X

Có nhiều lý do khiến dân sợ CSGT mặc thường phục

Mặc quân phục công an mà còn có kẻ dám giả, nói gì thẻ ngành đa số người dân chưa từng thấy qua; Một số CSGT mặc quân phục mà còn công khai ‘làm luật’, nếu mặc thường phục, làm sao kiểm soát được?…

Từ ngày 28-10, lực lượng CSGT Công an TP Vinh (Nghệ An) lập các tổ công tác mặc thường phục tuần tra, kết hợp lực lượng công khai để xử lý người không đội mũ bảo hiểm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Cụ thể, khi phát hiện người vi phạm, CSGT sẽ xuất trình thẻ ngành, chỉ ra lỗi vi phạm, yêu cầu kiểm tra hành chính theo quy định pháp luật. Sau đó, người vi phạm sẽ được đưa đến tổ xử lý vi phạm công khai để xử lý.

Ý thức chấp hành luật giao thông kém

Theo giải thích của lãnh đạo Công an TP Vinh, thời gian gần đây nhiều thanh niên trên địa bàn không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy lạng lách gây mất an toàn giao thông. Thực hiện Thông tư 01 của Bộ Công an và Kế hoạch 212 của Công an tỉnh Nghệ An, lực lượng CSGT Công an TP Vinh đã hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, đồng thời qua đó nâng cao ý thức chấp hành của người dân.

Cách làm này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bạn đọc Nguyễn Quốc Việt cho rằng: “Ở TP Vinh, tôi thấy người tham gia giao thông ý thức rất kém. Họ có thể không đội mũ bảo hiểm, chạy lạng lách, đặc biệt là thanh niên. Còn vượt đèn đỏ thì rất nhiều, kể cả phụ nữ, người già. Theo tôi, CSGT hóa trang để phát hiện những người tham gia giao thông có hành vi vi phạm rồi sau đó phối hợp với lực lượng tuần tra công khai xử lý thì tiêu cực khó có thể xảy ra”.

Đồng quan điểm, một số bạn đọc cho rằng việc này sẽ giải quyết được tình trạng có những người thấy có CSGT mới nghiêm túc chấp hành luật giao thông, thấy bóng dáng CSGT thì báo hiệu cho nhau để qua mặt. “Vì sao CSGT phải giả thường dân? Đó là do người dân không tự giác chấp hành luật giao thông. Ý thức chấp hành luật quá kém, chỉ tuân thủ khi có mặt CSGT. Dễ thấy nhất khi tới ngã tư có đèn xanh, đèn đỏ; nếu có CSGT thì không sao, không có là chạy loạn xạ. Mình dừng đúng vạch có khi bị xe phía sau cố vượt đèn đỏ ủi luôn”- Bạn đọc Tran Chau nêu ý kiến.

Lo sợ trộm cướp giả dạng

Đồng ý xử lý nghiêm người vi phạm luật giao thông là cần thiết và nhất định phải làm. Tuy nhiên, số đông bạn đọc cho rằng có nhiều cách hay hơn như phạt nguội, phạt qua camera…, còn một khi CSGT mặc thường phục sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Thứ nhất, vi phạm luật giao thông không phải là tội phạm nguy hiểm để cảnh sát phải cải trang bắt. Thứ hai, mặc quân phục công an mà còn có kẻ dám giả, nói gì thẻ ngành đa số người dân chưa từng thấy qua, nếu người dân gặp phải trộm cướp giả dạng, ai sẽ chịu trách nhiệm? Thứ ba, một số CSGT mặc quân phục mà còn công khai “làm luật”, nếu mặc thường phục, làm sao kiểm soát được? Thứ tư, làm việc gì cũng phải đường đường chính chính, phải mặc quân phục.

“Tất cả là do cách xử lý yếu kém của mình mà ra… Cứ trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, di chuyển liên tục trên đường, bắt gặp người tham gia giao thông vi phạm thì lập biên bản phạt, giam giữ phương tiện theo luật định, bắt phải học luật lại… Tới lúc đó, người tham gia giao thông không sợ mới lạ…”- bạn đọc My truong góp ý.

Việc thổi phạt của một CSGT có quân phục chỉnh tề, thái độ lịch thiệp, sẽ đạt được mục đích răn đe nhiều người (ảnh: Tấn Thạnh)

 

Tương tự, bạn đọc Lê Văn nêu: “Việc thổi phạt của một CSGT có quân phục chỉnh tề, thái độ lịch thiệp, thì sẽ đạt được mục đích răn đe nhiều người, người bị phạt cũng tâm phục khẩu phục. Ví dụ, một xe máy dừng đèn đỏ quá vạch vôi bị thổi phạt sẽ răn đe cho hàng chục người đang dừng lúc đó”.

Bạn đọc Minh cho rằng: “Cứ mặc quân phục làm việc nghiêm chỉnh, không phạt sai lỗi thì không cần hóa trang, ý thức người dân cũng sẽ được nâng cao. Còn kiểu làm việc “chớp nhoáng” như CSGT Huế bị báo chí phanh phui vừa qua, hay nhận hối lộ các chủ phương tiện ghe thuyền, xà lan của CSGT đường thủy Công an Đồng Nai…thì người dân sẽ mất niềm tin, ý thức chấp hành kém vì nghĩ có tiền là giải quyết được”.

Người thực thi nhiệm vụ phải liêm chính

Theo nhiều bạn đọc thực tế đang diễn ra phổ biến hiện tượng tiêu cực khi bắt lỗi và xử lý vi phạm. Cần phải thấy rằng chính hành vi tuân thủ các quy định pháp luật, sự nghiêm túc, liêm chính khi thi hành công vụ của lực lượng CSGT; bên cạnh việc hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc…, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, tạo thói quen, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.

Webike.vn

Theo Vy Thư