sát với mặt đường, ECU sẽ ra lệnh để điều chỉnh công suất động cơ, mô men xoắn nếu cần thiết.
Có 3 cách để giảm công suất động cơ: thứ nhất là làm chậm quá trình đánh lửa thường được áp dụng trên các mẫu xe của BMW và Aprilia. Thứ hai là ngắt đánh lửa trong xi-lanh, Kawasaki chủ yếu sử dụng phương pháp này. Cuối cùng là điều chỉnh bướm ga đối với các xe có hệ thống điều khiển bướm ga điện tử.
Hệ thống chống bốc đầu xe máy (Anti Wheelie Control)
Hệ thống này được trang bị chủ yếu trên các dòng xe sport có momen xoắn cao như Yamaha R1, BMW S1000RR, Ducati 1299 Panigale… giúp bánh trước của xe không bị nhấc lên khỏi mặt đường khi tăng tốc đột ngột.
Hệ thống có 3 bộ phận chính: cảm biến tốc độ ở 2 bánh xe giúp phát hiện được tốc độ quay của 2 bánh bị lệch với nhau. Cảm biến độ giãn của giảm xóc trước xác định được giảm xóc đã bị giãn tối đa hay chưa và cuối cùng là cảm biến trọng tâm xe.
3 cảm biến này sẽ hoạt động liên tục và khi phát hiện xe có dấu hiện bị nhấc bánh trước lên sẽ thông báo về ECU xử lý và ngắt tạm thời động cơ cho đến khi bánh trước “trở lại” mặt đường.
Công nghệ sang số cấp tốc (Quick Shifter)
Một người chạy xe thông thường sẽ mất 0,6 giây cho việc chuyển số bao gồm nhả ga, bóp côn, chuyển số, nhả côn và vặn ga trở lại. Tuy nhiên khi xe được trang bị hệ thống sang số nhanh (Quick Shifter) thì việc chuyển số chỉ cần vài mili giây là hoàn thành.
Hệ thống này chỉ có một cảm biến được gắn trên cần số nối với bộ điều khiển trung tâm (ECU). Khi người lái tác động lực lên cần số, cảm biến này sẽ chuyển dạng lực sang tín hiệu điện và truyền về ECU. ECU sẽ ngưng cung cấp lửa cho động cơ trong khoảng 0,015 giây giúp cho việc chuyển đổi giữa các nhông số diễn ra dễ dàng hơn.
Các mẫu xe không được lắp sẵn hệ thống sang số nhanh có thể lắp đặt hệ thống này từ các hãng thứ 3 như UMA, Aracer, Power Commander… với giá bán từ 4 triệu đồng trở lên.
Hệ thống ga điện tử tự động (Ride by Wire)
Công nghệ này chỉ mới xuất hiện từ khoảng năm 2006 với khả năng liên kết chính xác giữa điện tử và cơ khí. Xe được trang bị ga điện tử sẽ không còn dây ga mà thay vào đó là hệ thống cảm biến, điển hình là trên mẫu xe huyền thoại Yamaha R6 hay “cá mập” BMW S1000RR. Việc loại bỏ dây ga giúp người lái vặn ống ga nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
Khi nhận được tín hiệu từ ống ga, ECU dựa trên các chỉ số về tốc độ, vòng tua máy… và ra lệnh cho bộ phun nhiên liệu làm việc. Tuy nhiên vì là hệ thống điện tử nên sẽ có độ trễ nhất định và dễ hư hỏng khi sử dụng tại khu vực có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam.
Tổng hợp
Tags: công nghệ