Không chỉ bây giờ, những ưu việt của công nghệ thu phí không dừng đã được khẳng định ngay từ khi Thủ tướng chấp thuận triển khai áp dụng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh từ năm 2015.
Tuy nhiên, đáng buồn hiện vẫn còn không ít chủ đầu tư tìm đủ mọi cách trì hoãn, thậm chí có chủ đầu tư đã lắp đặt, nhưng vẫn tìm cách trì hoãn việc áp dụng.
Một trong những lý do là các nhà đầu tư BOT không muốn công khai, minh bạch trong nguồn thu. Thực tế, thời gian qua, thông qua giám sát, một số trạm BOT có mức thu tăng hàng trăm triệu đồng so với báo cáo. Những thông tin này khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi về sự minh bạch của các trạm BOT.
Mặc dù vậy, tất cả những bất cập đó sẽ được giải quyết triệt để khi triển khai đồng bộ hệ thống thu giá không dừng. Tại nhiều cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã kiên quyết khẳng định không lùi tiến độ thu giá tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Thu giá không dừng hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người dân, để người dân tin tưởng vào tính công khai, minh bạch của thu giá BOT. Do vậy, ai xin lùi tiến độ dự án sẽ bị kỷ luật”, người đứng đầu Bộ GTVT quyết liệt nói.
Cũng theo Bộ GTVT, mục tiêu 11 trạm còn lại trên QL1 và đường Hồ Chí Minh sẽ phải hoàn thành việc lắp đặt thu giá không dừng vào tháng 3/2018. Ngay sau đó, việc triển khai lắp đặt trạm thu giá không dừng sẽ được mở rộng ra tất cả các trạm trên cả nước và hoàn thành vào năm 2019. Tuy vậy, khó khăn hiện nay lại nằm ở việc dán thẻ cho các xe. Sau nhiều năm triển khai và tuyên truyền về lợi ích của thu giá không dừng, nhưng số lượng xe dán thẻ rất khiêm tốn, ở mức 500.000 xe.
Từ nay đến hết năm 2018, phải triển khai dán thẻ cho toàn bộ 3 triệu xe ô tô trên cả nước là nhiệm vụ rất nan giải. Càng khó khăn hơn khi hiện nay chưa có cơ chế bắt buộc mà vẫn chỉ phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện của các chủ phương tiện. Một lãnh đạo VETC thẳng thắn chia sẻ: “Dán thẻ thu giá không dừng dù đã được miễn phí nhưng chúng tôi xác định như những người “đánh giày”, phải làm sao phục vụ chu đáo và thuận tiện nhất cho người dân”.
Với tinh thần đó, VETC đã đến từng trụ sở cơ quan, doanh nghiệp và triển khai nhiều điểm lưu động tại các trạm thu giá, dừng nghỉ để dán thẻ cho các chủ xe. VETC cũng phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Viettel triển khai thanh toán, nạp tiền dịch vụ thu giá tự động không dừng thông qua giao dịch và ứng dụng BankPlus của hệ thống thanh toán của Viettel. Theo đó, sẽ có 300.000 điểm giao dịch của Viettel trên toàn quốc hỗ trợ khách hàng nạp tiền vào tài khoản thu giá không dừng đến tận xã, phường, tại nhà để tạo thuận lợi nhất cho chủ xe.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sự tự nguyện, sẽ rất khó đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra. Do đó, để minh bạch và giải quyết bức xúc trong thu giá BOT, các cơ quan chức năng cần luật hóa và quy định việc bắt buộc dán thẻ thu giá không dừng với tất cả các loại xe trên địa bàn cả nước. Chỉ có như vậy, mục tiêu và kế hoạch thu giá không dừng trên địa bàn cả nước mới có thể hoàn thành.
Theo Trần Duy