X

Đã đam mê độ xe thì phải chấp nhận chịu tốn PHẠT

Trào lưu độ xe hiện nay không còn quá xa lạ với giới trẻ Việt Nam nữa, đã đam mê tốc độ thì dĩ nhiên muốn sở hữu một chiếc xe độ mang phong cách riêng cho mình.

Tuy nhiên, thú chơi “độ” xe đang vi phạm các quy định về luật an toàn giao thông, hoàn toàn có thể bị phạt khi lưu thông ngoài đường. Điều đáng ngại hơn nữa, rất nhiều chiếc xe “độ” lại có nguồn gốc là xe cũ, xe cổ, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, ảnh hưởng đến môi trường.

Chơi là phải xác định bị phạt

Ngồi trên chiếc xe Honda CD 125 được “độ” lại với hình dáng khá đặc biệt, Tuấn vít ga chiếc xe lao nhanh về phía trước, tiếng máy nổ giòn tan phát ra từ chiếc ống xả, kèm theo là làn khói trắng khiến người đi đường một phen hoảng sợ.

Cảnh sát giao thông xử lý một chiếc xe có hình thù kỳ lạ.

Đỗ xịch ở một quán cà phê ven đường, Tuấn hất hàm đầy vẻ tự mãn: “Thấy thế nào? Con này độ lại cả vỏ, cả máy đó… chạy thì khỏi phải chê luôn. Anh đảm bảo với chú 100 người đi đường thì cả 100 lác mắt mà dõi theo”.

Anh Nguyễn Huy Tuấn là tay chơi xe “độ”, cũng là tay “độ” xe có tiếng tại khu vực Quang Trung (Hà Đông). Anh cho hay, “độ” xe có 2 loại là “độ” ngoại thất (thay đổi dáng xe cho đẹp, bắt mắt) và “độ” máy móc để nâng cấp tốc độ, cải thiện sức máy.

Với xu hướng hiện nay, việc “độ” ngoại thất phổ biến hơn, được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Tùy vào sở thích, phong cách của người chơi mà mỗi chiếc xe sẽ được “khoác” cho mình chiếc áo mới hoàn toàn. Với kiểu “độ” ngoại thất thì từ chiếc xe đời mới cho đến những chiếc xe có tuổi cả vài chục năm.

“Tùy vào mục đích của người chơi xe mà tôi làm thôi. Có người dùng nó để đi đua, người thì muốn mình phải nổi bật ở trên đường, thể hiện cá tính. Nói gì thì nói, khi đã “độ” theo cách nào thì cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ, thậm chí cả độ an toàn của xe”- Tuấn tâm sự.

Theo chia sẻ của Tuấn, nghề “độ” xe hiện nay được coi là khá hot, kiếm tiền không khó. Do nhu cầu chơi xe ”độ” ngày càng nhiều, dân “độ” xe lùng sục khắp nơi, mua lại xe cũ của người dân, thậm chí còn vào các bãi xe phế liệu để tìm hàng. Những chiếc xe tưởng chừng như đồ bỏ đi này qua tay thợ sẽ trở nên phong cách và đẹp long lanh.

Theo tiết lộ của giới “độ” xe, tính cả tiền mua xe cũ, mua đồ và công “độ”, khi bán ra cũng có thể lãi gấp đôi, có thể gấp 3 lần. “Việc đi mua xe cũ về độ cũng như đi câu vậy, may thì mua được con xe còn ngon, dòng xe ưa thích. Mình có thể làm xe theo đơn hoặc tự thiết kế, sau đó khách thích thì đẩy đi thôi.

Thường thì khách chơi muốn thay thế các bộ phận bên ngoài xe; hoặc can thiệp vào máy móc, sử dụng phụ tùng khác để xe chạy nhanh hơn, tiếng máy phát ra mạnh mẽ hơn. Dù “độ” theo phong cách nào thì người chơi đều muốn thể hiện cái tôi, cái đặc biệt của mình thông qua chiếc xe.

Một fanpage chuyên ”độ” xe tại Hà Nội.

Các đồ thay thế cũng tùy theo, người chơi muốn hàng xịn, chất lượng thì đắt đỏ, đồ thay thế đôi khi còn đắt hơn cả chiếc xe. Năm ngoái tôi có lên khu Hiệp Hòa (Bắc Giang) bế được gần chục con Minsk, mang về nhà tha hồ độ. Tính ra đợt ấy cũng kiếm cả trăm triệu chứ chẳng chơi” – anh Tuấn chia sẻ.

Dân chơi xe “độ” luôn ý thức được những chiếc xe của mình, họ thừa hiểu rằng việc “độ” xe phải căn cứ vào thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Những hành vi dễ bị phát hiện và xử lý nhất như: thay đổi màu sơn, bóng đèn, đặc biệt là thay đổi vị trí, kích thước, màu sắc của biển kiểm soát…

Mức xử phạt hành vi “độ” xe được quy định tại các khoản 1 và 3, Điều 30 của Nghị định 171/2013/NĐ – CP ngày 13-11-2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

“Thực ra chiếc xe nào “độ” lại đều vi phạm hết, xác định chơi xe thì phải chấp nhận bị phạt, thậm chí mất xe luôn. Nhưng cưỡi trên con xe mình yêu thích thì những điều đó cũng đáng thôi” – Nguyễn Minh Tú (Giảng Võ, Hà Nội) – dân chơi ”độ” xe tâm sự.

Theo giới chơi xe “độ”, người “độ” xe có nhiều nhưng để có tiếng tăm trong giới không phải ai cũng đạt được. Nếu chỉ “độ” một chiếc xe ở mức bình thường thì thợ sửa xe nào cũng có thể làm được.

Một mẫu xe “độ” được giới trẻ ưa chuộng.

Nhưng để độ được một chiếc xe mang phong cách “có một không hai” thì là cả một vấn đề. Phải là những tay thợ cao, có mắt thẩm mỹ hiểu biết về máy móc, phụ tùng để thay thế lắp đặt cũng là vấn đề.

Người chơi yêu cầu chiếc xe không chỉ đẹp, mà còn khỏe để đi phượt dài ngày, thậm chí chạy xuyên Việt, khi đó người thợ cao tay mới dám nhận. “Thợ “độ” phải là người có mắt thẩm mỹ, sáng tạo. Phải nắm được những quy tắc và thiết kế cơ bản của từng dòng xe thì người thợ mới có thể “độ” được.

”Độ” những chiếc xe thông thường thì không khó khăn, nhưng để giới chơi để ý tới thì phải có những chiếc xe “độ” để đời. Phải đạt đến mức, khi người ta nhìn vào xe có thể nói rõ luôn ai đã “độ” ra nó” – anh Tuấn cười nói.

Mất an toàn

Giới “độ” xe luôn khẳng định rằng, những chiếc xe máy dù cũ hay mới được “tân trang”, thay đổi thiết kế gốc đều ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe. Không những vậy, nó còn kéo theo rất nhiều rủi ro, do thay đổi nhiều chi tiết nguyên bản.

Rõ ràng đây là một thú chơi chính đáng của người yêu xe máy, nhưng những chiếc xe “độ” có phần quá đà đang gây ra khá nhiều nguy hiểm cho bản thân người đi và người đi đường, thậm chí vi phạm luật giao thông. Đặc biệt hơn, những dân chơi có máu đua xe trái phép thì những chiếc xe của họ phải được “độ” để có thời gian tăng tốc ngắn, tiếng máy gầm rú càng mạnh càng tốt.

Những chiếc xe này là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người đi đường. Từ dòng xe cũ như Honda 67, Honda CD, Suziki Sport đến những chiếc xe đời mới như Yamaha Exciter, Honda Dream…, hễ tham gia đua trái phép là phải độ.

Nguyễn Văn Đức (Đức “tổ”, Thanh Xuân, Hà Nội), một trong những thanh niên ưa mạo hiểm, thường xuyên tham gia các cuộc đua tốc độ quanh Hồ Gươm chia sẻ: “Cứ đi đua thì xe nào cũng phải độ lại hơi, doa lại lòng… Bọn em đôi khi chẳng cần hình thức, chỉ cần xe khỏe, đảm bảo được an toàn là chiến. Như con Dream của em hay chạy, em lên lại hơi 150 phân khối, cơ bản là muốn tăng tốc nhanh thôi anh. Nếu để nguyên bản thì không đua nổi với chúng nó. Lên hơi như vậy an toàn hơn, Cảnh sát giao thông khó phát hiện ra, nếu ”độ” vỏ dễ ăn “bớ” (bắt) lắm”.

Những chiếc xe cũ nát thế này vào tay thợ “độ” sẽ trở nên cá tính và bắt mắt.

Những chiếc xe được đưa ra thị trường đều được nhà sản xuất nghiên cứu kỹ lưỡng về thiết kế và độ an toàn. Chính vì thế, khi những chiếc xe này được “độ” đã thay đổi chất lượng và độ an toàn.

Việc chơi xe “độ” tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, có thể xảy ra tai nạn giao thông. Thực tế, việc “độ” xe thường dựa vào kinh nghiệm của người thợ, đa phần không được đào tạo bài bản.

Chính vì vậy, trong quá trình lắp ráp có thể xảy ra lỗi, gây ra sự cố, gây tai nạn cho người điều khiển. Trong trường hợp, những chiếc xe được lắp thêm ống pô, ống xả làm tiếng máy phát ra quá lớn, khiến người cùng tham gia giao thông hoảng loạn, giật mình, có thể gây tai nạn.

“Bất kỳ ai chơi xe “độ” đều biết, chỉ cần sử dụng gương chiếu hậu khác với thiết kế của hãng đã đủ bị xử phạt rồi, nhiều người vì đam mê mà chấp nhận vi phạm các quy định. Nhiều người còn phun sơn lại, dán lại màu không đúng với đăng ký, theo sở thích của mình. Ngày trước tôi mê mấy chiếc xe như vậy lắm, rất muốn mình sở hữu một chiếc xe phá cách, tiếng máy phải gầm rú mới thể hiện sự mạnh mẽ. Bây giờ dần dần cũng không có ham hố mấy trò ấy nữa, ai nhờ thì mình làm cho thôi, gọi là kiếm mấy đồng thu nhập ngoài việc sửa chữa xe hàng ngày. Trước khi làm xe tôi vẫn nói với khách như vậy để họ cân nhắc, vì chắc chắn đi trên những con xe “độ” sẽ bị Cảnh sát giao thông kiểm tra” – Nguyễn Minh Tú cho biết.

Không những vậy, Quyết định 16 ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, quy định môtô, xe máy, ô tô các loại thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ, theo đó, từ ngày 1-1-2018, xe gắn máy, môtô thuộc diện thải bỏ sẽ bị thu hồi, xử lý để đảm bảo môi trường.

Có thể thấy, những chiếc xe máy cũ, cổ được dân “độ” “khai quật” cũng là một trong những diện cần phải thu hồi, xử lý. Đây là việc không hề đơn giản đối với cơ quan chức năng.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào cho phép chủ xe can thiệp vào thiết kế ban đầu do nhà sản xuất xe đưa ra. Khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo, hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Việc thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế ban đầu được chế tạo và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là hành vi trái với quy định của pháp luật.

Theo Phong Anh (CSTC)
Nguồn:nld.com