X

Đâu là giới hạn của “độ xe” ?

“Độ xe” đang là một trào lưu và có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNGT. Vậy “độ xe” ở mức nào là không phạm luật, bảo đảm an toàn? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trí – Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN về vấn đề này.

 

Hiện, nhiều chủ phương tiện đang có thú chơi “độ xe” (thay đổi lại một hay nhiều tính năng hoặc kiểu dáng không theo chuẩn mực của nhà sản xuất). Điều này ảnh hưởng thế nào đến sự an toàn của phương tiện cũng như ATGT, thưa ông?

Ô tô, xe máy được các hãng sản xuất thiết kế tính toán, thử nghiệm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và mục đích sử dụng cụ thể theo từng loại xe. Việc tự ý “độ xe” không theo hướng dẫn của hãng sản xuất làm thay đổi cấu tạo, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, đặc tính kỹ thuật của xe làm cho thông số kỹ thuật của ô tô, xe máy không còn phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn chuyển động của xe, dễ gây tai nạn khi tham gia giao thông.

“Tất cả các hành vi tự ý “độ xe” không thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đều nguy hiểm, gây mất ATGT và đều bị xử phạt khi tham gia giao thông theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ”.  (Trích lời ông Nguyễn Hữu Trí – Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN)

Việc “độ xe” có thể gây mất an toàn cho xe và người điều khiển hoặc gây nguy hiểm cho người cùng tham gia giao thông. Ví dụ, khi lắp bóng đèn của đèn chiếu sáng phía trước không đúng quy định có thể gây chói mắt cho người đi ngược chiều. Hay việc sử dụng lốp không đúng kích cỡ, kiểu loại sẽ làm sai lệch chỉ số đồng hồ tốc độ, không đảm bảo sự làm việc chính xác của hệ thống phanh, thay đổi chiều cao trọng tâm xe làm thay đổi về động học và động lực học của xe…
Tất cả các hành vi tự ý “độ xe” không thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đều nguy hiểm, gây mất ATGT và đều bị xử phạt khi tham gia giao thông theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.

Tại một số nước, phong trào “độ xe” cũng rất phát triển. Vậy theo ông, đâu là giới hạn của việc “độ xe”?

Việc “độ xe” phải theo hướng dẫn của hãng sản xuất và đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Thực tế, tại các nước tiên tiến, các hãng độ xe đều phối hợp chặt chẽ với các hãng sản xuất để được thử nghiệm và chứng nhận các phụ kiện, thông số kỹ thuật của xe sau khi “độ” thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Như tại Đức, nếu muốn “độ” hoặc cải tạo ô tô thì chủ xe phải có phương án trình cơ quan quản lý. Khi đó cơ quan này sẽ tính toán đầy đủ các yếu tố kỹ thuật thì mới cho phép tiến hành cải tạo. Đối với mô tô, xe máy, tại một số nước, chủ phương tiện trình phương án cải tạo và nếu đạt yêu cầu sẽ được cho thi công ngay tại xưởng của Nhà nước.

 

Trong thời gian qua, các cơ quan đăng kiểm đã kiểm soát hành vi độ xe này như thế nào?

Ô tô vào kiểm định tại các Trung tâm đăng kiểm phải thỏa mãn các quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT ngày 24/6/2009 của Bộ GTVT và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới được phép lưu hành. Tôi khẳng định là các xe tự ý cải tạo, cải tạo không đúng thiết kế đã được phê duyệt đều bị từ chối kiểm định và không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định.

 

Trong thời gian tới, liệu Việt Nam có thực hiện việc đăng kiểm đối với loại xe này hay không?

Ở Việt Nam hiện nay, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, TNGT vẫn đang là vấn đề gây bức xúc, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội, cần nhiều giải pháp để kiềm chế, chúng ta không cho phép “độ xe”.

Nếu chỉ thay thế một số chi tiết phụ kiện bên ngoài, không ảnh hưởng đến an toàn thì pháp luật không cấm. Nhưng tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, cấu tạo của xe như: Làm lại hơi để tăng công suất động cơ, thay đèn, thay lốp, vành xe, màu sơn… thì bị cấm bởi như vậy sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống kết cấu, gây mất ATGT và nguy hiểm cho người đi đường.

Cảm ơn ông!

Theo Antoangiaothong
Danh mục: XE MOTO PKL