X

CSGT đã “biết cười nhiều hơn, học nói nhiều hơn”!

Theo Thượng tá Sỹ, trước khi có cuộc “cách mạng văn hóa ứng xử”, nhiều nơi CSGT nói trống không, thậm chí hoạnh họe, dọa nạt người dân nhưng đến nay CSGT đã “biết cười nhiều hơn, học nói nhiều hơn”.

Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, nguyên Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, người đã công tác trong lực lượng CSGT gần 40 năm vừa cho ra mắt cuốn sách với đề tựa Hồi ức của một sỹ quan cảnh sát giao thông ở Hà Nội. Với  26 câu chuyện trải dài trên 300 trang sách, Trên những ngả đường đời là những câu chuyện từ thực tế về văn hóa ứng xử của những người công tác trong lực lượng CSGT Hà Nội. Báo Giao thông có cuộc trò chuyện với tác giả sau vài ngày sách ra mắt độc giả.

Chuyện “vụn vặt” – một phần tài sản trong đời sống tinh thần của tôi

Nhà văn Chu Lai đã đánh giá, “Trên những ngả đường đời” không phải là tự truyện mà là cuốn sách của những ân tình được tác giả dành tặng bạn bè, đồng nghiệp. Lý do gì đã thôi thúc anh viết cuốn sách này?

Không phải bây giờ đã nghỉ hưu mà tôi thừa thời gian để ngồi viết lại những điều nhỏ bé không ít người cho là vụn vặt chẳng có ý nghĩa gì. Tôi viết cuốn sách cũng rất đơn giản, bởi tất các câu chuyện, con người mà tôi đề cập trong đó đều đã để lại trong tôi những rung động nhất định.

Những trang sách là hồi ức về cả quãng thời gian đi học, ra trường và gần 40 năm công tác trong lực lượng CSGT của tôi. Đó là những kỷ niệm, những tình huống thường ngày trong công tác, những người đồng đội, cấp trên và cả người dân tham gia giao thông, họ đã trở thành một phần tài sản trong đời sống tinh thần của tôi.

Trong cuốn sách, anh đã dành hẳn một chương viết về “Những người trưởng phòng”, trong đó có đề cập đến cuộc “cách mạng văn hóa ứng xử” khởi xướng từ thời ông Nguyễn Duy Ngọc là Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội (hiện ông Ngọc mang quân hàm Thiếu tướng, giữ chức Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an – PV)? Đến nay, anh thấy việc này đã được thực hiện thế nào so với trước kia, khi mà CSGT rất hay nói trống không với người dân?

“Những câu chuyện nhỏ bé của anh đã hé mở cho chúng ta nhiều điều mà hầu như chúng ta chưa biết. Chuyện về những gian khó mà đồng đội anh phải trải qua, về một phần công việc vất vả, khó khăn, không ít cạm bẫy và cả nguy hiểm của các cán bộ, chiến sỹ CSGT, về những đồng đội mà anh coi như những người thầy trong cuộc sống và trong công việc, về những tấm lòng nhân ái âm thầm của cán bộ, chiến sỹ CSGT, về những người dân đã dạy cho anh bài học về tình yêu thương con người và về cả những phiền muộn và dày vò trong cuộc việc của mình… Tất cả những câu chuyện ấy được anh kể lại với sự trung thực, chân thành, đầy cảm xúc, nhiều suy ngẫm và luôn chứa đựng thông điệp về lẽ sống của con người.”

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Đúng là trước khi có “cuộc cách mạng” đó, nhiều nơi CSGT nói trống không với dân, có trường hợp hoạnh họe, dọa nạt người dân. Nhiều trường hợp ứng xử, sử dụng ngôn ngữ của CSGT không phù hợp đã được phản ánh với anh Ngọc ở thời điểm đó. Chẳng hạn như có tình huống mà tôi cũng đã kể lại trong sách: “Người vi phạm: Tôi là người nhà anh N. CSGT: N nào?. – Anh N Phó phòng ấy. Anh N “hết đát” rồi nhé”. Hay như: “Em là người nhà anh Ng.” “Ng nào?”. “Anh Ng trước làm đội trưởng, bây giờ anh ấy là Phó phòng CSGT đường sông”. “Xuống sông mà xin Ng. nhé”. Thú thực, nghe được những cuộc đối đáp giữa CSGT và người vi phạm như vậy khiến tôi buồn mãi.

Khi anh Ngọc khởi xướng, mọi người rất ủng hộ. Năm 2010, giám đốc công an thành phố đã ký ban hành quyết định quy định những điều được làm và không được làm đối với CSGT trong khi làm nhiệm vụ. Từ đó, lực lượng CSGT bắt đầu nhận được ngày một nhiều hơn những lời khen, những lá thư cảm ơn của nhân dân.

Sự khởi nguồn của anh Nguyễn Duy Ngọc và sự kế tiếp của anh Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng đương nhiệm – PV) cho đến nay đã đưa đến sự chuyển dịch quan trọng trong cách ứng xử của người CSGT. Tôi cho rằng, đến nay CSGT đã “biết cười nhiều hơn, học nói nhiều hơn”. Sự dịch chuyển đó đến với từng CSGT, một ngày nào đó nó cũng sẽ đến với người dân, sau lần vi phạm họ sẽ tôn trọng pháp luật hơn, tôn trọng người thi hành công vụ hơn.

Chương cuối cùng của cuốn sách là bài “Thư gửi những người đi qua ngã tư”, thông điệp của anh là gì?

Qua các câu chuyện, tôi muốn gửi tới những người tham gia giao thông chứ không chỉ là những người đi qua các ngã tư. Bởi, ngã tư ở đây không chỉ là cách nói về đặc điểm và tình trạng giao thông ở Hà Nội và các đô thị trên các nước.

Ngã tư không chỉ có người tham gia giao thông mà là nơi những người đồng đội của tôi hàng ngày cần mẫn dầm mưa, dãi nắng, họ vui với niềm vui của mọi người khi lưu thông qua ngã tư được thông suốt an toàn không phải dừng lại lâu vì ùn tắc giao thông. Không những thế, tại các ngã tư cũng gắn những vui buồn của các đồng đội khi nơi họ đứng chỉ huy giao thông có những người bị ngã xe, bị TNGT do người khác gây ra. Tôi muốn mọi người chia sẻ với những vất vả, khó khăn của CSGT.

“Trong nồi cơm, đôi khi vẫn còn sót hạt thóc”

Thẳng thắn mà nói, có một thực tế là hình ảnh CSGT hiện nay trong mắt không ít người dân chưa được đẹp, dù công việc của lực lượng CSGT rất khó khăn, vất vả. Theo anh, vì sao lại có chuyện đó?

Chúng ta cần phải nghĩ đơn giản đi, ngay khi chúng ta nấu cơm ăn hàng ngày và trong nồi cơm đó có sót những hạt thóc. Nhưng không vì vậy chúng ta không thể nghĩ rằng nồi cơm đó không ngon.

Có một thực tế là lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, CSGT thường “ngại” nhà báo và những người vi phạm có quen biết với lãnh đạo quan chức nên họ thường bỏ qua hoặc xử lý nhẹ. Điều đó có đúng không?

Không hẳn như vậy, mà có thể nó chỉ đúng trong một vài trường hợp rất nhỏ. Lực lượng CSGT trong quá trình xử lý của mình thì ngoài quy định của pháp luật thì cũng có những trường hợp cụ thể, từng điều kiện có thể vô tình hoặc vì một lý do gì đó dẫn đến vi phạm giao thông, lỗi nhẹ nên có thể bỏ qua, chứ không hẳn anh là nhà báo, anh có quen biết.

Vì vậy, khi được chỉ ra, được tuyên truyền thì người vi phạm đã nhận ra ngay, anh em làm nhiệm vụ trên đường thấy vậy cũng có thể có sự châm chước, mà sự châm chước này nhiều khi còn có tác dụng hơn đến việc xử phạt họ.

Thời anh còn công tác, anh có thường xuyên nhận được điện thoại nhờ can thiệp xử lý vi phạm không? Nếu có thì anh đã xử lý thế nào?

Chuyện đó với tôi cũng rất bình thường, vì tôi cũng có người nhà vi phạm nhưng câu chuyện đó còn tuỳ vào trường hợp cụ thể. Ví dụ, có những trường hợp hàng ngày anh đi làm con đường đó nhưng vẫn cố tình đi vượt đèn đỏ, đi đường cấm, đương nhiên anh đã sai rồi nhưng không nhận thấy điều sai của mình. Trường hợp đó tôi không bao giờ can thiệp. Còn những người nào đó ở Hà Nội hoặc các tỉnh vi phạm giao thông mà có gọi cho tôi, tôi sẽ hỏi lại anh em làm nhiệm vụ trên đường, nếu thấy đúng là không may vi phạm, lỗi đơn giản thì có thể chỉ là nhắc nhở, tuyên truyền thôi và việc đó cũng mang lại hiệu quả rất cao.

Thực tế cho thấy, không ít chiến sĩ CSGT không nắm vững kiến thức pháp luật và xử lý tình huống kém, chính điều đó đã khiến người dân bức xúc. Theo anh, cần làm gì để cải thiện tình hình?

Đây là vấn đề chung của cả xã hội, không phải riêng một lĩnh vực nào, không chỉ riêng ngành nào. Ngay trong lực lượng CSGT nhiều người rất giỏi nhưng cũng có những cán bộ chiến sĩ trẻ mới ra trường nên còn thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra còn có những lý do khác nữa, ngay cả tôi có những lúc rất bình tĩnh, nhưng có lúc ứng xử không hay lắm.

Theo anh, để người dân luôn yêu mến, tin tưởng, giúp đỡ lực lượng CSGT thì CSGT cần phải thế nào, ngược lại người dân cũng nên ứng xử ra sao khi vi phạm giao thông?

Trả lời câu hỏi này, tất cả đã có trong nội dung từng câu chuyện trong cuốn sách. Cuốn sách này tôi viết về những điều đơn giản mà xã hội nói rất nhiều. Tôi muốn góp phần thay đổi, tác động ở một điều gì đó đến CSGT, những đồng đội của tôi.

Trong cuốn sách, những chuyện tôi ví dụ tôi trích dẫn dù chỉ là những việc rất nhỏ nhưng cũng là những thông điệp gửi đến mọi người một tình cảm và nhìn nhận về CSGT tốt hơn.

Cảm ơn anh!

 

Thượng tá Trịnh Văn Sỹ sinh ngày 30/6/1959 tại làng Đa Sĩ, nay là phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Thượng tá Sỹ có 39 năm 9 tháng công tác trong ngành Công an. Anh làm việc trong lực lượng CSGT ở cả Công an Hà Sơn Bình, Công an Hà Tây và Công an TP Hà Nội. Năm 2008 khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, từ đó đến khi nghỉ hưu (cuối năm 2017), Thượng tá Trịnh Văn Sỹ giữ chức vụ Phó trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

Webike – Tổng hợp